Thời điểm này, các ngân hàng đã có sự chuẩn bị chu đáo cho nhu cầu giao dịch tiền mặt trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Đối với việc đổi tiền lì xì Tết, trong khi các ngân hàng thương mại không có nguồn cung lớn thì dịch vụ bên ngoài lại “nóng sốt”…
Nhiều ngân hàng cho biết đã có phương án cung ứng tiền đầy đủ vào các cây ATM trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Bảo đảm 24/24 giờ trong ngày
Các chi nhánh ngân hàng có lượng giao dịch lớn như: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV)… sớm triển khai kế hoạch nâng cấp, bảo dưỡng và bổ sung tiền kịp thời vào các cây ATM. Việc làm này nhằm hạn chế tình trạng người dân phải xếp hàng dài để đợi rút tiền hay ATM thiếu tiền.
Tại Agribank Chi nhánh Đà Nẵng, ngay từ đầu tháng 1, Ban quản lý hoạt động ATM đã tiến hành duy tu, bảo dưỡng lại toàn bộ 62 máy rút tiền ATM trên toàn thành phố; đồng thời phân ra các ca trực nhằm bảo đảm các cây ATM hoạt động 24/24 giờ và luôn sẵn sàng lượng lớn tiền mặt để người dân giao dịch.
Ông Vương Vũ Hoài Khanh, Phó Giám đốc Agribank Đà Nẵng cho biết, ngày thường ở các điểm đông dân cư, trung bình lượng tiền mặt giao dịch ở các cây ATM đạt mức khoảng 1 tỷ đồng/cây/ngày và cứ 2 ngày, mỗi máy sẽ được bổ sung tiền.
Dự đoán, trước Tết Nguyên đán (nhất là thời điểm một tuần trước Tết) lượng giao dịch sẽ tăng cao, khoảng gần 2 tỷ đồng/cây ATM/ngày. Để đáp ứng nhanh chóng và kịp thời cho nhu cầu rút tiền, chuyển tiền của người dân, đơn vị rút ngắn thời gian bổ sung tiền vào các máy ATM xuống 1 lần/ngày.
“Agribank hiện là ngân hàng có số lượng máy ATM nhiều nhất trên địa bàn thành phố, được bố trí ở tất cả các quận, huyện. Để bảo đảm tính thuận tiện và tiết kiệm phí rút tiền cho khách hàng, Agribank cho phép mỗi lần giao dịch rút tiền tối đa lên tới 5 triệu đồng/lần và 25 triệu đồng/ngày, riêng khách hàng VIP lên tới 50 triệu đồng/ngày”, ông Khanh nói thêm.
Tại Vietcombank Đà Nẵng, hiện có 40 máy ATM đang hoạt động trên toàn thành phố. Dịp Tết này, đơn vị đã lên phương án cung ứng nguồn tiền giao dịch với dự đoán sẽ tăng mạnh. Ông Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Vietcombank Đà Nẵng cho biết, ngày thường lượng giao dịch qua các cây ATM đạt mức 25-30 tỷ đồng/ngày, dự đoán một tuần trước Tết Nguyên đán sẽ tăng lên từ 35-40 tỷ đồng/ngày.
“Vào ngày 27 tháng Chạp, chúng tôi sẽ lấp đầy tiền ở tất cả 40 cây ATM đang hoạt động với tổng trị giá lên tới 300-350 tỷ đồng. Chúng tôi cũng cho dán thông tin, số điện thoại của các thành viên phụ trách trực tiếp hoạt động của các cây ATM để người dân tiện phản ánh khi xảy ra sự cố”, ông Đức cho hay.
Theo ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Chi nhánh Đà Nẵng, để bảo đảm nguồn tiền đáp ứng nhu cầu giao dịch tăng cao trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, NHNN đã có văn bản chỉ đạo các chi nhánh cũng như các ngân hàng thương mại chủ động tiếp quỹ đầy đủ, kịp thời, tăng cường theo dõi hoạt động của hệ thống ATM thông suốt, ổn định và an toàn.
Đặc biệt, không để tình trạng gián đoạn hoạt động khiến người dân xếp hàng chờ rút tiền, nhất là tại các địa bàn khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung đông cán bộ, công nhân viên.
Ngoài ra, các ngân hàng cần tăng cường thêm hình thức thanh toán, chi trả linh hoạt bằng tiền mặt ngay tại doanh nghiệp, công ty nhằm giảm áp lực cho hệ thống máy ATM trong những ngày cao điểm chi trả lương, thưởng… Mọi hoạt động của các cây ATM được các ngân hàng trên địa bàn bảo đảm đủ lượng tiền phục vụ Tết trên 24/24 giờ.
Nhiều ngân hàng cho biết đã có phương án cung ứng tiền đầy đủ vào các cây ATM trước, trong và sau tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. |
Nhu cầu đổi tiền mới tăng cao
Cùng với nhu cầu giao dịch tiền mặt ở các cây ATM, nhu cầu đổi tiền mới để lì xì trong dịp Tết lại “sốt” từng ngày. Qua tìm hiểu, đến thời điểm này, phần lớn các ngân hàng đều chưa nhận được thông báo chỉ đạo nào từ ngân hàng cấp trên về việc chuẩn bị nguồn tiền cho việc đổi tiền lì xì Tết.
Ông Vương Vũ Hoài Khanh, Phó Giám đốc Agribank Đà Nẵng cho hay, NHNN Việt Nam chưa chuyển tiền mới về nhiều cho các ngân hàng thương mại nên lượng tiền mới phục vụ nhu cầu của người dân khá khan hiếm. Hiện tại Vietcombank Đà Nẵng cũng không nhận đổi tiền lì xì Tết, nếu có cũng phải vào những ngày cuối cùng của tháng Chạp, tuy nhiên, số lượng dự báo sẽ không lớn. Trong khi đó, đại diện BIDV Chi nhánh Đà Nẵng cũng thông tin, đơn vị chưa nhận được nguồn tiền mới để phục vụ nhu cầu của người dân.
Theo ông Võ Minh, năm nay NHNN Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm soát chặt lượng tiền mới chuyển về cho các đơn vị thành viên; đồng thời yêu cầu hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt vào các mục đích đi lễ, mừng tuổi làm ảnh hưởng đến tình hình lưu thông tiền mặt nên nguồn cung không dồi dào như những năm trước.
NHNN Việt Nam chỉ đạo các chi nhánh trên cả nước không găm giữ tiền mới được điều chuyển từ NHNN chỉ để dành phục vụ mục đích đối ngoại hoặc đổi cho các tổ chức, cá nhân, mà không kịp thời phục vụ tiền mặt thanh toán cho các tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước để đáp ứng nhu cầu lưu thông.
Các NHNN địa phương kiểm soát chặt chẽ việc đổi, gom và chuyển tiền mới mệnh giá nhỏ từ tỉnh này sang tỉnh khác, hoặc các tỉnh phía nam ra phía bắc phục vụ nhu cầu lễ hội, đền chùa dịp Tết.
Trong khi đó, dịch vụ đổi tiền ở bên ngoài lại “sốt” từng ngày. Nhu cầu của khách hàng chủ yếu là tiền mệnh giá 5.000 đồng, 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng, 100.000 đồng và 200.000 đồng và chỉ nhận thu đổi đối với khách hàng từ ít nhất 1 triệu đồng trở lên với mức phí 150.000 đồng/1 triệu đồng.
Một đầu mối khác trên đường L.T.N nhận đổi tiền mới nhiều mệnh giá, trong đó nhiều nhất là tờ 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng. “Hiện nay lượng tiền mới không dồi dào như những năm trước nên việc thu, đổi cũng khó hơn”, chị L, chủ đầu mối này cho biết.
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA