Kiểm soát chặt hoạt động thu đổi ngoại tệ

.

Vừa qua, vụ việc đổi ngoại tệ bất hợp pháp ở thành phố Cần Thơ đã bị lực lượng chức năng xử phạt với mức tiền lên đến hàng chục triệu đồng. Tại thành phố Đà Nẵng, mặc dù chưa có trường hợp nào bị xử lý nhưng hoạt động đổi ngoại tệ bất hợp pháp vẫn đang diễn ra do người dân chưa nắm rõ quy định. Vì vậy, cùng với việc xử lý vi phạm, cơ quan chức năng cần thông tin rộng rãi đến người dân về thu đổi ngoại tệ.

Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng khuyến cáo người dân nên đổi ngoại tệ tại các điểm đã được quy định.
Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng khuyến cáo người dân nên đổi ngoại tệ tại các điểm đã được quy định.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, do không nắm được quy định của pháp luật về việc thu đổi ngoại tệ nên nhiều người dân vẫn lựa chọn việc ra các tiệm vàng để đổi ngoại tệ, nhất là đồng đô-la Mỹ (USD). Chị T.T.K (ở quận Hải Châu) cho biết: “Trước đây khi có nhu cầu tôi vẫn đi đổi USD ở các tiệm vàng. Tuy nhiên, sau vụ việc xử phạt ở thành phố Cần Thơ, tôi sẽ chỉ đến ngân hàng để đổi tiền”.

Với lượng khách du lịch đến ngày càng đông, hoạt động thu đổi ngoại tệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang diễn ra khá sôi động. Một hướng dẫn viên du lịch (xin được giấu tên) cho biết, hiện nay việc thanh toán, thu đổi ngoại tệ của khách du lịch diễn ra rất thuận lợi:

“Với những du khách có nhu cầu đổi tiền Việt Nam đồng, chúng tôi thường hướng dẫn họ đến các ngân hàng hoặc sử dụng thẻ thanh toán tiền quốc tế và đến các cây ATM rút tiền. Sau đó, ngân hàng sẽ đổi sang tiền Việt Nam cho họ. Cũng có trường hợp họ hỏi có trả bằng đô-la được không nhưng phần lớn hướng dẫn viên đều khuyên du khách phải sử dụng tiền Việt Nam”.

Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng khẳng định, theo quy định của pháp luật, các cá nhân, tổ chức khi thực hiện việc giao dịch, thanh toán trên đất nước Việt Nam chỉ được sử dụng đồng tiền Việt Nam. Việc thu đổi ngoại tệ tại các tiệm vàng hoàn toàn không hợp pháp.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người dân vẫn thực hiện đổi ngoại tệ tại các tiệm vàng và địa bàn thành phố Đà Nẵng chưa phát hiện cũng như xử phạt vụ việc nào liên quan đến hành vi này. Nhiều người dân chưa nắm rõ quy định về vấn đề này trong khi tâm lý muốn đổi ngoại tệ một cách nhanh chóng thay vì đến các trụ sở ngân hàng phải kê khai, xuất trình giấy tờ.

Từ năm 2014 đến nay, để kiểm soát hoạt động thu đổi ngoại tệ, NHNN Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng đã triển khai in các quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và yêu cầu các tiệm vàng phải dán công khai cho người dân biết.

Hiện nay, NHNN Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng chỉ cấp phép việc thu đổi ngoại tệ hợp pháp trên địa bàn thành phố ở các điểm gồm: 57 chi nhánh cấp 1 của các ngân hàng thương mại, 246 phòng giao dịch; 45 điểm mua bán ngoại tệ khác ở các nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí lớn khác có đông khách du lịch thường xuyên lui tới. Ngoài ra, chỉ có 2 tiệm vàng là Khải Hoàn và Vân được phép chi trả kiều hối từ nguồn tiền do ngân hàng chuyển xuống.

Liên quan đến quy trình thu đổi ngoại tệ, ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Đà Nẵng cho hay, việc thu đổi ngoại tệ tại đơn vị diễn ra dễ dàng và tiện lợi, thủ tục gọn nhẹ.

Trong đó, đối với người dân cần mua ngoại tệ để đi du lịch, khách hàng chỉ cần đem theo hộ chiếu, vé máy bay đến ngân hàng và sẽ được bán ngoại tệ của nước mà mình sắp đến. Đối với những trường hợp đổi ngoại tệ ra tiền Việt Nam, người dân chỉ cần cầm theo chứng minh nhân dân với số tiền cần quy đổi (phải trên 30 triệu đồng).

Hiện Vietcombank có 14 điểm thu, đổi ngoại tệ tại nhiều khách sạn, khu nghỉ mát ở Đà Nẵng và một số tỉnh, thành lân cận nhằm phục vụ nhu cầu của du khách. 

Để tăng cường quản lý việc thu đổi ngoại tệ trong thanh toán, giao dịch, UBND thành phố cũng đã có văn bản đề nghị Cục Thuế, Chi cục Quản lý thị trường tiến hành xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không xuất hóa đơn bán hàng, không kê khai nộp thuế và bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, báo cáo kết quả xử lý cho UBND thành phố trước 29-9.

UBND thành phố giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp Sở Công thương, NHNN Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng, Công an thành phố và các đơn vị tăng cường kiểm tra liên ngành đối với việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch lữ hành trên địa bàn liên quan đến tình trạng du lịch “0 đồng”; đồng thời chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý nếu xảy ra vi phạm và công khai kết quả xử lý tại các điểm kinh doanh vi phạm.

Theo ông Võ Minh, ngay sau khi triển khai văn bản này, qua công tác kiểm tra, đoàn liên ngành đã phát hiện và xử phạt một cơ sở kinh doanh niêm yết giá bằng ngoại tệ với số tiền lên đến 450 triệu đồng. Hiện nay mức xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong thu đổi ngoại tệ bất hợp pháp cao nhất là 2 tỷ đồng, thấp nhất 2 triệu đồng đối với các tổ chức vi phạm. Đối với cá nhân vi phạm, mức phạt cao nhất là 1 tỷ đồng, thấp nhất là 1 triệu đồng.

Bài và ảnh: MẪU ĐƠN

;
.
.
.
.
.
.