Khởi đầu muộn hơn Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đà Nẵng đang có những bước chạy đà mạnh mẽ. Trao đổi với Báo Đà Nẵng, TS. Võ Duy Khương (ảnh), Chủ tịch Hội đồng mạng lưới khởi nghiệp thành phố chia sẻ về những hoạt động để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển “dài hơi” hơn nữa.
* Thưa ông, điểm nổi bật nhất của hoạt động khởi nghiệp Đà Nẵng trong năm vừa qua là gì?
- Hoạt động khởi nghiệp ở Đà Nẵng được tính bắt đầu từ dấu mốc năm 2015 - khi các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ra đời. Điển hình là sự ra đời của Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp của thành phố, sau đó thành phố phê duyệt đề án thành lập Vườn ươm doanh nghiệp. Đây là 2 sự kiện lớn của năm 2015 và bắt đầu từ đó, các hoạt động khởi nghiệp tại Đà Nẵng phát triển dần cho đến cuối năm 2018 và được tổ chức bài bản trong 4 năm.
Năm 2018, có thể kết luận, hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố tương đối hoàn thiện (bao gồm tất cả các nhân tố bên trong có tính chất tương tác với nhau để tạo ra kết quả cụ thể theo mục tiêu đặt ra). Những nhân tố đã phát triển trong hệ sinh thái là hệ thống các vườn ươm như: Vườn ươm khởi nghiệp Đà Nẵng (DNES) - vườn ươm công tư; vườn ươm của Trường Cao đẳng CNTT - vườn ươm đơn vị sự nghiệp; Trung tâm Ươm tạo Sông Hàn - vườn ươm tư nhân và một số vườn ươm khác...
Ngoài ra, các trường học ở Đà Nẵng (10 trường đại học, 15 trường cao đẳng) đã tham gia vào khởi nghiệp. Bên cạnh đó, các cơ quan Nhà nước đã biết đến khởi nghiệp và tham gia vào quá trình tổ chức các hoạt động khởi nghiệp cùng các thành tố khác.
UBND thành phố cũng đã ban hành quyết định về việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Thành phố đã có mạng lưới nhà đầu tư thiên thần với quỹ đầu tư khởi nghiệp (trên 20 nhà đầu tư thiên thần tham gia). Các công ty, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nhân trẻ đã chung tay xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Trong đó, Vườn ươm DNES được xem là điển hình cả nước với 12 nhà đầu tư tư nhân đóng góp.
Ở các địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội có các vườn ươm: một là vườn ươm công, Nhà nước bỏ tiền ra làm; hai là vườn ươm tư có nhà đầu tư tự bỏ tiền ra làm. Còn Đà Nẵng sử dụng cả nguồn vốn Nhà nước cộng với 12 nhà đầu tư cá nhân tham gia đóng góp với tinh thần khởi nghiệp. Hay mạng lưới nhà đầu tư thiên thần có quỹ gọi là Quỹ Cá chuồn với 20 nhà đầu tư tham gia... Đó là thành công nổi bật của khởi nghiệp Đà Nẵng năm 2018.
Một thành công lớn nữa không thể không nhắc tới đó là, trong số các dự án khởi nghiệp mà DNES tạo ra có 10 dự án khởi nghiệp đang phát triển. Chẳng hạn, như dự án Hekate tham gia cùng thành phố vừa chính thức trở thành đối tác khu vực tư nhân (Private Sector Partner) của UNDP Châu Á - Thái Bình Dương đồng hành với mục tiêu phát triển bền vững (SustainableDevelopmentGoals) của Liên Hợp Quốc. Hay dự án Zody đã phát triển rộng ra thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, kêu gọi được vốn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng như trong nước.
Dự án khởi nghiệp thành công điển hình khác là sản phẩm nước rửa chén của Minh Hồng đã có mặt tại 40 tỉnh, thành phố trong cả nước; đến nay, đã có nhà đầu tư của Pháp đặt vấn đề đưa sản phẩm qua Pháp và kêu gọi vốn phát triển quy mô lớn hơn. Hay dự án Nôi đa năng đã phát triển qua thị trường châu Âu, dự án Phòng khám Pasteur, Homcares... Đây là những dự án tiêu biểu được đào tạo trong 3 năm qua và ngày càng thành công một cách rõ nét.
* Như vậy, sau giai đoạn xây dựng nền tảng bước đầu thì hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng phát triển theo chiều hướng nào để đi vào chiều sâu?
- Thực ra, những năm qua khởi nghiệp mới chỉ đi vào chiều rộng để bước đầu làm cho khởi nghiệp Đà Nẵng có thương hiệu trên bản đồ khởi nghiệp của Việt Nam cũng như khu vực. Song, giai đoạn từ 2019 trở đi, DNES đang định hình chiều sâu của khởi nghiệp, chúng tôi đang tập trung thực hiện các mục tiêu. Đó là hoàn thiện chương trình ươm tạo mới có chất lượng hơn, thu hút được các ý tưởng khởi nghiệp không chỉ riêng Đà Nẵng mà của khu vực miền Trung.
Hai là, chúng tôi phát triển chương trình đào tạo về khởi nghiệp trong quý 1-2019 sẽ hoàn thành và cũng đưa chương trình này vào các trường đại học cũng như tổ chức chương trình đào tạo khởi nghiệp tại DNES và một số vườn ươm khác cho các đối tượng là thanh niên ngoài trường đại học. Như vậy, chúng tôi làm chương trình cho cả sinh viên trong trường đại học hiểu khởi nghiệp là gì, những kỹ năng cần thiết khi tham gia khởi nghiệp.
Các công ty khởi nghiệp tìm kiếm khách hàng từ những sự kiện khởi nghiệp. Ảnh: KHANG NINH |
Còn ở ngoài trường đại học thì tại trung tâm ươm tạo chúng tôi sẽ cầm tay chỉ việc, vừa xây dựng tinh thần khởi nghiệp vừa hướng dẫn quy trình làm khởi nghiệp như thế nào với những kỹ năng cụ thể như: quản trị doanh nghiệp, tài chính nhân sự, phát triển thị trường.
Năm 2018, chúng tôi đã làm thí điểm được 2 lớp (thanh niên tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng tham gia) và năm 2019 sẽ làm đại trà. Ba là, chúng tôi tập trung mở ra hệ thống các không gian sáng tạo, không gian làm việc chung cho khởi nghiệp. Hiện nay, DNES có 2 không gian, nhưng còn thiếu so với nhu cầu của khởi nghiệp nên sắp đến mục tiêu mỗi năm mở ra thêm 1-2 không gian tại Đà Nẵng và Hội An.
* Đà Nẵng đang hướng tới xây dựng thành phố khởi nghiệp nhưng còn những điểm yếu cần phải khắc phục là gì? Thành phố cần tập trung cho khởi nghiệp như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?
- Như đã biết, hoạt động khởi nghiệp của thành phố chúng ta còn quá mới, chỉ bắt đầu vài năm lại đây; trong khi cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn số lượng ít, quy mô nhỏ, đóng góp cho nền kinh tế chưa có gì đáng kể. Thành phố có 20.000 doanh nghiệp nhưng 95% doanh nghiệp nhỏ nên mới chỉ giải quyết việc làm chứ chưa tạo ra “cú hích” cho nền kinh tế. Chính vì thế, nhiệm vụ của khởi nghiệp là làm sao thu hút được tuổi trẻ nói riêng và cả xã hội nói chung tập trung vào phát triển kinh tế tư nhân.
Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp khởi nghiệp chưa có hạ tầng để họ ra đời và hoạt động. Ví dụ, muốn nâng quy mô hoạt động thì doanh nghiệp cần thuê vài trăm mét vuông để sản xuất và tạo ra hàng hóa lại không có. Do đó, sắp đến, chúng tôi tập trung làm không gian làm việc chung cho khởi nghiệp với quy mô lớn. Việc này đã được UBND thành phố quy hoạch và có chủ trương rồi nên chúng tôi sẽ xây dựng không gian sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp tại địa điểm là đường Trần Hưng Đạo (quận Sơn Trà).
Năm vừa qua, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đã đến thăm DNES và đồng ý với chủ trương này; UBND thành phố cũng giao nhiệm vụ cho các sở, ngành xúc tiến việc giao đất và huy động vốn để đầu tư. Một điểm yếu nữa là chúng ta chưa có nhiều quỹ đầu tư trong và ngoài nước quan tâm vào các dự án khởi nghiệp của Đà Nẵng. Thành phố cần tính toán xây dựng quỹ đầu tư hỗ trợ cho khởi nghiệp, kể cả quy công và quỹ tư nhân. Việc này cần được xúc tiến nhanh chứ không thể keo dài làm mất đi cơ hội.
Việc thứ hai là thành phố cần phát triển tinh thần khởi nghiệp, bởi dù có hô hào bao nhiêu, dù chính quyền có đứng ra tổ chức các sự kiện lớn mà không có tinh thần khởi nghiệp thì sau sự kiện “đâu cũng vào đấy”. Thành phố cần phải xây dựng tinh thần khởi nghiệp cho giới trẻ đi trên con đường sẵn sàng chấp nhận rủi ro, gian khổ khi khởi nghiệp, giúp cho các nhà khởi nghiệp trẻ cảm thấy phải sống chết với dự án của mình thì khởi nghiệp mới thành công.
Nhà nước và các cơ quan, đơn vị làm hỗ trợ khởi nghiệp phải tạo ra những điều kiện để người khởi nghiệp tổ chức các dự án khởi nghiệp. Trước mắt là phải tạo được không gian sáng tạo thì mới có một cộng đồng sáng tạo, càng ngày càng thu hút các dự án khởi nghiệp không chỉ ở trong nước mà còn ở khu vực cùng đến làm việc trong không gian này để học tập lẫn nhau...
Thời gian tới, chúng tôi cũng mong muốn Đảng bộ, chính quyền thành phố cần đặt đúng vai trò, vị trí của khởi nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội để giúp cho khởi nghiệp của Đà Nẵng tiếp tục tăng trưởng. Để đến năm 2020-2025, Đà Nẵng trở thành thành phố khởi nghiệp và đến năm 2030 sẽ hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, thành phố cần phải quyết liệt hơn nữa để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ.
* Xin cảm ơn ông!
DUYÊN ANH thực hiện