Kinh tế
Hiệp định CPTPP: Mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức được thông qua mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng; đồng thời đặt ra những yêu cầu cho DN Việt Nam về đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực có chất lượng cao đáp ứng sự đòi hỏi khắt khe từ các quốc gia cùng tham gia hiệp định này.
Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương sẽ đem lại nhiều cơ hội thúc đẩy phát triển. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Đà Nẵng: Xuất khẩu của Đà Nẵng sẽ có nhiều lợi thế
Hiệp định CPTPP chính thức được thông qua mở ra nhiều cơ hội, lợi thế cho DN Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đà Nẵng (chiếm từ 30% - 35% tổng lượng hàng xuất khẩu của thành phố).
Nhìn vào cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Đà Nẵng thì chủ lực vẫn là điện, điện tử; dệt may, thủy sản, đồ chơi trẻ em (chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố). Do vậy, khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, các mặt hàng này có nhiều cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu vì có nhiều lợi thế.
Bên cạnh đó, Hiệp định CPTPP sẽ mở ra những cơ hội “vàng” cho DN như mở rộng, đa dạng hóa thị trường, nhất là các thị trường Việt Nam chưa tiếp cận. Hiện nay, DN dệt may của Đà Nẵng đã có định hướng mở rộng ra các thị trường mới hoặc thị trường mà kim ngạch xuất khẩu còn hạn chế như: Mexico, Peru, Canada, New Zealand… Tuy nhiên, để thành công trong việc tận dụng cơ hội này, các DN phải giải quyết yêu cầu về xuất xứ hàng hóa; đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh với những quốc gia nội khối (CPTPP) có sản phẩm xuất khẩu tương đồng.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước: Tạo thuận lợi để doanh nghiệp thủy sản cạnh tranh
Hiệp định CPTPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với giá trị cốt lõi là tạo thuận lợi thương mại thông qua việc cắt giảm thuế quan đối với các quốc gia tham gia trong nội khối. Trong Hiệp định CPTPP, Canada và Peru sẽ xóa bỏ thuế quan hoàn toàn về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Một số nước khác cắt giảm thuế theo lộ trình, lâu nhất là 16 năm. Vì vậy, đây là cơ hội để các DN thủy sản Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng gia tăng sản lượng xuất khẩu sang thị trường truyền thống là Nhật Bản; đồng thời, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường mới như Canada, Peru, Mexico…
Ngoài ra, một lợi thế lớn từ hiệp định này là giúp DN thủy sản nâng cao khả năng cạnh tranh với nhiều đối thủ chưa tham gia các hiệp định thương mại cũng như các quốc gia sản xuất cùng ngành nghề lân cận trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia...
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đầu tư mở rộng thêm nhà xưởng, tăng hàm lượng giá trị của sản phẩm nhằm gia tăng sản lượng xuất khẩu ở các thị trường truyền thống cùng nằm trong Hiệp định CPTPP như Canada, Nhật Bản…
Ông Lê Trung Thảo, Giám đốc Xí nghiệp chế biến gỗ Vinafor Đà Nẵng: Kỳ vọng có thêm thị trường mới
Các quốc gia tham gia vào Hiệp định CPTPP là những đối tác mà ngành gỗ Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng đã gắn bó và hợp tác lâu năm như Úc, Nhật Bản, New Zealand… Đây là những quốc gia mạnh về lâm nghiệp nên việc hợp tác xuất nhập khẩu sẽ mang lại cơ hội lớn. Hiện tại, phần lớn sản lượng xuất khẩu của công ty qua thị trường Mỹ. Chúng tôi kỳ vọng sẽ có thêm những thị trường mới do lợi thế từ việc nước ta ký kết Hiệp định CPTPP. Khi thuế suất thuế nhập khẩu về 0% thì thuế nhập công nghệ và thiết bị giảm nên công ty có điều kiện nhiều hơn trong mua máy móc, thiết bị và công nghệ từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Canada...
Đồng thời, việc được tiếp cận với các đối tác lớn mạnh trên thế giới giúp DN nâng cao năng lực quản trị. Để tận dụng thành công lợi thế từ Hiệp định CPTPP, chúng tôi đang mở rộng quy mô trồng nguyên liệu để chủ động khi đơn hàng tăng lên. Chúng tôi cũng dự kiến xin thành phố cho phép xây dựng thêm một xưởng sản xuất mới nhằm nâng cao năng suất sản xuất của đơn vị.
HOÀNG LINH ghi