Nguồn lao động du lịch: Vừa thừa, vừa thiếu

.

Trong những năm qua, ngành du lịch của thành phố có những bước phát triển mạnh mẽ; từ đó cũng đặt ra cho ngành bài toán nan giải về khả năng đáp ứng một cách ổn định và chất lượng nguồn lực lao động.

Theo Sở Du lịch, đến năm 2020 Đà Nẵng cần trên 6.000 hướng dẫn viên du lịch và 3.200 lao động làm việc ở khối-điểm du lịch. TRONG ẢNH: Hướng dẫn viên du lịch đang chụp ảnh cho du khách.
Theo Sở Du lịch, đến năm 2020 Đà Nẵng cần trên 6.000 hướng dẫn viên du lịch và 3.200 lao động làm việc ở khối-điểm du lịch. TRONG ẢNH: Hướng dẫn viên du lịch đang chụp ảnh cho du khách.

Trên địa bàn thành phố hiện có 752 cơ sở lưu trú (CSLT), với 33.826 phòng, tăng trên 8.000 phòng so với năm 2017. Thành phố cũng là nơi hội tụ của 331 công ty lữ hành, 9 khu du lịch và hơn 3.300 xe vận chuyển du lịch đạt tiêu chuẩn.

Song song với quá trình gia tăng CSLT và các công ty lữ hành, nguồn nhân lực phục vụ ngành du lịch cũng tăng mạnh. Hiện toàn ngành có trên 40.000 lao động, trong đó khối lưu trú là 17.334 lao động; khối nhà hàng, cơ sở phục vụ ăn uống 7.140 lao động; khối khu - điểm du lịch 2.174 lao động; hướng dẫn viên 3.223 lao động; 2.226 lái xe... và khối cán bộ quản lý du lịch là 278 lao động.

Kết quả khảo sát, đánh giá nguồn nhân lực du lịch năm 2017, đội ngũ lao động làm việc trực tiếp trong lĩnh vực du lịch đáp ứng từ 65% yêu cầu công việc trên 3 lĩnh vực: cơ sở lưu trú, lữ hành và nhà hàng. Bên cạnh đó còn có đến 69,5% lao động ngành du lịch là người địa phương. Điều này cho thấy đã có sự dịch chuyển nghề đáng kể trong việc chọn ngành nghề làm việc của lao động thành phố.

Với đà tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua, cùng với hạ tầng du lịch tiếp tục được đầu tư nâng cấp, chất lượng phục vụ du khách được cải tiến, Sở Du lịch dự đoán đến năm 2020, lượng khách du lịch đến thành phố ước đạt 8,9 triệu đến 9,35 triệu khách/năm; trong đó, lượng khách quốc tế khoảng 3-3,5 triệu lượt.

Cùng với đó, dự kiến mỗi năm thành phố tăng thêm 80-90 CSLT, tương đương 3.000-5.000 phòng. Mỗi năm, thành phố cũng sẽ tăng gần 6.000 phòng dạng căn hộ-khách sạn. Như vậy, để đủ nhân lực lao động đáp ứng cho ngành du lịch, mỗi năm thành phố cần thêm khoảng hơn 4.000 lao động nữa.

Đây là con số khá lớn, tuy nhiên có thể thấy với 64 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó gần 40% cơ sở có tuyển sinh và đào tạo nguồn lực cho ngành du lịch, thành phố không những đủ năng lực đáp ứng nguồn nhân lực tại Đà Nẵng mà còn cho các địa phương lân cận. Tuy nhiên, đây chỉ mới đáp ứng về mặt số lượng, còn vấn đề chất lượng của nguồn nhân lực du lịch vẫn khá nan giải.

Theo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, do thời gian qua số khách tăng vọt, nhất là khách quốc tế đến từ các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... khiến chương trình đào tạo bị “lệch” so với thực tế. Nếu trước đây ngoại ngữ ở các trường nghề dành cho ngành du lịch chủ yếu là tiếng Anh, thì gần đây, nhu cầu tiếng Trung Quốc và Hàn Quốc tăng quá nhanh dẫn đến tình trạng ngành du lịch cần tuyển người nhưng không thể đủ vì hướng dẫn viên không sử dụng được ngoại ngữ theo yêu cầu.

Cũng do thiếu nguồn nhân lực nên hiện nay các CSLT, nhà hàng, khu điểm du lịch thành phố đang rất khó cả trong việc tuyển dụng lẫn giữ chân người lao động. Theo một giám đốc khách sạn 4 sao trên đường Võ Nguyên Giáp, do đơn vị chọn phân khúc nguồn khách từ Nhật Bản và Hàn Quốc, nên công tác tuyển dụng gặp khó vì người phục vụ trực tiếp thông thạo tiếng Hàn và tiếng Nhật không nhiều.

Trong khi đó, công tác tiếp thị 2 thị trường rất tiềm năng này cũng đang gặp khó khăn, do đối tác đưa ra yêu cầu khắt khe là nhân viên phục vụ ở khách sạn ngoài thông thạo ngoại ngữ (Hàn và Nhật), phải có kinh nghiệm ít nhất 2 năm. Giám đốc khách sạn này cho rằng, phải “lấp liếm” với khách hàng và cố gắng đào tạo chứ lấy đâu ra ngay nguồn lao động theo những yêu cầu như vậy. Đặc biệt, đáng lo ngại là việc thiếu hụt đội ngũ làm công tác quản lý ở các khách sạn lớn và các khu nghỉ mát.

Về vấn đề này, ông Huỳnh Tấn Vinh, Tổng Giám đốc Furama Resort chia sẻ: “Furama tự hào là một trong những khu nghỉ dưỡng đầu tiên của miền Trung và cũng là đơn vị làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực, thế nhưng rất nhiều lúc chúng tôi thiếu nhân lực, nhất là các vị trí trưởng các bộ phận do nhân viên xin chuyển việc”.

Trong khi đó, chị N.T.B từng là nhân viên của một khu nghỉ dưỡng lớn và hiện là giám đốc khách sạn trên đường Nguyễn Văn Thoại giải thích: “Chúng tôi làm việc tốt và cần đãi ngộ xứng đáng với năng lực cũng như kinh nghiệm của mình. Vì vậy, khi đơn vị cũ không thể đáp ứng thì chúng tôi phải tìm cơ hội tốt hơn thôi”.

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.