Kinh tế

Tạo thế và lực mới cho xuất khẩu hàng hóa - Bài cuối: Làm sao để sản phẩm xuất khẩu vươn xa?

08:40, 06/12/2018 (GMT+7)

Với những lợi thế cũng như hạn chế đang gặp phải, làm thế nào để hoạt động xuất khẩu của thành phố phát triển và vươn xa là câu hỏi được đặt ra đối với các cấp, ngành cũng như với chính bản thân doanh nghiệp (DN).

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tính chuyên nghiệp của các ngành chức năng là một trong những yếu tố quan trọng giúp hoạt động xuất khẩu của thành phố được hiệu quả hơn. (Ảnh chụp tại Chi cục Hải quan Cảng Đà Nẵng).
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tính chuyên nghiệp của các ngành chức năng là một trong những yếu tố quan trọng giúp hoạt động xuất khẩu của thành phố được hiệu quả hơn. (Ảnh chụp tại Chi cục Hải quan Cảng Đà Nẵng).

Thoát khỏi “đáy gia công”, gia tăng tự động hóa

Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu, PGS.TS Bùi Quang Bình, giảng viên Trường Đại học Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) cho rằng, trong xu thế đất nước ngày càng hợp tác sâu rộng, để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới, DN cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, làm việc chuyên nghiệp và hiệu quả.

Cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng hiện đại hóa nhằm nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy; nhất là đội ngũ cán bộ, nhân viên cần không ngừng trau dồi, cập nhật những thông tin mới, chuyên nghiệp hóa thái độ phục vụ nhằm trở thành cầu nối hiệu quả cho DN.

Ông Lê Thanh Hạ, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thành phố cho biết, đơn vị sẽ tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả của chương trình xúc tiến thương mại, đề án phát triển thương hiệu cho các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ưu tiên, chương trình thương mại điện tử; hỗ trợ DN đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường Việt Nam đã ký cam kết hội nhập song phương và đa phương.

Trung tâm cũng tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các điều khoản, công ước quốc tế và khu vực mà Việt Nam đã ký kết và các chính sách pháp luật liên quan.

Về phía các DN xuất khẩu, sự chủ động của Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ trong việc ra mắt thương hiệu thời trang riêng - Merriman là bước đi chiến lược của đơn vị nhằm tăng cường tiềm lực xuất khẩu cũng như tạo lập vị thế trong ngành thời trang cả nước. Do đó, công ty tiếp tục đầu tư máy móc tự động hóa, chủ động về thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu riêng, gia tăng lợi nhuận...

Trong khi đó, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đặt vấn đề, trong xu thế hiện nay, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực thì DN nói chung, DN xuất khẩu nói riêng cần nỗ lực để vượt ra khỏi “đáy gia công” như trước đây bằng một chiến lược cải tổ mạnh mẽ.

Thực tế cho thấy, một số DN xuất khẩu tại Đà Nẵng có doanh thu khá ấn tượng, nhưng lợi nhuận thu về còn quá thấp. Để phát triển hơn nữa, DN cần tập trung phát triển thị trường, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, tăng cường tự động hóa trong sản xuất.

Ông Phạm Thanh Hưng cũng đề xuất, đối với các DN xuất khẩu lớn, nên mạnh dạn đầu tư thành lập trụ sở công ty ở nước ngoài rồi đàm phán để mua lại quyền gia công hàng hóa cho các thương hiệu lớn trên thế giới, sau đó chuyển về trong nước thực hiện.

Bên cạnh đó, năm 2019 được xem là năm ghi nhận sự “bùng nổ” của thị trường bán lẻ, dự đoán nhiều “ông lớn” của thế giới sẽ đổ bộ vào thị trường Việt Nam để chiếm thị phần. Vì vậy, DN nội địa, nhất là những DN có thương hiệu riêng nên đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để nương theo đó phát triển và giành được chỗ đứng ngay trên sân nhà.

Thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ DN

Theo ông Trần Chí Cường, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND thành phố, trong thời gian tới, thành phố sẽ đặt hàng ngành Thuế phối hợp với các ngành liên quan nhằm xác định cụ thể và chính xác đóng góp của các ngành, lĩnh vực vào ngân sách Nhà nước, qua đó có kế hoạch, định hướng đầu tư phù hợp. Đặc biệt, thành phố cần lựa chọn ra những DN hoạt động hiệu quả, đóng góp lớn và ổn định vào ngân sách để có sự hỗ trợ tập trung.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Ân, Cục trưởng Cục Thuế thành phố cho rằng, cần có sự quan tâm, đầu tư hơn nữa đối với các DN của địa phương, trong đó có những DN xuất khẩu. Đây chính là thành phần kinh tế quan trọng nhất góp phần thúc đẩy sự phát triển của thành phố, tạo nguồn lực bền vững và ổn định.

Ở khía cạnh khác, ông Mai Văn Quang, Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logictics khu vực miền Trung, đề xuất việc cần quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa hoạt động của ngành sản xuất công nghiệp vì đây là nơi sản xuất ra lượng hàng hóa ổn định và bền vững cho hoạt động xuất khẩu.

Thành phố nên chọn lựa những DN đầu ngành, có tiềm năng phát triển trong tương lai để dồn lực đầu tư và thúc đẩy họ lớn mạnh hơn nhằm tạo ra được những “cánh chim đầu đàn” cứng cáp.

Ngoài ra, thành phố cần phát triển dịch vụ logictics phong phú hơn, đáp ứng được đa dạng yêu cầu của mọi đối tượng khách hàng trong và ngoài thành phố; đồng thời đẩy mạnh chương trình hợp tác trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây nhằm khai thác tốt hơn lượng hàng hóa lớn từ khu vực Trung Lào vận chuyển qua.

Trước hết, thành phố cần chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng và triển khai chính sách, chương trình phát triển công nghiệp của thành phố, hướng đến tạo nguồn hàng bền vững cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa. Đà Nẵng cũng nên nhanh chóng thành lập một đầu mối chuyên hỗ trợ các DN về dịch vụ logictics một cách chuyên nghiệp.

Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN nói chung và DN xuất khẩu nói riêng, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp quan trọng, trong đó có chủ trương hình thành các khu công nghiệp (KCN) mới gồm: KCN Hòa Cầm giai đoạn 2 (quận Cẩm Lệ), KCN Hòa Nhơn và Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) với tổng diện tích gần 1.000ha. Dự kiến khi hình thành, các KCN này sẽ góp phần giải quyết hiệu quả nhu cầu về mặt bằng cho DN.

Theo ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công thương, đơn vị sẽ chú trọng thúc đẩy phát triển và quản lý tốt hơn đối với các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu do các tổ chức và đơn vị Nhà nước thực hiện; tăng cường công tác xúc tiến thương mại ra các thị trường tiềm năng; cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi cho DN.

Thành phố tập trung thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm có thế mạnh và nâng cao tốc độ xuất khẩu nhóm hàng có kim ngạch cao (dệt may, thủy sản, sản phẩm cao su, động cơ, linh kiện điện - điện tử); thúc đẩy tăng trưởng nhóm hàng xuất khẩu tiềm năng (dược, vật liệu mới, công nghiệp cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác) và giảm tương đối tỷ trọng xuất khẩu thô, sơ chế đối với nhóm hàng nông, lâm, hải sản theo định hướng chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu của thành phố.

Thành phố cũng khuyến khích các tổ chức, DN địa phương và trên cả nước cung cấp các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu (dịch vụ logistics, dịch vụ tài chính, marketing xuất khẩu - quảng bá, tiếp thị, xúc tiến thương mại)...

Ông Phan Văn Kha cho hay đã tham mưu UBND thành phố kiến nghị Bộ Công thương và các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ DN địa phương tiếp cận, nắm bắt thông tin, tham gia các chương trình hoạt động xúc tiến xuất khẩu quốc gia; tăng cường tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan xúc tiến xuất khẩu địa phương... thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật từ nguồn ngân sách Trung ương và nguồn tài trợ của các tổ chức kinh tế quốc tế.

Sở Công thương cũng kiến nghị Bộ Công thương có giải pháp tăng cường và phát huy hiệu quả hoạt động trao đổi, hỗ trợ thông tin giữa các cơ quan xúc tiến thương mại Trung ương, các tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài với cơ quan xúc tiến thương mại và DN tại địa phương để có cơ chế chính sách, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho sự hình thành và phát triển cơ quan hỗ trợ xuất khẩu (TSIs).

Đồng thời, các đơn vị này phải nỗ lực nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ hỗ trợ chuyên sâu với chất lượng cao và giá cả cạnh tranh cho DN tham gia xuất khẩu.

Để hoạt động xuất khẩu của Đà Nẵng trong thời gian tới phát triển hơn nữa, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành trong việc hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc cho DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, các DN phát huy tinh thần tự lực, tự cường nhằm đón đầu cơ hội để vươn ra biển lớn.

Bài và ảnh:  KHÁNH HÒA 

.