Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn: Rút ngắn thời gian triển khai

.

Việc tiến hành các bước báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt dự án, chuẩn bị đầu tư… như quy định thì tiến độ xây dựng dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn (LHXLCTR) sẽ kéo dài đến ít nhất năm 2024 mới đi vào hoạt động. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành của thành phố xin ý kiến của các bộ, ngành rút ngắn thời gian triển khai dự án.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đề xuất chọn địa điểm xây dựng dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) và sử dụng toàn bộ diện tích 119ha trong 20 năm.      Ảnh: HOÀNG HIỆP
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đề xuất chọn địa điểm xây dựng dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) và sử dụng toàn bộ diện tích 119ha trong 20 năm. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Đốt rác có phát điện

Khu LHXLCTR là dự án thuộc nhóm A (công trình hạ tầng kỹ thuật cấp đặc biệt). Sau một thời gian nghiên cứu tiền khả thi dự án Khu LHXLCTR, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - đơn vị được thành phố hợp đồng làm đơn vị tư vấn, đề xuất phương án công nghệ là đốt rác có phát điện với công suất đốt rác 1.000 tấn /ngày và bãi chôn lấp kỹ thuật để xử lý trữ lượng chất thải rắn vượt công suất đốt cùng tro xỉ từ đốt rác. ADB cũng đề xuất chọn địa điểm xây dựng dự án tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang và sử dụng toàn bộ diện tích 119ha trong 20 năm.

Theo đó, công suất lò đốt rác 1.000 tấn/ngày sẽ sử dụng 15ha đất để xây dựng nhà máy đốt rác, 45ha đất để làm bãi chôn lấp với độ sâu 30m hoặc 65ha đối với bãi chôn lấp có độ sâu 20m (diện tích lớn hơn nhiều so với diện tích 19,5ha mà thành phố đặt ra cho đơn vị nghiên cứu tiền khả thi). Về công suất phát điện, ADB cho rằng, chỉ xây dựng hệ thống phát điện với công suất tối đa 22MW, thấp hơn 2MW so với yêu cầu của thành phố.

Về tổng mức đầu tư, ADB cũng tính toán cần đến 189 triệu USD (khoảng 4.200 tỷ đồng), cao hơn 19 triệu USD so với yêu cầu của thành phố (mức đầu tư nói trên có thể giảm khi tiến hành đấu thầu cạnh tranh).

Về chi phí xử lý rác, với công suất đốt rác 1.000 tấn/ngày cùng khối lượng rác vượt công suất đốt được đem chôn lấp, chi phí xử lý chung là 37 USD/tấn rác (đã gồm việc tăng giá hằng năm là 4% theo chỉ số CPI), tương đương 854.000 đồng/tấn rác, cao hơn yêu cầu đặt ra của thành phố đến 454.000 đồng/tấn.

Về tỷ lệ chôn lấp rác sau xử lý, ADB khẳng định chưa có công nghệ nào bảo đảm xử lý với tỷ lệ chôn lấp dưới 10% theo như yêu cầu đặt ra của thành phố. Với công nghệ và chi phí xử lý mà ADB đề xuất, tỷ lệ chôn lấp từ 25-30%, gồm xỉ lò, tro và các loại không đốt được.

Về tiến độ thực hiện, sau khi bản báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt, dự kiến sẽ mất 24 tháng để thực hiện các thủ tục đấu thầu và giải phóng mặt bằng, tiếp đó là 30 tháng xây dựng nhà máy và 6 tháng vận hành thử nghiệm, kiểm tra nhà máy.

Đề nghị mời thầu chọn nhà đầu tư trước

Sau khi xem xét nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do ADB lập, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn chỉnh một số nội dung của báo cáo về công nghệ xử lý rác, quy mô và công suất của dự án, tỷ lệ chôn lấp, đơn giá xử lý rác thải và lộ trình tăng giá xử lý, loại hợp đồng đầu tư… để làm cơ sở thẩm định.

Trong khi đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, các đề xuất của ADB chưa đáp ứng các nội dung của UBND thành phố đặt ra; đồng thời đề nghị ADB nghiên cứu thêm và tư vấn cụ thể về công nghệ và hạn chế tỷ lệ chôn lấp sao cho thấp nhất.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng chi phí xử lý rác (37 USD/tấn) mà ADB đề xuất còn cao, khó có thể bảo đảm ngân sách chi trả. Bên cạnh đó, tiến độ xây dựng dự án kéo dài, dự án đi vào hoạt động đến ít nhất là năm 2024 và thậm chí còn trễ hơn...

Để giải quyết các vướng mắc về dự án, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã có nhiều buổi làm việc với sở, ngành và đơn vị tư vấn về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.

Tại buổi làm việc vào ngày 10-12, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho rằng, các phương án ADB đưa ra hiện nay vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu của thành phố. Với chi phí xử lý rác 37 USD/tấn thì tỷ lệ rác đốt được quá ít với 7,3 triệu tấn trên tổng số 18,9 triệu tấn rác; với phương án đốt hoàn toàn thì mức chi phí 65,4 USD/tấn là quá cao so với khả năng của thành phố.

Vì vậy, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đề nghị ADB cần tiếp tục làm việc với các sở, ngành liên quan của thành phố nhằm tính toán, điều chỉnh, tìm ra phương án phù hợp, tối ưu.

Bãi rác Khánh Sơn sắp đầy, thành phố đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn với công nghệ đốt rác có phát điện.
Bãi rác Khánh Sơn sắp đầy, thành phố đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn với công nghệ đốt rác có phát điện.

Đồng thời, để đẩy nhanh tiến độ dự án, Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan phối hợp với ADB vận dụng các điều khoản quy định về đầu tư để làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành liên quan, cho phép Đà Nẵng chưa phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, mà chỉ phê duyệt báo cáo tiền khả thi rồi tiến hành ngay việc mời thầu để lựa chọn nhà đầu tư.

ADB cần làm việc với các sở, ngành liên quan của thành phố để sớm đưa ra bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư như ưu tiên công nghệ có tỷ lệ chôn lấp thấp nhất, thân thiện với môi trường; diện tích sử dụng cho dự án hợp lý; đơn giá xử lý rác phù hợp với điều kiện của thành phố…

Ngày 18-12-2018, UBND thành phố có Thông báo số 342/TB-VP giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị cùng ADB xây dựng các tiêu chí mời thầu để lựa chọn nhà đầu tư bảo đảm cạnh tranh và hiệu quả về mặt tài chính cho thành phố; đồng thời thống nhất vận dụng khoản 3, Điều 9 của Nghị định số 63/2018/NĐ-CP của Chính phủ đối với việc triển khai đầu tư dự án Khu LHXLCTR theo hình thức đối tác công tư. “Nếu vẫn cứ triển khai dự án Khu LHXLCTR như các dự án bình thường khác thì tiến độ còn kéo dài đến ít nhất là năm 2024 mới đi vào hoạt động, thậm chí còn trễ hơn.

Vì thế, thành phố sẽ xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương cho phép Đà Nẵng áp dụng quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư đối với dự án ứng dụng công nghệ cao (quy định tại khoản 3, Điều 9 của Nghị định số 63/2018/NĐ-CP của Chính phủ) để triển khai dự án Khu LHXLCTR.

Thời gian triển khai dự án sẽ rút ngắn rất nhiều vì ngay sau khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và công bố dự án, được tổ chức lựa chọn nhà đầu tư trước khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ do nhà đầu tư trúng thầu thực hiện”, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.
.