Kinh tế
Hướng mới cho sản xuất nấm linh chi
Nấm linh chi đã được sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh khác nhau như: bệnh viêm gan mãn tính, cao huyết áp, tiểu đường...
Tuy nhiên, giá nấm linh chi tương đối cao do việc sản xuất còn hạn chế. Vừa qua, nhóm sinh viên của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) đã tiến hành đề tài “Nghiên cứu sự sinh trưởng của hệ sợi nấm linh chi trên môi trường nuôi cấy dịch thể” giúp tận dụng nguyên liệu sẵn có của địa phương để sản xuất mang lại hiệu quả.
Nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm đang nghiên cứu sự sinh trưởng của nấm. |
Nhóm sinh viên lớp 15CNSH (Trường Đại học Sư phạm) gồm Phạm Dương Kiều Trinh, Hồ Thị Thu Hiền, Trần Thị Thúy Hương và Y Chi, dưới sự hướng dẫn của giảng viên Th.S Nguyễn Thị Bích Hằng đã nghiên cứu việc trồng nấm theo cách mới. Th.S Hằng cho biết, việc nuôi cấy hệ sợi tơ nấm linh chi trên môi trường dịch thể tạo ra giống dạng lỏng giúp nuôi trồng nấm hiệu quả hơn giống dạng hạt truyền thống.
Giống nấm linh chi mới được nuôi cấy bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào có ưu điểm vượt trội về khả năng sinh trưởng, phát triển, kháng sâu bệnh nên giá trị dược liệu của sản phẩm được bảo tồn. Mặt khác, nấm linh chi có thể trồng trên mùn của tất cả các loại cây thân gỗ như trám, keo, táu và mùn cưa... Do vậy, việc sản xuất nấm linh chi ở Đà Nẵng theo mô hình này có thể tận dụng tối đa nguồn tài nguyên sẵn có, từ đó khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Theo Phạm Dương Kiều Trinh, trưởng nhóm nghiên cứu của dự án, giai đoạn triển khai nghiên cứu bao gồm quá trình nhân giống hay làm meo giống phải có giống gốc. Giống gốc này được lấy từ trung tâm phát triển giống nấm Điện Ngọc. Sau khi có được giống gốc, nhóm nghiên cứu tiến hành cấy giống cấp 1 vào môi trường dịch thể chứa trong bình tam giác và ủ trong mùn mạt cưa khoảng 5-7 ngày rồi phối trộn với các chất bổ sung như cám gạo, cám bắp, bột nhẹ theo đúng tỷ lệ. Sau đó, cả nhóm đóng bịch đem hấp khử trùng rồi tiến hành cấy giống dịch thể vào sau 24-48 giờ; bố trí thí nghiệm song song vừa cấy giống dịch thể vừa cấy giống bằng hạt truyền thống để so sánh hiệu quả. Đến nay, nấm linh chi được nuôi trồng và thu hái tại Khoa Sinh - Môi trường thuộc Trường Đại học Sư phạm cho thấy quả thể của nấm Linh chi thu hái được có cuống ngắn, cuống nấm to (đường kính 2-3cm), lớp vỏ cuống láng, đỏ nâu. Mũ nấm hình quạt, đôi khi có hình dị dạng, mặt mũ nấm láng, đỏ nâu, có vân gợn đồng tâm. Hiện nay, quá trình nuôi sinh khối nấm trong môi trường dịch thể được xem là một phương pháp đầy triển vọng có thể thay thế cho trồng nấm vì có thể rút ngắn thời gian chăm sóc.
Kiều Trinh cho biết, quá trình thực hiện đề tài cần một khoảng thời gian để thu được quả thể; đồng thời, trang thiết bị còn thiếu cũng dẫn đến quả thể ra chất lượng không được tốt, ảnh hưởng đến năng suất...
“Nhóm mong Sở Khoa học và Công nghệ thành phố, các ngành chức năng tạo điều kiện, tài trợ kinh phí để nhóm nghiên cứu tiếp tục phát triển mô hình trồng nầm, ứng dụng đề tài trên quy mô lớn hơn. Qua đây có thể đưa sản phẩm nấm linh chi nuôi trồng từ giống dịch thể được thương mại hóa trên thị trường”, Kiều Trinh nói.
Bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố cho biết việc nghiên cứu và làm chủ được quy trình nuôi cấy hệ sợi tơ nấm linh chi trên môi trường dịch thể để tạo ra giống nấm dạng lỏng của nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng là rất tốt.
Điều đó mở ra thêm cơ hội cho người dân trong việc lựa chọn cơ cấu cây trồng, phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa, tận dụng tài nguyên sẵn có của địa phương, đồng thời, góp phần bảo tồn được loại dược liệu quý này.
Nấm linh chi (Ganoderma lucidum) là một dược thảo quý trong y học cổ truyền. Nấm linh chi có tên khoa học Ganoderma lucidum. Ở Việt Nam có 37 loài nấm linh chi, phân bổ ở các rừng có nhiều gỗ cây lá rộng, nhất là rừng gỗ lim nên còn gọi là nấm lim. Nấm linh chi có nhiều màu sắc khác nhau xanh, đỏ, vàng, đen, trắng. Tại thị trường Việt Nam, nhu cầu sử dụng nấm linh chi làm thuốc chữa bệnh ở trong nước cũng như xuất khẩu ngày càng tăng. |
Bài và ảnh: THÀNH LÂN