Áp Tết, sức mua tăng mạnh

.

Thời điểm này, khi Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 cận kề, sức mua hàng hóa tại các siêu thị, chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng... tăng mạnh. Nhờ chủ động từ sớm nên nguồn hàng vẫn phong phú và dồi dào, đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dân.

Giáp Tết Nguyên đán là thời điểm sức mua tăng cao ở các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, cửa hiệu... 						Ảnh: KHÁNH HÒA
Giáp Tết Nguyên đán là thời điểm sức mua tăng cao ở các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, cửa hiệu... Ảnh: KHÁNH HÒA

Ghi nhận tại một số siêu thị như: Big C, Co.opmart, Vincom, chợ Đống Đa, chợ Cồn, chợ Đầu mối Hòa Cường… và một số cửa hàng tiện lợi, sức mua trong tuần qua đã tăng khoảng 10-25% so với những tuần trước đó.

Một số mặt hàng đã bắt đầu có dấu hiệu tăng giá như: thịt heo (sườn non từ 140.000 đồng/kg tăng lên 150.000 đồng/kg, thịt heo mông từ 90.000 đồng/kg lên 110.000 đồng/kg); thịt bò loại thường từ 240.000 đồng/kg lên 250.000 đồng/kg, loại ngon 260.000 đồng/kg.

Tại chợ Đầu mối Hòa Cường (quận Hải Châu), lượng hàng rau, củ quả, rau, thịt cá… từ ngày 25-29 tháng Chạp tại chợ tăng 800-850 tấn/ngày (ngày thường chỉ từ 300-350 tấn/ngày); giá cả vẫn giữ mức tăng nhẹ, chưa xảy ra hiện tượng tăng giá “sốc”.

Ông Diệp Hoàng Thông Anh, Trưởng Ban quản lý chợ Đầu mối Hòa Cường cho biết: “Những ngày này, nguồn cung rau, củ tại chợ dồi dào do lượng hàng từ các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương vận chuyển về lớn. Các loại rau như mồng tơi, rau lang, rau muống khan hiếm thì nay đã về nhiều.

Riêng các mặt hàng như ớt chuông, khổ qua, cà chua sản lượng không nhiều và mức giá tăng trong khoảng từ 3.000-4.000 đồng/kg. Bên cạnh phục vụ bán hàng sỉ, số khách hàng lẻ đến mua bán tại chợ tăng lên đáng kể”.

Trong khi đó, tại chợ Cồn, các mặt hàng chủ lực được tiêu thụ mạnh trong thời gian này vẫn là thời trang, đồ gia dụng, chăn, ga, gối, mền và bánh kẹo. Theo Ban quản lý chợ Cồn, sức mua những ngày giáp Tết tiếp tục tăng từ 10-15% so với thời điểm trước đó.

Không chỉ có lượng lớn người dân thường xuyên mua sắm, chợ Cồn còn đón khá nhiều đoàn khách du lịch tới tham quan và mua sắm tại một trong những ngôi chợ truyền thống lâu đời và lớn nhất ở Đà Nẵng.

Nằm ở địa bàn du lịch trọng yếu của thành phố, quận Sơn Trà có 7 chợ từ cấp 2 trở xuống. Theo Ban quản lý các chợ quận Sơn Trà, thời điểm này, tình hình mua bán tại các chợ đã bắt đầu “nóng” lên, dự kiến sức mua tăng đột biến từ ngày 27-28 tháng Chạp.

Hiện các mặt hàng thực phẩm tươi sống được tiêu thụ mạnh hơn ngày thường khoảng 30%. Các mặt hàng phục vụ Tết về chợ nhiều như: vàng mã, sành sứ (tăng gấp đôi ngày thường), quần áo tăng khoảng 70-80%, gia vị và tạp hóa tăng khoảng 30%...

Giáp Tết, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao.
Giáp Tết, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao.

Chủ cửa hàng kinh doanh Thúy Bích (đường Hoàng Diệu) cho biết, từ đầu mùa mua sắm Tết đến nay (đầu tháng 1-2019), cửa hàng đã tiếp thêm 3 lần hàng, trong đó tập trung cao điểm là một tuần trước Tết.

Đánh giá sơ bộ về tình hình mua bán năm nay, bà Thúy Bích, chủ cửa hàng khẳng định sức mua tăng hơn cùng kỳ năm ngoái; chủ yếu các loại socola nhập từ Mỹ, Anh, Úc, hạt dưa, hạt hướng dương của Nga, chà là, mứt bưởi sấy khô, các loại nước ngọt, bánh kẹo trong nước… tiếp tục được ưa chuộng. Mức giá vẫn giữ ổn định như đầu tháng 1-2019, nguồn hàng lấy về có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm.

Cùng với các chợ truyền thống, các siêu thị, trung tâm thương mại lớn như: Big C, Co.opmart, Vincom, Intimex… tiếp tục là địa chỉ mua sắm Tết quen thuộc của người dân Đà Nẵng. Theo ông Phan Thống, Giám đốc Công ty TM-DV Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng, bước vào tuần cuối cùng trước Tết, sức mua tại đây tăng mạnh khoảng 25% so với thời điểm đầu tháng 1-2019.

Các mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất là rau, củ, quả, các loại hải sản tươi sống, đông lạnh, trái cây, bánh, kẹo, mứt, lạp xưởng… “Mùa mua sắm Tết Nguyên đán năm nay, sản lượng tiêu thụ hàng hóa của chúng tôi tăng khoảng 10%-15% so với cùng kỳ năm 2018”, ông Thống cho hay.

Bước vào cao điểm mua sắm Tết cũng là lúc các chợ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng hàng hóa cũng như bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Phan Mạnh Hân, Phó Ban quản lý các chợ quận Sơn Trà cho biết, ngay từ đầu tháng 1-2019, đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của quận đã đi kiểm tra các điều kiện kinh doanh thực phẩm, test nhanh thực phẩm tại 7 chợ, kết quả có 33/33 mẫu test âm tính (đạt yêu cầu).

Đồng thời, đoàn tổ chức đợt kiểm tra trước Tết, test 159 mẫu đều đạt yêu cầu (gồm10 loại hàng hóa theo bộ kit xét nghiệm nhanh thực phẩm); tổ chức cho Tổ kiểm định cân N333 kiểm định 1.044 cân đồng hồ lò xo đạt chuẩn, loại 36 cân không đạt; tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa phóng thanh, kiểm tra hướng dẫn trực tiếp các nội dung về kinh doanh thực phẩm.

Đơn vị cũng phân công trực chợ 24/24 và trực 100% quân số từ ngày 26 âm lịch, tăng cường kiểm tra hệ thống camera an ninh, phương tiện phòng cháy chữa cháy; phối hợp kiểm tra hệ thống điện sau đồng hồ tổng. Tổng vệ sinh các khu vực chợ hàng tuần, và ngày giáp tết; bảo đảm thu gom và chuyển toàn bộ rác ra khỏi chợ hàng ngày…

Theo ông Nguyễn Hà Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương, đến thời điểm này, thị trường cung hàng hóa trên địa bàn thành phố phong phú và đa dạng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm Tết của người dân. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường vẫn được giữ vững, đến nay chưa xảy ra vụ việc đáng tiếc nào. Sở cũng chỉ đạo ban quản lý các chợ, phối hợp các quận, huyện nhằm tuyên truyền và kiểm soát chặt văn minh thương mại, an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm góp phần đem lại cho người dân một cái Tết an bình và đầm ấm.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.