Hiện nay, nhiều dự án được chuyển nhượng, đồng thời có những nhà đầu tư mới xuất hiện nhằm tạo thương hiệu tại Đà Nẵng và xác lập thế đứng trên dặm dài đất nước. Thành phố cũng đã có những chính sách hỗ trợ nhà đầu tư để tạo niềm tin, giúp họ đầu tư lâu dài.
Nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong nước chọn Đà Nẵng để đầu tư các dự án bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp. Trong ảnh: Khu vực Dự án Condotel Ariyana Beach Resort & Suite Đà Nẵng thuộc Công ty TNHH Khách sạn và Du lịch Thiên Thai - thành viên của Tập đoàn Sovico Holdings đầu tư. |
Thời gian qua, việc mua bán, chuyển nhượng dự án liên tục diễn ra ở Đà Nẵng bởi các nhà đầu tư mới, góp phần giải quyết tình trạng dự án treo. Dự án được triển khai đã đem lại nguồn cung mới cho thị trường bất động sản (BĐS), phát triển hạ tầng đô thị.
Hoạt động mua bán, chuyển nhượng đang tạo bước đột phá và làn sóng đầu tư mới cho Đà Nẵng cũng như giúp các doanh nghiệp tại địa phương hoạt động tốt hơn. Thông qua mua bán, chuyển nhượng, nhà đầu tư mới có thể tránh được những vướng mắc liên quan đến giải tỏa, đền bù hoặc các thủ tục pháp lý liên quan đến quyền sử dụng đất…
Đáng chú ý trong hoạt động mua bán, chuyển nhượng gần đây là việc Tập đoàn Alphanam tiếp quản dự án Golden Square của Công ty CP Địa ốc Đông Á và dự án Khu phức hợp Foodinco Plaza; Công ty CP Địa ốc Phương Trang chuyển dự án đầu tuyến đường Phạm Văn Đồng cho Công ty CP Kim Long Nam với giá trị đầu tư mới trên 3.400 tỷ đồng.
Sự chuyển dịch dự án thành công khác nữa phải kể đến Tập đoàn BRG khi cùng Tập đoàn Marriott International đã hợp tác phát triển dự án khách sạn Sheraton Danang Resort từ Tập đoàn Vinacapital đầu tư trước đó.
Từ đầu năm đến nay, thành phố cũng đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 6 dự án đầu tư trong nước. Nhiều dự án đầu tư mới đều triển khai đúng tiến độ, trong đó, dự án khách sạn 5 sao TMS Luxyry do Công ty CP Tập đoàn TMS đầu tư có tổng vốn trên 500 tỷ đồng.
Vào tháng 4 vừa qua, PPC An Thịnh Đà Nẵng (PPCAT) cũng đã làm lễ cất nóc tổ hợp khách sạn, condotel 5 sao quốc tế Ánh Dương - Wyndham Soleil Đà Nẵng với 4 tòa tháp cao từ 50-57 tầng.
Ông Nguyễn Kháng Chiến, Chủ tịch HĐQT PPCAT cho biết muốn tập trung vào dòng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao, góp phần đưa sản phẩm du lịch Đà Nẵng sánh ngang với các khu du lịch nổi tiếng trên toàn thế giới.
Ông Chiến cũng đánh giá cao việc lãnh đạo thành phố, lãnh đạo các sở, ngành ra trụ sở của PPCAT ở Hà Nội để nghe giới thiệu dự án đầu tư. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo thành phố đối với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ở xa đến như ông.
Còn doanh nhân Bùi Đức Long, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn đầu tư và phát triển nhà Vicoland (Tập đoàn Vicoland) - doanh nghiệp đầu tư hàng ngàn tỷ đồng vào 2 dự án BĐS du lịch tại Đà Nẵng cho biết, Vicoland chọn Đà Nẵng ra mắt thương hiệu quản lý khách sạn “Risemount”.
Đây là thương hiệu quản lý khách sạn hoàn toàn do người Việt Nam xây dựng. “Chúng tôi đã chuẩn bị quỹ đất để trong kế hoạch 5-10 năm tới, sẽ đưa ra thị trường khoảng 10 tòa tháp mang thương hiệu Risemount, bắt đầu từ Đà Nẵng rồi đến Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Đà Nẵng là vị trí cực kỳ đẹp và thuận lợi để phát triển chuỗi bất động sản cao cấp này”, ông Bùi Đức Long nói.
Sự chuyển nhượng dự án thời gian gần đây thu hút một nguồn lực đầu tư đáng kể cho phát triển kinh tế ở thành phố, giảm số lượng dự án đầu tư treo, dự án chậm triển khai. Đây là tín hiệu đáng mừng, một cơ hội đầu tư mới cho Đà Nẵng.
Theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Việt Nam cho rằng, việc chuyển nhượng các dự án giữa các nhà đầu tư là bài học dành cho các nhà đầu tư tương lai khi phát triển các dự án cần tập trung vào chất lượng của dự án, đảm bảo về hạ tầng, chất lượng sản phẩm.
Đà Nẵng tiếp tục thu hút nguồn lực đầu tư mới để sử dụng hiệu quả quỹ đất đang có. Trong đó, việc chủ đầu tư dự án được giao đất trước đây không triển khai dự án được phép nhượng dự án Việc thành phố thông qua điều chỉnh quy hoạch và thiết kế kiến trúc cho một số dự án sẽ tạo cơ sở pháp lý cho nhà đầu tư mới triển khai đầu tư xây dựng để xóa dự án “treo” tồn tại nhiều năm nay.
Kể từ khi Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1-7-2015, trên địa bàn thành phố diễn ra nhiều thương vụ mua bán, chuyển nhượng dự án, hút nguồn lực đầu tư mới và lan tỏa đến nay. Theo quy định pháp luật, chủ đầu tư dự án bất động sản được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đáp ứng các điều kiện về dự án dự định chuyển nhượng, chủ đầu tư chuyển nhượng và chủ đầu tư nhận chuyển nhượng. Chủ đầu tư dự án bất động sản được chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án cho chủ đầu tư khác khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định việc đầu tư đồng ý bằng văn bản.
Để tạo ra những cú hích mới, chính quyền thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi cũng như nỗ lực trong cải cách hành chính, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, bảo đảm môi trường sống lành mạnh, an toàn cho nhà đầu tư. Không chỉ vậy, thành phố luôn lắng nghe các ý kiến đóng góp, hiến kế của các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân… nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới.
Hằng năm, chính quyền thành phố đều ban hành kế hoạch công tác cải cách hành chính nhằm rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Đến nay, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện đã triển khai vận hành có hiệu quả mô hình “Một cửa điện tử tập trung” chuyên nghiệp, kịp thời tiếp nhận, xử lý kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp và nhà đầu tư trên địa bàn
Trên cơ sở chính sách pháp luật, hàng loạt cơ chế, chính sách ưu đãi được Đà Nẵng ban hành và triển khai rộng rãi nhằm mở hướng tiếp cận các nhà đầu tư (NĐT) chiến lược, tìm kiếm các dự án tiềm năng vào thành phố.
Với sự quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, thời gian qua các sở, ban, ngành phối hợp tìm kiếm các giải pháp, tạo niềm tin cho các NĐT thấy được lợi thế các chính sách ưu đãi của thành phố Đà Nẵng, qua đó mời gọi các NĐT đến làm ăn lâu dài.
Thực tế cho thấy, các chính sách, cơ chế thu hút đầu tư của Đà Nẵng bước đầu đem lại nhiều kết quả tích cực. Những kết quả đã đạt được sẽ thúc đẩy và tạo đà đi lên cho những năm tiếp theo, nhất là 2 năm còn lại của nhiệm kỳ Đại hội đại biểu lần thứ XXI Đảng bộ thành phố (2015-2020), đồng thời giúp Đà Nẵng sớm khẳng định vị thế là một trong những đầu tàu phát triển của cả nước, động lực tăng trưởng của khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG