Kinh tế

Tìm giải pháp cho giao thông thông minh

08:20, 30/11/2018 (GMT+7)

Mặc dù đã đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông nhưng hiện nay thành phố Đà Nẵng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề cấp bách như ùn tắc giao thông, thiếu bãi đỗ xe... Tìm giải pháp giải quyết thực trạng này là nội dung chính tại hội thảo khoa học “Giải pháp nào cho giao thông thông minh Đà Nẵng” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố tổ chức ngày 29-11.

Theo ông Nguyễn Đăng Huy, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, nhiều giải pháp dài hạn, trung hạn được đặt ra. Cụ thể, về trung hạn, thành phố phải triển khai đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông (cầu đường, nút giao thông, bãi đỗ xe...).

Về dài hạn, thành phố cần được quy hoạch theo hướng đô thị đa trung tâm, xây dựng các đô thị mới, các trục đường giao thông theo định hướng; quy hoạch và xây dựng hệ thống vận tải công cộng khối lượng lớn (metro, tramway...). Đó là những giải pháp mang tính bền vững nhưng  đòi hỏi phải có thời gian từ 5 - 20 năm và có thể còn lâu hơn cũng như yêu cầu về nguồn lực tài chính rất lớn.

“Nếu hình thành hệ thống giao thông thông minh (ITS) thì sẽ chỉ mất khoảng 1 - 2 năm hoặc ngắn hơn với chi phí đầu tư không nhiều nhưng khắc phục được một phần tình trạng ùn tắc giao thông, khai thác tối đa hạ tầng giao thông vận tải hiện có. Về cơ bản, ITS là sự kết hợp giữa tính toán, công nghệ thông tin (CNTT) và viễn thông có liên quan tới chuyên ngành giao thông vận tải.

ITS có thể hiểu là ứng dụng của những công nghệ tính toán, thông tin và liên lạc trong việc quản lý xe cộ và các mạng lưới có liên quan đến sự di chuyển của người và hàng hóa”, ông Nguyễn Đăng Huy cho biết.

Trên thực tế, Đà Nẵng cũng có những bước tiếp cận đầu tiên đối với ITS là thông qua dự án xây dựng và nâng cấp hệ thống tín hiệu và điều khiển giao thông nhằm quan sát tình hình giao thông ở các nút giao, khu vực; phục vụ điều tiết giao thông.

Thành phố đã thi công lắp đặt đèn tín hiệu điều khiển giao thông tại 64 nút giao thông, camera quan sát tại 32 nút giao thông, đồng thời xây dựng 1 trạm quan trắc khí tượng và 1 trung tâm điều khiển tập trung. Việc xây dựng và hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn ITS là hết sức quan trọng, làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện và nhằm định hướng đầu tư và phát triển hệ thống ITS.

Ông Nguyễn Đăng Huy cho rằng, thành phố cần sớm có kế hoạch và bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai các nội dung công việc liên quan đến ITS trong đề án xây dựng thành phố thông minh được UBND thành phố phê duyệt cũng như các biên bản ghi nhớ ký kết giữa thành phố với các đối tác (Viettel, FPT...). Bên cạnh đó, thành phố cũng cần nghiên cứu xây dựng bản đồ số thể hiện tình trạng thực giao thông trên các tuyến đường và chia sẻ thông tin cho các cơ quan, đơn vị và người tham gia giao thông.

Dưới góc nhìn của nhà khoa học, PGS. TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) đề nghị. Đà Nẵng cần phải triển khai ứng dụng ngay ITS trong toàn bộ các hoạt động của hệ thống giao thông đô thị.

Tuy nhiên, vì tính chất và quy mô của việc ứng dụng ITS cho các hoạt động này liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội nên thành phố phải đặt ra lộ trình phù hợp với địa phương; nhất là theo sự phát triển của hệ thống giao thông đô thị và cũng bắt đầu từ những ứng dụng đơn giản, hiệu quả, sau đó sẽ phát triển hoàn thiện dần theo công nghệ mới và hiện đại trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Còn ông Nguyễn Cửu Loan, Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng cho rằng, để hướng tới một đô thị có giao thông thông minh thì phải có sự phối hợp đồng bộ ở tất cả các đơn vị, địa phương. Trước mắt, thành phố phải giải quyết được tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè tràn lan, sự phân bố không đều của nhu cầu giao thông theo các giờ trong ngày, ý thức kém của người tham gia giao thông...

THÀNH LÂN
 

.