Kinh tế

Tăng cường thông tin thị trường lao động

08:27, 27/12/2018 (GMT+7)

Thông tin thị trường lao động có ý nghĩa quan trọng nhằm cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, nhu cầu việc làm của người lao động và dự báo các xu hướng diễn ra trên thị trường lao động.

Nhiều năm qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng đã cập nhật thông tin đầy đủ, chính xác không chỉ tới đối tượng người lao động và doanh nghiệp mà còn giúp các cơ sở dạy nghề đào tạo đúng ngành nghề, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thông tin thị trường lao động có ý nghĩa quan trọng nhằm cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, nhu cầu việc làm của người lao động và dự báo các xu hướng diễn ra trên thị trường lao động.
Thông tin thị trường lao động có ý nghĩa quan trọng nhằm cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, nhu cầu việc làm của người lao động và dự báo các xu hướng diễn ra trên thị trường lao động.

Ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng (Trung tâm) cho biết, cùng với việc tiếp nhận thông tin nhu cầu tuyển dụng, tổng hợp, phân tích cung cấp thông tin thường xuyên cũng như định kỳ tổ chức phiên giao dịch, đơn vị đã thu thập thông tin nhu cầu tuyển dụng của trên 1.600 doanh nghiệp với trên 25.500 chỗ việc làm trống.

Nhằm tăng cường năng lực dự báo và thông tin thị trường lao động, đơn vị tổ chức tổng hợp, phân tích cung - cầu lao động thông qua các phiên giao dịch việc làm hằng quý để đánh giá sự biến động về nhu cầu tuyển dụng, trên cơ sở đó tổ chức chắp nối, giới thiệu phù hợp. “Chúng tôi giúp người lao động tiếp cận cơ hội việc làm; tạo điều kiện cho người sử dụng lao động tuyển dụng lao động đáp ứng được yêu cầu”, ông Diệp nói.

Trung tâm còn tham gia triển khai thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin thị trường lao động tại địa phương; đồng thời kết nối với Bộ LĐ-TB&XH nhằm cung cấp thông tin thị trường lao động để có tính hệ thống và ngày càng hoàn thiện.

Thời gian qua, Trung tâm tổ chức tư vấn trực tiếp cho cá nhân, tập thể; tư vấn qua điện thoại; cung cấp thông tin qua công thông tin điện tử về việc làm, qua màn hình điện tử, hệ thống tra cứu, nên số người sử dụng dịch vụ ngày càng tăng. Từ năm 2015 đến nay, đơn vị đã tư vấn, cung cấp thông tin về việc làm, học nghề cho hơn 200.000 lượt người, trong đó về việc làm là hơn 175.000 lượt người, tăng bình quân 30%/năm.

Ngoài ra, để hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng về việc làm, Trung tâm đã tổ chức bộ phận tư vấn phục hồi chức năng lao động và giới thiệu việc làm cho người khuyết tật. Tuy số lượng người khuyết tật sử dụng dịch vụ chưa nhiều nhưng đã tạo được kênh tư vấn hỗ trợ cho họ trên đường tìm việc với trên 150 lượt người khuyết tật được tư vấn về nghề nghiệp và việc làm.

Nhằm đưa công tác thông tin thị trường lao động đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn, Trung tâm luôn giữ mối quan hệ thường xuyên với các doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng; khai thác thông tin việc làm trống để tư vấn cho người lao động.

Trung tâm còn liên hệ với các đơn vị để nắm bắt thông tin doanh nghiệp mới thành lập, nhu cầu tuyển lao động của doanh nghiệp nhằm cung cấp thông tin cho lao động khi có nhu cầu tìm việc.

Trung tâm tăng cường liên kết với các đơn vị, trường học nhằm khảo sát nhu cầu học nghề, tư vấn học nghề theo nhu cầu xã hội, tuyên truyền về chương trình hỗ trợ du học và xuất khẩu lao động cho học sinh, sinh viên.

Nhờ vậy, mỗi năm có hàng ngàn thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp và thông tin lao động đăng ký tìm việc làm được đăng tải trên trang web của Trung tâm. Mỗi tháng, những thông tin mới nhất về thị trường lao động, sàn giao dịch việc làm đều được đăng tải, nhờ đó đã góp phần tích cực trong thúc đẩy thị trường lao động; khẳng định vai trò là cầu nối quan trọng trong mối quan hệ cung - cầu lao động, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.

Không chỉ vậy, Trung tâm còn thường xuyên đăng tải tin tức, các bài viết về thị trường lao động, thông báo tổ chức sàn giao dịch việc làm trên trang web, tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đơn cử như chị Nguyễn Thái Hà (ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) đã tìm được việc làm nhờ truy cập vào trang web http://vldanang.vieclamvietnam.gov.vn của Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng. “Trước đây, tôi chủ yếu tìm việc qua sự giới thiệu của bạn bè nhưng công việc không ổn định, thu nhập thấp.

Khi biết đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng, tôi có thể ở nhà vào trang web của Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng để tìm việc làm cũng như biết được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Hiện nay, tôi đã tìm được công việc khá ưng ý tại một công ty may ở quận Liên Chiểu”, chị Hà nói. Đối với những lao động khác ở xa, Trung tâm còn tư vấn, giải đáp thắc mắc thông tin việc làm, chính sách lao động, đào tạo nghề, hỗ trợ học nghề và tìm việc làm mới cho họ.

Nhờ phát triển và mở rộng hình thức thu thập và cung cấp thông tin, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng thể hiện được vai trò là đầu mối thu thập và cung cấp thông tin thị trường lao động trên địa bàn.

Bài và ảnh: THẢO NGUYÊN

.