Đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, số người làm nông giảm nên việc đầu tư nông nghiệp công nghệ cao theo hướng đô thị hóa là đòi hỏi tất yếu ở quận Cẩm Lệ hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Liệu (phải) và mô hình nuôi gà lấy trứng của gia đình. |
Áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, nông dân quận Cẩm Lệ những năm qua đã tạo ra những sản phẩm nông nghiệp mang dấu ấn đô thị, bảo đảm an toàn sinh học, nâng cao chất lượng đời sống. Tại phường Hòa Phát, định hướng phát triển nông nghiệp tại đây cũng không nằm ngoài xu hương phát triển theo hướng áp dụng công nghệ cao. Năm 2017, địa phương triển khai trồng thí điểm mô hình rau thủy canh tại trụ sở UBND phường.
Theo ông Ngô Ngọc Thành, Chủ tịch Hội Nông dân phường, sau nhiều lần thử nghiệm, đến nay, mô hình này đã mang lại hiệu quả rõ rệt, cho rau sạch với năng suất cao. “Mới đây, lãnh đạo địa phương đã tổ chức ghi vốn với một nhà đầu tư về việc triển khai dự án trồng rau thủy canh.
Trong đó, giai đoạn 1 sẽ được đầu tư 100 triệu đồng, bao gồm xây dựng vườn rau thủy canh mẫu do UBND phường quản lý, tạo điều kiện cho người dân địa phương được tham quan học tập mô hình cũng như chuyển giao công nghệ miễn phí, hướng dẫn trồng rau thủy canh theo hướng thương phẩm”, ông Thành nói.
Cũng áp dụng công nghệ vào trồng trọt, đến nay, vườn lan mokara của anh Lê Thành Trung đã trở thành thương hiệu quen thuộc của Đà Nẵng, riêng anh Trung là nông dân tiêu biểu sản xuất kinh doanh giỏi năm 2018 do Trung ương Hội Nông dân khen tặng.
Hiện diện tích trồng lan của anh Trung là 3.000m2 với quy mô 35.700 cây, được chăm sóc theo công nghệ tưới phun sương và bón phân tự động thông qua điều khiển bằng điện thoại di động, mỗi năm cho lãi khoảng 2 tỷ đồng.
“Tôi đang chuyển giao công nghệ kỹ thuật và bao tiêu tất cả sản phẩm hoa đầu ra cho 4 vườn tại Đà Nẵng, 1 vườn tại Quảng Bình; đồng thời mở rộng thêm vườn hoa lan của gia đình tại xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) với diện tích khoảng 4.500m2”, anh Trung cho biết thêm.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều mô hình mới gắn với ứng dụng khoa học, công nghệ cũng được nông dân áp dụng như nuôi gà Đông Tảo - giống gà rất phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết tại địa phương, không bị dịch bệnh. Hay mô hình chăn nuôi gà siêu trứng của ông Nguyễn Văn Liệu, phường Hòa Thọ Tây với quy mô 5.000 con, lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng/năm.
“Hệ thống chuồng trại đều được sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý mùi hôi, sử dụng đệm lót sinh học vào nền chuồng. Ngoài ra, tôi còn đầu tư hệ thống điều khiển nhiệt độ, độ ẩm trong hệ thống chăn nuôi, xây dựng hầm biogas, sử dụng khí làm chất đốt, áp dụng kỹ thuật xây chuồng trại kiểm soát được nhiệt độ, thu dọn phân và trứng...”, ông Liệu cho hay.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số hộ nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong nông nghiệp ở quận Cẩm Lệ hiện nay không nhiều. Ông Tường Thế Hợi, nông dân trồng hoa cúc ở phường Hòa Thọ Tây cho biết, nhu cầu của nông dân là có quỹ đất đủ rộng để chuyên canh trồng rau, hoa.
“Mặc dù chúng tôi cũng ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong việc nhân giống, tưới phun... nhưng để thực sự đầu tư công nghệ cao thì không dám vì đất thuê theo dạng ngắn hạn, dễ xảy ra rủi ro”, ông Hợi nói.
Một số nguyên nhân khác được nông dân đưa ra để lý giải cho việc chưa thể ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi là kinh phí đầu tư cao, yếu tố tự nhiên như: nước tưới nhiễm mặn, sâu bệnh và khó khăn về đầu ra...
TS Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ nhìn nhận: “Việc ứng dụng khoa học công nghệ sẽ cho ra các sản phẩm sạch, chất lượng với quy mô lớn. Đặc biệt, nông dân ứng dụng, tăng cường sản xuất các giống rau mới năng suất cao, rau ăn quả bản địa áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, đầu tư các vùng hoa bonsai, hoa cho giá trị kinh tế cao, sử dụng kỹ thuật trong chăn nuôi...
Ngoài ra, nông dân vùng đô thị như quận Cẩm Lệ cần áp dụng mô hình trồng rau, hoa trên sân thượng và các không gian hẹp. Ở các vùng rau chuyên canh nên làm nhà lưới thấp, có thể thu dọn được trước khi bão lũ nhằm giảm kinh phí đầu tư và tránh thiệt hại do thời tiết. Dù nông dân còn gặp nhiều khó khăn, song việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ở quận Cẩm Lệ trong giai đoạn này là cần thiết”.
Bà Hứa Thị Thùy Phương, Chủ tịch Hội Nông dân quận cho hay, với những yếu tố sẵn có, điều quan trọng là cần có những định hướng phù hợp với xu thế đô thị hóa.
“Thời gian đến, chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tăng cường tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ mới với nội dung chuyên sâu, sản xuất kinh doanh ở trình độ chuyên môn cao; xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp có ứng dụng khoa học công nghệ và có giá trị kinh tế cao, giúp hội viên tiếp cận và chuyển dần sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao”, bà Phương nói.
Bài và ảnh: TRUNG TRỰC