WEF Davos 2019: Vắng nhiều nguyên thủ, thế giới càng lộ rõ nhiều thách thức

.

Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos 2019 được đánh giá là nơi tụ họp của những nhân vật giàu có và quyền lực nhất thế giới.

Chủ đề chính của WEF 2019 diễn ra từ ngày 22-25/01/2019 là
Chủ đề chính của WEF 2019 diễn ra từ ngày 22 đến 25-1-2019 là "Toàn cầu hóa 4.0: Định hình một kiến trúc mới trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ 4".

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2019 được đánh giá là nơi tụ họp của những nhân vật giàu có và quyền lực nhất thế giới. Thế nhưng, nhiều vấn đề về chính trị và kinh tế đang treo lơ lửng trên đầu giới tinh hoa toàn cầu khi họ tập trung tại Davos lần này. Về mặt kinh tế, triển vọng tăng trưởng toàn cầu rất âm u. IMF đã giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 vì những lo ngại về chiến tranh thương mại.

Theo dự báo mới của IMF, tăng trưởng toàn cầu chỉ có thể đạt 3,7% vào năm 2019, giảm so với dự báo trước đó trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán tăng trưởng toàn cầu sẽ ở mức 2,9% trong năm 2019 trong bối cảnh các điều kiện tài chính thắt chặt. Có nhiều quan ngại về tác động của tình hình địa chính trị với tăng trưởng kinh tế toàn cầu; nếu không được xử lý đúng cách, các xung đột địa chính trị sẽ gây ra những tác động hết sức tiêu cực với tăng trưởng.

WEF tự nhận vai trò của mình là "cải thiện tình trạng của thế giới". Tuy nhiên, theo nhà phân tích chính trị Anand Giridharadas, sau nhiều thập kỷ đấu tranh cho toàn cầu hóa, nay WEF e sợ rằng tình trạng bất bình đẳng ngày càng tăng, chủ nghĩa bảo hộ và nền chính trị theo chủ nghĩa dân tộc có thể khiến kinh tế thế giới "mộng du" vào một cuộc khủng hoảng khác.

WEF dự kiến sẽ thúc đẩy các chính khách và người đứng đầu doanh nghiệp theo hướng toàn cầu hóa toàn diện mới. Về biến đổi khí hậu, sau nhiều năm cảnh báo, hầu hết lãnh đạo doanh nghiệp, chính khách và nhà kinh tế dường như đã nhận ra thông điệp cấp bách mà nền kinh tế thế giới đang đối mặt, theo cuộc thăm dò thường niên về các nguy cơ toàn cầu của WEF.

Tuy nhiên, các mối quan hệ quốc tế đang ngày càng xấu đi và chủ nghĩa dân tộc ngày càng gia tăng cho thấy càng khó đạt được thỏa thuận toàn cầu về vấn đề này, mặc dù các vụ cháy rừng ở California (Mỹ) và lụt lội gần đây ở Pháp đã bộc lộ rõ cái giá phải trả về con người và kinh tế của thái độ không hành động cũng như thiếu đối sách và hoạch định mang tính chiến lược. Ngoài ra, sức khỏe tâm thần đã được WEF đặt làm một đề tài then chốt ở Davos năm nay. WEF 2019 sẽ đề cập những nỗi lo sợ rằng tình trạng trầm cảm, lo âu và các vấn đề khác về sức khỏe tâm thần đang tăng lên nhưng không hề được đánh giá đúng mức và lưu tâm thích đáng.

Chủ đề chính của WEF 2019 diễn ra từ ngày 22 đến 25-1-2019 là "Toàn cầu hóa 4.0: Định hình một kiến trúc mới trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ 4". Những người tham gia diễn đàn có thể lựa chọn những nội dung thảo luận khác nhau để tham dự, ví dụ như "Đối phó cuộc khủng hoảng rác thải toàn cầu", "Thúc đẩy công nghệ thông tin trên thế giới", hay "Toàn cầu hóa: Thất bại hay tái cơ cấu?".

Năm nay, các chuyên gia dự đoán vấn đề về thay đổi khí hậu sẽ thu hút được sự quan tâm của khá nhiều diễn giả. Ngoài ra sự thay đổi về công nghệ cũng như trào lưu chủ nghĩa dân tộc cũng sẽ khiến giới truyền thông quan tâm. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những buổi thảo luận này chỉ mang tính diễn thuyết, trong khi những cuộc đàm phán có thể thay đổi tình hình thực sự lại thường diễn ra trong các căn phòng kín sau những bữa ăn tối của các nhân vật quyền lực.

Diễn đàn WEF 2019 dự đoán sẽ quy tụ hơn 3.000 nhà lãnh đạo các doanh nghiệp, xã hội dân sự, giới học giả, các đại diện của lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và truyền thông, hơn 65 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, và đại diện các tổ chức quốc tế là một cơ hội lớn để những CEO, thống đốc, chuyên gia tài chính, những người giàu có và quyền lực hội tụ và đàm phán với nhau.

Dẫu vậy, việc Tổng thống Trump quyết định ở lại Mỹ để giải quyết các vấn đề trong nước; Thủ tướng Anh May cũng hủy chuyến đi tới Davos sau khi bản kế hoạch Brexit không được Nghị viện thông qua; Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng không tham dự hội nghị lần này khi nền kinh tế đang gặp nhiều thách thức; Thủ tướng Ấn Độ Modi cũng đang bận vận động cho cuộc bầu cử lần 2 nên sẽ không thể tới; Tổng thống Pháp Macron thì đang vất vả giải quyết tình trạng biểu tình của người áo vàng suốt nhiều tuần qua… cho thấy thế giới hiện nay đang tràn đầy những thách thức.

Chủ nhân Nhà Trắng đã hủy tham dự sự kiện vì chính phủ Mỹ đóng cửa một phần, khi phải "vật lộn" với đảng Dân chủ trong Hạ viện nhằm có ngân sách xây tường biên giới với Mexico; đồng thời hủy chuyến đi dự kiến của phái đoàn cấp cao, gồm Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Bộ trưởng Ngoại giao Michael Pompeo và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross.

Tuy phái đoàn cấp cao Mỹ không tham dự, nhưng có khoảng 800 người từ Mỹ dự kiến có mặt, trong đó có các lãnh đạo của những công ty lớn nhất thế giới.

Ngôi sao sáng của diễn đàn WEF được chú ý nhiều nhất năm nay sẽ thuộc về những nhà lãnh đạo còn lại: Thủ tướng Nhật Bản Abe, tân Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, Thủ tướng Đức Merkel, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern...

Tham dự WEF 2019 còn có Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde, hoàng tử William của Vương quốc Anh, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, cựu phó tổng thống Mỹ Al Gore, nhạc sĩ và doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ Will Am, nhà ảo thuật David Blaine, nhà khoa học máy tính phát minh ra mạng toàn cầu Tim Berners-Lee, CEO của Uber Dara Khosrowshahi… Nhiều nhân vật dự Diễn đàn Davos năm nay không chỉ giàu có, mà còn nổi tiếng: George Soros sẽ chủ trì và phát biểu tại tiệc tối; trong khi đó, JPMorgan của Dimon sẽ tổ chức một bữa tiệc cocktail. Bill Gates và Rubenstein - tỷ phú đồng sáng lập Tập đoàn Carlyle, sẽ lại làm diễn giả trong diễn đàn năm nay.

Klaus Schwab - nhà sáng lập WEF.
Klaus Schwab - nhà sáng lập WEF.

Klaus Schwab - nhà sáng lập WEF cho hay: "Chúng ta có thể tin vào sự hiện diện của khoảng 60 nguyên thủ quốc gia. Điều này chứng tỏ sự kiện tại Davos vẫn có sức ảnh hưởng".
Trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai siêu cường kinh tế Mỹ và Trung Quốc vẫn đang căng thẳng, WEF Davos 2019 đang được kỳ vọng sẽ tạo một bước đột phá trong cuộc chiến thương mại lần này. Dự kiến Vương Kỳ Sơn, Phó Chủ tịch Trung Quốc được cho là sẽ nhấn mạnh về sức ép của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng như mức độ thiệt hại mà cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang tác động lên nền kinh tế Trung Quốc.

Bài phát biểu sẽ đưa ra dự báo về việc liệu nền kinh tế của Trung Quốc có đang phát triển chậm lại hay không. Đáng tiếc, chính phủ Mỹ đóng cửa khiến cho niềm hy vọng tạo nên bước đột phá trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung nhiều khả năng sẽ sớm “tan thành mây khói”. Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond dự kiến cũng sẽ tham dự WEF tại Davos nhằm trấn an những doanh nghiệp Anh đang ngày càng lo lắng trong bối cảnh không có thỏa thuận Brexit.

Diễn đàn Davos 2019 đặt mục tiêu xác định các mô hình hòa bình mới, bền vững và toàn diện, nhằm thích nghi với một thế giới mà ở đó, hội nhập toàn cầu mạnh mẽ là tiến trình không thể tránh khỏi, nơi các mô hình quản trị toàn cầu cho thấy khó khăn trong việc thúc đẩy hành động hài hòa giữa các cường quốc trên thế giới.

Chương trình hội nghị sẽ đi sâu vào vấn đề nêu trên với hơn 350 phiên họp, thảo luận và đối thoại. Trong số này, có thể kể đến một loạt đối thoại như về địa chính trị, về hòa bình và phát triển, tương lai của nền kinh tế, quản lý các hệ sinh thái môi trường quan trọng, đảm bảo an ninh mạng, làm, và cải cách các thể chế. Một quá trình toàn cầu hóa bền vững và toàn diện cho tất cả mọi người được xem là môi trường lý tưởng để xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy tăng trưởng chú trọng đến môi trường, tạo ra cơ hội và hy vọng cho mỗi cá nhân.

Đó cũng là tiêu chí để triển khai các mục tiêu phát triển bền vững 2030 một cách công bằng, để "không ai bị bỏ lại phía sau" trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) được thành lập năm 1970 theo sáng kiến của Tiến sĩ Klaus Martin Schwab, là một tổ chức quốc tế độc lập, phi lợi nhuận, có trụ sở chính tại Cologny (bang Geneva, Thụy Sĩ) - nơi thảo luận các vấn đề thời sự quốc tế.

WEF cam kết không có bất kỳ sự thiên lệch nào đối với các yếu tố mang tính chính trị, quốc gia dân tộc, hay cá nhân đơn lẻ trong phát triển năng lực của thế giới bằng cách kết nối các nhà lãnh đạo nhằm kiến tạo các quan hệ hợp tác để từ đó thực hiện các mục tiêu kinh tế trên phạm vi toàn cầu và khu vực. Ngoài các cuộc họp toàn cầu thường niên và nhiều cuộc họp khu vực, WEF cũng xuất bản các kết quả nghiên cứu và khuyến khích các thành viên cùng thực hiện các sáng kiến mang lại lợi ích cho toàn thế giới.

Hàng năm, WEF tổ chức Hội nghị Thường niên tại Davos. Hội nghị WEF Davos có vai trò quan trọng như một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết lãnh đạo các nước lớn, các tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới, các học giả và phóng viên… nhằm cùng nhau bàn thảo những vấn đề then chốt toàn cầu và cam kết tăng cường hợp tác vì sự thịnh vượng chung.

Để tham gia những buổi hội nghị như WEF, các công ty phải tốn bình quân 60.000 USD để mua thẻ thành viên. Nhưng thẻ thành viên chỉ là giấy thông hành để mọi người có thể tham dự WEF, họ vẫn phải mua vé để vào ngồi tại các buổi hội thảo.

Năm 2018 là một năm tồi tệ với cổ phiếu Mỹ kể từ sau khủng hoảng tài chính; giá dầu tiếp tục mắc kẹt trong vũng lầy thấp kỷ lục theo quý, kể từ năm 2014. WEF năm nay diễn ra trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động mạnh bắt nguồn từ sự bất an liên quan đến quan hệ ngoại giao giữa các nước cũng như thương mại toàn cầu, cùng rất nhiều nguy cơ khác có thể nảy sinh trong năm 2019, ví dụ như Anh rời EU, hay đàm phán thương mại Mỹ - Trung, cũng như cuộc đối đầu chưa có hồi kết giữa Tổng thống Trump và Quốc hội Mỹ về ngân sách.

Trong 12 tháng qua, Mỹ và Trung Quốc đã đánh thuế hàng trăm tỷ USD nhằm vào nhau, Chính phủ Mỹ muốn xây bức rào ngăn cách với Mexico và Anh đang chìm trong hỗn loạn vì Brexit dù hạn chót đã tới gần. Trong khi đó, ở châu Âu, một loạt quốc gia đang phải chứng kiến sự lên ngôi của phong trào dân túy.

Theo VOV

;
;
.
.
.
.
.