Thu hút khách du lịch tàu biển

.

Khách du lịch đến Đà Nẵng bằng đường tàu biển ngày một tăng nhưng các dịch vụ phục vụ cho dòng khách này vẫn còn hạn chế. Vì vậy, thành phố cần những giải pháp phù hợp để tăng sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch tàu biển.

Trong 10 tháng đầu năm 2018, có hơn 102.000 lượt khách tàu biển đến Đà Nẵng, tăng hơn 42% so với cùng kỳ năm 2017.  						         Ảnh: THU HÀ
Trong 10 tháng đầu năm 2018, có hơn 102.000 lượt khách tàu biển đến Đà Nẵng, tăng hơn 42% so với cùng kỳ năm 2017. Ảnh: THU HÀ

Theo Sở Du lịch thành phố, trong giai đoạn từ 2012-2017, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm về tổng số lượt khách du lịch tàu biển đạt 10,8%; số chuyến tàu đạt 5,4%.

Trong 10 tháng đầu năm nay, Đà Nẵng đã có 77 chuyến tàu biển cập cảng Tiên Sa, đưa hơn 102.000 lượt khách tham quan Đà Nẵng, Quảng Nam (tăng 23 chuyến, tăng 42% lượt khách so với cùng kỳ 2017). Trong đó, khách Trung Quốc khoảng hơn 86.000 lượt (chiếm 82% tổng lượt khách, tăng 120% so với cùng kỳ 2017).

Một số đơn vị chuyên khai thác khách tàu biển như: Saigontourist, Pacific Legend, Destination Asia, Khang Huy… đã chủ động xây dựng nhiều chương trình du lịch, các tour ngắn đến chùa Linh Ứng, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm hay những tour xích lô quanh thành phố, mua sắm tại chợ Hàn; tour xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh...

Lần đầu tiên đến Đà Nẵng bằng đường tàu biển, vợ chồng bà Jullie Bernard, quốc tịch Pháp chia sẻ: “Tôi đã nghe nhiều về những chiếc xích lô của Việt Nam và bây giờ thật thích thú khi đi tham quan thành phố Đà Nẵng bằng phương tiện này.

Trên đường đi, chúng tôi đã ghé thăm Bảo tàng Điêu khắc Chăm, nơi trưng bày nhiều hiện vật quý giá về lịch sử Champa. Tuy nhiên, nếu được, các bạn nên có nhiều cửa hàng bán sản vật địa phương hoặc có thêm các tour về vùng quê để chúng tôi có thể trải nghiệm”.

Ông Nguyễn Tất Thưởng (phụ trách khách tàu biển của Công ty TNHH Destination Asia - Chi nhánh Đà Nẵng) cho hay, thời gian lưu lại của khách tàu biển thường ngắn, bình quân chỉ 1-2 ngày. Vì thế, thành phố nên xây dựng những sản phẩm du lịch thực sự đặc sắc dành cho thị trường khách này.

Ví dụ, khách mang quốc tịch Âu, Bắc Mỹ… thường thích những sản phẩm mang tính cộng đồng, trải nghiệm phong tục, tập quán địa phương. Do đó, thành phố nên đầu tư, khôi phục một số làng nghề truyền thống như: làng chiếu Cẩm Nê, làng rau La Hường; hình thành các sản phẩm du lịch sinh thái ở phía tây thành phố; bổ sung thêm những cụm mua sắm - ẩm thực - vui chơi - giải trí quy mô lớn.

Cần mở rộng những cụm mua sắm, ẩm thực, giải trí để giữ chân du khách ở Đà Nẵng lâu hơn. Trong ảnh: Du khách đang mua sắm tại chợ Hàn.
Cần mở rộng những cụm mua sắm, ẩm thực, giải trí để giữ chân du khách ở Đà Nẵng lâu hơn. Trong ảnh: Du khách đang mua sắm tại chợ Hàn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Indochina Unique Tourist cho biết cuối tháng 10 vừa qua, lần đầu tiên ngành du lịch thành phố tham dự sự kiện tàu biển hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Seatrade Cruise Asia Pacific) tại Thượng Hải, Trung Quốc.

Đây có thể được coi là bước đi quan trọng trong việc xây dựng kế hoạch phát triển du lịch tàu biển của thành phố trong khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Đà Nẵng xúc tiến dự án cảng Liên Chiểu, đưa cảng Tiên Sa thành cảng du lịch.

Thực tế hiện nay, tàu du lịch cập cảng Tiên Sa phải neo đậu chung với tàu chở hàng hóa, tạo tâm lý không yên tâm đối với du khách. Bên cạnh đó, cảng chưa có khu vực chuyên biệt để làm thủ tục nhập cảnh, hỗ trợ tìm hiểu thông tin về điểm đến cho du khách…

“Chúng ta nên tận dụng cơ hội này kêu gọi các nhà đầu tư đủ năng lực tham gia quy hoạch và phát triển cảng Tiên Sa thành cảng du lịch quốc tế. Nếu cảng Tiên Sa đầu tư đúng chuẩn quốc tế sẽ có nhiều tàu lớn đưa khách tham quan đến Đà Nẵng, thay vì khai thác khoảng 120 chuyến/năm như bây giờ, cảng Tiên Sa có thể đón 365 chuyến/năm hoặc nhiều hơn nữa”, ông Thủy phân tích.

Là đơn vị khai thác khách tàu biển Trung Quốc, ông Lý Đắc Nam, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khang Huy Holiday lại cho rằng, để du lịch tàu biển phát triển bền vững, cần nhanh chóng đầu tư cơ sở hạ tầng; đặc biệt, cần có cảng biển chuyên phục vụ khách du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng mang tính truyền thống của địa phương, đồng thời kêu gọi các đơn vị mở rộng thêm các sản phẩm du lịch để “giữ chân” du khách lưu lại dài ngày.

Thành phố Đà Nẵng đang đầu tư mọi mặt để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó, tập trung đầu tư phát triển du lịch tàu biển và phấn đấu đến năm 2020 sẽ đón hơn 9 triệu khách, riêng khách quốc tế hơn 3 triệu (khách tàu biển 185.000 lượt khách).

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho hay, thành phố đang triển khai đầu tư phát triển cảng Liên Chiểu để cảng Tiên Sa trở thành cảng chuyên dụng phục vụ khách du lịch. Đồng thời, thành phố cũng đang kêu gọi đầu tư xây dựng các dịch vụ phục vụ khách đạt tiêu chuẩn quốc tế tại cảng như: nhà chờ, lưu niệm, ẩm thực, nghệ thuật...

“Chúng tôi đang thực hiện nghiên cứu, khảo sát thị trường nhằm đưa ra những sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp với thị hiếu, thị trường khách và chương trình tour dành cho khách du lịch tàu biển; tiếp tục đưa các giá trị văn hóa phi vật thể vào các chương trình tour như: diễn tuồng, múa Chăm, hát dân ca bài chòi, múa rối nước...; trưng bày, giới thiệu và bán những trang phục, nhạc cụ, mô hình liên quan phục vụ nhu cầu quà lưu niệm cho du khách”, ông Bình nói.

Điểm quan trọng nữa là đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến du lịch thông qua các hãng tàu, các hội chợ, hội nghị chuyên đề về du lịch tàu biển tại Singapore, Anh, Ý và Hoa Kỳ... để quảng bá và thu hút khách du lịch tàu biển.

Bài và ảnh: THU HÀ

;
.
.
.
.
.
.
.