Kinh tế
Một năm thành công của Cảng Đà Nẵng
Năm 2018 được xem là năm khá thành công của Cảng Đà Nẵng, khi Cảng Đà Nẵng ngày càng chứng tỏ được vị trí, vai trò quan trọng của mình trong phát triển kinh tế - xã hội của khu vực cũng như khẳng định tầm vóc là cảng biển lớn nhất miền Trung Việt Nam hiện nay. Hơn tám triệu sáu tấn hàng hóa thông qua Cảng Đà Nẵng trong năm 2018 là một con số đầy ấn tượng.
Cảng Đà Nẵng đón tàu du lịch tải trọng lớn. |
Cùng với Cảng Sài Gòn và Cảng Hải Phòng, Cảng Đà Nẵng (thành viên của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam), là cảng biển trọng điểm của cả nước. Sau gần 5 năm tiến hành cổ phần hóa, Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng đã có những bước tăng trưởng đáng khích lệ, tạo ra hình ảnh mới, đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố Đà Nẵng cũng như Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam.
Với vị trí địa lý thuận lợi, các dịch vụ ngày càng bảo đảm về chất lượng, cơ sở hạ tầng, thiết bị được đầu tư hiện đại, năng suất lao động không ngừng tăng cao, đội ngũ nhân viên có trình độ và kinh nghiệm, đặc biệt với sự chỉ đạo cùng các giải pháp quyết liệt của lãnh đạo cảng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh… đã và đang đưa Cảng Đà Nẵng vào top 10 những cảng biển lớn của Việt Nam và là cảng biển có quy mô và hiện đại nhất miền Trung.
Ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng khẳng định: Một trong những yếu tố chính để phát triển nhanh, mạnh và bền vững của Cảng Đà Nẵng là con người. “Con người” được hiểu không chỉ là nhân viên, người lao động của cảng mà bao gồm cả các đối tác, khách hàng, cộng đồng xã hội.
Chúng tôi luôn xem “con người là nền tảng của sự phát triển, là tài sản quý giá nhất”, chính vì vậy những năm qua Cảng Đà Nẵng chú trọng nâng cao chất lượng đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người lao động; các chế độ đãi ngộ, phúc lợi cũng luôn được quan tâm thực hiện.
Từ đó họ thấu hiểu, dấn thân và tạo ra năng lượng để cống hiến công sức, trí tuệ cho doanh nghiệp của mình. Với những nỗ lực vượt bậc, Cảng Đà Nẵng đã được vinh danh là “Doanh nghiệp vì người lao động” của thành phố Đà Nẵng và của cả nước do Báo Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bầu chọn.
Cùng với đó, sớm nhận biết khuynh hướng container hóa cảng biển, ban lãnh đạo cảng đã nhanh chóng tập trung chiến lược phát triển vào dịch vụ container, tàu du lịch, tàu có tải trọng lớn, Cảng Ðà Nẵng đã mạnh dạn nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư thiết bị mới.
Trong 5 năm gần đây, mức đầu tư tại cảng đã gần bằng cả 20 năm trước đây. Phát triển dịch vụ cho tàu container, tàu khách và tàu trọng tải lớn được xem là những mũi nhọn để Cảng Đà Nẵng tạo sự khác biệt và khẳng định vị thế của mình.
Do đó, trong thời gian qua, tình hình sản xuất, kinh doanh của Cảng Đà Nẵng phát triển ổn định. Sản lượng hàng hóa, doanh thu của cảng tăng trưởng khá tốt. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng 5 năm qua tăng bình quân 12%/năm.
Năm 2018, Cảng Đà Nẵng phát huy các nguồn lực và làm tốt công tác thị trường, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt trên 8,6 triệu tấn, tăng 7,2% so cùng kỳ, trong đó sản lượng container đạt 365.000 Teus; cảng đón 109 chuyến tàu du lịch và quân sự (tăng 31,33% so với cùng kỳ), với 183.582 khách và thuyền viên.
Tổng số hợp đồng đã ký là 87 hợp đồng, trong đó có 73 hợp đồng dài hạn và 14 hợp đồng chuyến. Hiện nay, Cảng Đà Nẵng thường xuyên đón 17 hãng tàu container đến cảng, trong đó có 10 hãng tàu ngoại, 7 hãng tàu nội địa, phục vụ hơn 40 hãng vỏ container trong và ngoài nước.
Năng suất giao nhận hàng tăng từ 5 - 7% so với định mức ban hành, chất lượng dịch vụ tại cảng được bảo đảm. Doanh thu sản xuất kinh doanh dự kiến đạt khoảng 705 tỷ đồng, lợi nhuận 190 tỷ đồng...
Nhằm thỏa mãn tốt hơn nhu cầu của khách hàng, ngày 28-7-2018 vừa qua, Cảng Đà Nẵng đã chính thức đưa vào sử dụng 2 cầu tàu mới trong dự án mở rộng giai đoạn II Cảng Tiên Sa, với tổng mức đầu tư gần 900 tỷ đồng, gồm một cầu tàu dài 310m khả năng tiếp nhận tàu container lên đến 4.000 Teus và một cầu tàu dài 210m, trang bị hệ thống cẩu QCC Feeder Server hiện đại, với sức nâng đạt 40 tấn, tầm với 40m và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ đi kèm, Cảng Đà Nẵng đã sở hữu gần 1.700 mét cầu bến có khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp trọng tải đến 70.000 DWT, tàu container đến 4.000 Teus, tàu khách loại lớn đến 150.000 GT.
Hệ thống cầu bến cùng các thiết bị xếp dỡ, kho bãi hiện đại góp phần nâng cao năng lực xếp dỡ và chất lượng dịch vụ, đồng thời bảo đảm năng lực tiếp nhận hàng hóa qua Cảng Tiên Sa lên đến 12 triệu tấn/năm. Mặt khác, các bến mới này đi vào hoạt động đã giúp giảm tỷ lệ tàu nằm chờ ngoài vịnh một cách rõ rệt, phần trăm sự hài lòng của khách hàng về cầu bến tăng lên đáng kể.
Trong năm 2018, nhiều tàu hàng, tàu du lịch đã ghé cảng. |
Trong những năm qua, song hành với việc đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh mở rộng thị trường, cảng đã không ngừng xây dựng và phát triển thương hiệu Cảng Đà Nẵng, coi đây là tài sản vô hình quý giá, một trong những yếu tố quan trọng quyết định thắng lợi trên thương trường. Sau sự kiện cổ phần hóa Cảng Đà Nẵng, hoạt động quảng bá thương hiệu của cảng càng được đẩy mạnh thông qua các công cụ như website, brochure, đài truyền hình, báo chí, tài trợ, tổ chức sự kiện…
Bên cạnh hệ thống cơ sở hạ tầng, Cảng Đà Nẵng cũng đầu tư đồng bộ hệ thống phần mềm quản lý khai thác container và hàng tổng hợp; hệ thống các phương tiện thiết bị xếp dỡ hiện đại, qua đó giúp cảng tạo ra sự khác biệt về dịch vụ, ngày càng đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của khách hàng trên nền tảng: thủ tục đơn giản, năng suất xếp dỡ cao, thời gian giao hàng nhanh và an toàn hàng hóa.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Cảng Đà Nẵng cũng gặp không ít khó khăn khi sản lượng hàng hóa qua Cảng Đà Nẵng bị cạnh tranh và bị chia sẻ bởi các cảng trong khu vực, trong năm 2018 Cảng Đà Nẵng đã mất khoảng trên 12.000 Teus về các cảng khu vực. Các hãng tàu nội địa đã giảm hơn 30% sản lượng container so với cùng kỳ năm 2017 do hủy chuyến vì kinh doanh không hiệu quả.
Ngoài ra, các chính sách phát triển của thành phố Đà Nẵng là dịch vụ du lịch, xây dựng môi trường xanh bền vững, không phát triển sản xuất công nghiệp.
Vì vậy, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều chủ trương không phát triển sản xuất thép, giảm thiểu ô nhiềm môi trường, hạn chế giờ xe container lưu thông trên đường. Cùng với sự cạnh tranh gay gắt và mạnh mẽ của các cảng liền kề về tàu hàng tổng hợp bằng nhiều chính sách ưu đãi và linh hoạt như cho tàu lưu đêm, hoa hồng môi giới, miễn cước bốc hàng từ phương tiện nhập bãi, miễn cước lưu bãi…đã thu hút một lượng hàng lớn như sắt thép thành phẩm, clinker, than về làm hàng... Do đó, đã phần nào ảnh hưởng đến kinh doanh của Cảng Đà Nẵng.
Trước những khó khăn và thách thức như trên, Cảng Đà Nẵng đã tăng cường mạnh mẽ công tác nghiên cứu thị trường, đối thủ cạnh tranh, sản phẩm dịch vụ thay thế, mở rộng phạm vi tiếp thị, quảng bá hình ảnh Cảng Đà Nẵng đến các hãng tàu, khách hàng..., do vậy trong 9 tháng đầu năm 2018, cảng đã thu hút thêm 2 hãng tàu mới là Hải An và Tân Cảng, nâng số lượng hãng tàu cập cảng lên thành 7 hãng nội và 10 hãng ngoại.
Song song đó, ngay từ đầu năm 2018, Phòng Kinh doanh đã đưa ra nhiều chính sách, giải pháp ưu đãi để thu hút thêm các tàu dăm gỗ, tàu clinker, tàu khách để thay thế lượng hàng container đã giảm. Cảng Đà Nẵng đã từng bước hình thành trung tâm xuất dăm gỗ tại khu vực miền Trung; dự kiến năm 2018, sản lượng dăm gỗ thông qua cảng đạt 1,71 triệu tấn, tăng 33,01% so với cùng kỳ năm 2017; mặt hàng clinker đạt 374.000 tấn, tăng 65,10% so với cùng kỳ.
Công tác marketing cũng được chú trọng, tăng cường; Cảng Đà Nẵng đã có các chuyến công tác thị trường đến các vùng hậu phương như: Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi và đặc biệt là thị trường Lào. Mở rộng phạm vi tiếp thị, quảng bá hình ảnh Cảng Đà Nẵng đến các hãng tàu đang hoạt động tại thành phố Hồ Chí Minh thông qua các diễn đàn, hội nghị trong và ngoài nước. Công tác chăm sóc khách hàng được nâng cao nhằm chú trọng đến nhu cầu của khách hàng, từ đó tối ưu hóa dịch vụ.
Tích cực quảng bá thương hiệu Cảng Đà Nẵng thông qua các kênh như: quảng cáo, các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức buổi phỏng vấn, quay phim của các đài truyền hình, cập nhật nội dung định kỳ trên website cảng, hoàn thiện tuyên bố sứ mệnh, các giá trị cốt lõi của Cảng Đà Nẵng.
Điểm đáng quý ở Cảng Đà Nẵng là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, các hoạt động xã hội, nhân đạo và từ thiện luôn được Cảng Đà Nẵng đặc biệt quan tâm. Cán bộ, nhân viên cảng thường xuyên tích cực tham gia các hoạt động từ thiện như ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, đóng góp quỹ Vì người nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, ...
Với mong muốn trở thành cảng Xanh – Go Green, việc đầu tư cảng luôn gắn liền với môi trường, người lao động và các bên hữu quan nhằm tạo ra sự phát triển hài hòa bền vững. Theo định hướng đến năm 2020, cảng Đà Nẵng tập trung mục tiêu phát triển theo hai trụ cột chính: Khai thác cảng và dịch vụ logistics ngoài cảng. Đặc biệt, việc chú trọng khai thác và vận chuyển hàng container đã góp phần giảm thiểu ảnh hưởng không tốt đến môi trường thành phố cũng như sức khỏe của người lao động.
Bốc xếp hàng ở Cảng Đà Nẵng. |
Cùng với đó, Cảng Đà Nẵng xây dựng văn hóa công ty bắt nguồn từ triết lý “Con người là nền tảng của sự phát triển”; công ty đặt “con người” là nhân tố số một trong việc phát triển cảng theo hướng văn minh, hiện đại. Ban lãnh đạo cảng luôn tâm nguyện chăm lo đời sống người lao động, đảm bảo cho họ tiền lương, thưởng, đãi ngộ hợp lý, một môi trường làm việc nồng ấm, hiệu quả, phát huy cao nhất năng lực, sở trường và nhiệt huyết của người lao động.
Với những đóng góp thiết thực của mình, trong năm 2017, Cảng Đà Nẵng vinh dự được bầu chọn nằm trong top 100 Doanh nghiệp phát triển bền vững (CSI 100), được vinh danh trong danh sách 500 doanh nghiệp phát triển nhanh nhất và 500 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam do VNR (Vietnam report) bầu chọn.
Trong không khí hân hoan chào đón tấn hàng đầu năm 2019, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng Nguyễn Hữu Sia cho biết: “Cảng Đà Nẵng là một mắt xích quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây kết nối 13 tỉnh, thành phố của 4 quốc gia (Myanmar, Lào, Thái Lan và Việt Nam). Để đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng trong giai đoạn 2015-2020, Cảng Đà Nẵng đã tập trung đẩy mạnh dịch vụ khai thác cảng bao gồm dịch vụ tàu container, tàu khách, tàu có trọng tải lớn; đồng thời hình thành và phát triển dịch vụ logistics bao gồm dịch vụ kho bãi, đóng rút hàng, vận tải, khai báo hải quan... với mục tiêu đến năm 2020, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 10 triệu tấn, trong đó hàng container đạt 450.000 Teus”.
Và để làm được điều đó, Cảng Đà Nẵng đang đẩy mạnh chính sách giá thu hút các mặt hàng từ Lào về Cảng Đà Nẵng xuất đi các nước. Nhanh chóng đưa vào hoạt động 2 cẩu QCC, nạo vét 2 cầu bến và luồng vào cảng, tạo sự đồng bộ để đón tàu 3.500-4.000 Teus cập cảng, tăng hiệu quả cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực bằng chiến lược tạo sự khác biệt trong dịch vụ nhằm đem lại thỏa mãn cho khách hàng và giảm chi phí logistics. Đồng thời nâng cấp hệ thống băng chuyền dăm lên công suất 15.000 tấn/ngày bằng đầu tư hoặc kêu gọi bên ngoài đầu tư theo đúng định hướng ngắn hạn và dài hạn của Cảng Đà Nẵng.
Đồng thời, liên doanh, liên kết, đầu tư vốn cùng các hãng tàu (Wanhai, Mearsk Line, SITC), để thành lập các công ty con, hoặc cho mua cổ phần chiến lược nhằm gắn chặt lợi ích của các bên cùng hợp tác, cùng phát triển lâu dài và bền vững. Thành lập hoặc kết hợp với các đơn vị thành viên hoặc đơn vị ngoài để lập công ty con bao gồm phương tiện bộ và tuyến sà lan trung chuyển hàng container đường biển nhằm cung cấp gói dịch vụ trọn gói (door-to-door) đến khách hàng. Đây chính là cách tốt nhất để tiếp cận và chiếm lĩnh thị trường hiện nay. Biến Cảng Tiên Sa thành cảng container trung chuyển nội địa, mở thêm tuyến sà lan trung chuyển nội địa tới các cảng ở khu vực miền Trung như Huế, Chu Lai, Quảng Ngãi nhằm giảm chi phí logistics bằng đường bộ và hạn chế các tuyến tàu chạy trực tiếp về đến các cảng là đối thủ cạnh tranh với Cảng Đà Nẵng.
Năm 2019, Cảng Đà Nẵng đề ra mục tiêu tăng trưởng từ 5-7% các chỉ tiêu kinh tế so với năm 2018. Đặc biệt, cảng chú trọng đầu tư đồng bộ bến container thứ hai, bảo đảm công suất tăng gấp đôi so với 2018; tiếp tục xây dựng và phát triển thị trường dịch vụ cảng. Cảng cũng mong muốn tham gia đầu tư Cảng Liên Chiểu, xây dựng các kho dịch vụ logistics. Cảng Đà Nẵng và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam đang đề nghị các cấp có thẩm quyền cho phép Cảng Đà Nẵng làm chủ đầu tư hợp phần B Cảng Liên Chiểu với mong muốn góp phần đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm dịch vụ logistics tại khu vực miền Trung.
CẢNG ĐÀ NẴNG