Kinh tế
Quản lý người nước ngoài: Cấp thiết giải bài toán khó - Bài cuối: Cần giải pháp quản lý phù hợp thực tế
Thực tế, quản lý người nước ngoài (NNN) liên quan đến khá nhiều ban, ngành, từ Sở Du lịch, Sở LĐ-TB&XH, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Công an, UBND các quận, huyện; nếu không có sự phối hợp đồng bộ, giải pháp phù hợp thực tế thì khó đạt được hiệu quả trong công tác quản lý NNN.
Cần có những giải pháp đồng bộ để hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật, bảo đảm chủ quyền và an ninh quốc gia trên lĩnh vực du lịch liên quan người nước ngoài. TRONG ẢNH: Du khách Hàn Quốc đang mua sắm tại chợ Hàn. Ảnh: NHẬT HẠ |
Khó phát hiện sai phạm
Ông Nguyễn Đắc Xứng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết, tháng 4-2018, đoàn thanh tra liên ngành (Bộ Công an, Bộ LĐ-TB&XH, Thanh tra thành phố Đà Nẵng) thanh tra thực tế việc chấp hành các quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của NNN tại quận Sơn Trà.
Trên cơ sở kết luận về tồn tại do đoàn thanh tra liên ngành chỉ ra, các phòng, ban, ngành trực thuộc UBND quận Sơn Trà đã có những định hướng chấn chỉnh như: tăng cường kiểm tra, giám sát khai báo tạm trú; thành lập riêng đoàn đi khảo sát, rà soát cơ sở có NNN cư trú và làm việc; thành lập tổ hỗ trợ khách du lịch gồm các tình nguyện viên biết ngoại ngữ Anh, Hàn, Trung Quốc, Nhật Bản…
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đắc Xứng thừa nhận, quản lý lao động “chui” rất khó; không tránh khỏi trường hợp nhập cảnh sai với mục đích của thị thực (visa). Chẳng hạn, họ sang du lịch nhưng thuê căn hộ cao cấp rồi ở đó và thông qua điện thoại đón các đoàn du lịch hoặc làm những công việc khác.
Cũng có trường hợp sang với dạng lao động, nhưng đi đâu, làm gì thì không thể quản lý. Những trường hợp này phải theo dõi thời gian dài mới nắm bắt được tình hình cụ thể.
“Trường hợp trao đổi ngoại tệ nếu bị phát hiện sẽ xử lý. Tuy nhiên, đến nay các ngành chức năng chưa phát hiện trường hợp nào, chủ yếu là những vi phạm về không niêm yết giá, không có nhãn hàng hóa, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ”, ông Xứng nói.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn chia sẻ, do sự gia tăng đột biến về số lượng khách du lịch nước ngoài nên công tác nắm tình hình cũng như quản lý lưu trú, tạm trú của NNN trên địa bàn quận gặp khó khăn nhất định.
Trên địa bàn, NNN không chỉ mang quốc tịch Anh, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc mà còn Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, các quốc gia châu Phi… nhưng không dễ gặp họ, có khi đến năm lần bảy lượt. Mà gặp rồi thì rào cản ngôn ngữ lại là vấn đề.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh cho biết thêm, điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế hiện nay rất đơn giản. Chỉ cần là doanh nghiệp được thành lập theo quy định pháp luật, có ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tại ngân hàng và người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành thì đủ điều kiện được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.
Vì vậy, nhiều đơn vị thành lập hoạt động một thời gian, sau đó đóng cửa doanh nghiệp và mở doanh nghiệp mới để “né” công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng. Hình thức xử phạt tước giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế hiện nay không còn là hình thức xử phạt có tính răn đe mạnh, nhất là đối với doanh nghiệp chưa có thương hiệu.
Một số văn bản pháp luật về xuất nhập cảnh chưa quy định cụ thể công việc được phép thực hiện đối với NNN sử dụng thị thực doanh nghiệp khi nhập cảnh vào Việt Nam. Vì vậy, NNN dễ dàng nhập cảnh dưới hình thức chuyên gia, hỗ trợ tư vấn để hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn trái phép; đồng thời, chưa có quy định chặt chẽ trách nhiệm quản lý, giám sát của doanh nghiệp bảo lãnh thực hiện thủ tục nhập cảnh cho NNN vào Việt Nam.
Ngoài ra, một bộ phận doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên Việt Nam, lái xe… có hành vi tiếp tay cho NNN hoạt động hướng dẫn du lịch, khi bị phát hiện thì bao che cho đối tượng vi phạm cũng gây khó khăn cho công tác thanh tra, xử lý vi phạm của cơ quan chức năng.
Đặc biệt, việc phát hiện, chứng minh hành vi vi phạm của NNN trong lĩnh vực du lịch rất khó khăn, nhất là các trường hợp NNN hoạt động hướng dẫn. Qua công tác kiểm tra thường xuyên tại các khu điểm, các đối tượng này đã thay đổi phương thức hoạt động, nếu không có clip chứng cứ thì các đối tượng quanh co không thừa nhận hành vi vi phạm.
Theo đại diện lãnh đạo các địa phương có lượng NNN tạm trú đông như quận Sơn Trà, quận Ngũ Hành Sơn, công tác quản lý NNN liên quan đến các sở, ngành ở nhiều lĩnh vực như: cấp giấy phép kinh doanh cho NNN thuộc về Sở Kế hoạch-Đầu tư, cấp giấy phép lao động thuộc Sở LĐ-TB&XH, quản lý giá thuộc Quản lý thị trường, quản lý tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước…
Về nguyên tắc, họ phải nắm mọi vấn đề liên quan tới NNN trên địa bàn nhưng đi sâu vào các lĩnh vực phải có sự phối hợp; tuy nhiên, công tác phối hợp chưa kịp thời và còn chồng chéo, một số lĩnh vực chưa có chế định cụ thể.
Cần giải pháp đồng bộ
Số lượng NNN nhập cảnh, tạm trú trên địa bàn thành phố tăng cao thì vấn đề quản lý NNN được đặt ra vô cùng bức thiết. Tại buổi tiếp xúc cử tri mới đây với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, cử tri quận Hải Châu có kiến nghị thành phố phải có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn việc cư trú của NNN để hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật, bảo đảm chủ quyền và an ninh quốc gia.
Trong văn bản trả lời ý kiến cử tri gửi Thường trực HĐND thành phố và các đại biểu HĐND thuộc quận Hải Châu, UBND thành phố cho biết, thời gian tới, Công an thành phố sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu UBND thành phố ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú và hoạt động của NNN; đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa Công an thành phố với Sở Du lịch, Sở LĐ-TB&XH, Sở GD&ĐT tổ chức kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm của NNN, tập trung các địa bàn có đông NNN tạm trú như các quận: Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Hải Châu; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về công tác khai báo tạm trú của NNN đến các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ trên lĩnh vực lưu trú…
Ông Nguyễn Đắc Xứng cho rằng, cần tăng cường trách nhiệm của UBND phường, Công an phường, đặc biệt tổ dân phố - bởi họ nắm rõ địa bàn, là “tai mắt”, dễ dàng nhận thấy những bất thường của NNN tạm trú tại địa phương.
Hơn nữa, song song với quá trình thu hút đầu tư nước ngoài, các cơ quan thẩm định và cấp phép đầu tư cần đánh giá cụ thể, xác minh rõ ràng đối với các giấy phép có liên quan đến yếu tố NNN để tránh trường hợp NNN lợi dụng hoạt động đầu tư để hợp thức hóa các hoạt động vi phạm pháp luật.
Giám đốc một đơn vị khai thác khách lữ hành đề nghị, những khu vực có thể kinh doanh nhà hàng, dịch vụ mua sắm thì thành phố nên có chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp địa phương đầu tư, tạo chỗ đứng trên thị trường của mình chứ không phải chỉ đứng tư cách pháp nhân cho người khác. Nếu cứ để tình trạng này kéo dài, môi trường du lịch sẽ bị ảnh hưởng và bị “phá nát”.
“Cơ quan quản lý Nhà nước phải quản lý chặt chẽ tình trạng đứng tư cách pháp nhân, hoạt động kinh doanh, hướng dẫn viên là NNN… Khi được siết chặt thì những hoạt động trái phép sẽ được hạn chế”, vị giám đốc này nói.
Theo Sở LĐ-TB&XH thành phố, qua công tác theo dõi, quản lý cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài vào làm việc trên địa bàn thành phố cho thấy xuất hiện nhiều trường hợp lao động nước ngoài vào làm việc với hình thức tham gia góp vốn vào công ty TNHH đóng tại Việt Nam với mức vốn góp rất ít (thực tế có trường hợp chỉ góp vốn khoảng vài chục triệu đồng) để rơi vào trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định tại khoản 1, Điều 7 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 3-2-2016 của Chính phủ và khoản 1 Điều 172 Bộ luật Lao động năm 2012.
Trong trường hợp này, thành phần hồ sơ đơn giản hơn nhiều so với việc đề nghị cấp giấy phép lao động. Do vậy, vừa qua, Sở LĐ-TB&XH đã đề nghị UBND thành phố có ý kiến đề xuất Chính phủ và Bộ LĐ-TB&XH có văn bản quy định cụ thể về tỷ lệ phần trăm vốn góp và mức vốn góp của lao động nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam thì người lao động nước ngoài mới thuộc trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh cho hay, Sở Du lịch đã tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành chức năng tập trung các giải pháp quản lý, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh tour giá rẻ; phát huy vai trò của Trung tâm Hỗ trợ khách du lịch, Tổ phản ứng nhanh gắn với hoạt động thanh tra, kịp thời xử lý khi có thông tin phản ánh từ người dân và du khách, góp phần bảo đảm môi trường du lịch phát triển bền vững.
Việc tăng cường công tác phối hợp, quản lý chặt chẽ việc cư trú của NNN của các sở, ngành liên quan thì trong thời gian tới sẽ hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật, bảo đảm chủ quyền và an ninh quốc gia.
NGỌC HÀ – NHẬT HẠ