Chợ Tết ngày cuối năm

.

ĐNO - Rộn ràng và đầy cảm xúc có lẽ là cảm nhận thường thấy mỗi khi đi chợ Tết vào ngày 30 tháng Chạp. Xen lẫn giữa sự hối hả, tấp nập của dòng người đi sắm Tết, tiếng mặc cả, chào hàng vẫn thường nghe thấy trong suốt một năm mỗi khi đến chợ, là lẩn khuất đâu đó chút tản mạn, thảnh thơi khi mọi việc lo toan đã xong, đi chợ chỉ để được tận hưởng không khí riêng có ở chợ Tết trong sớm mai hay khi đã vãn người qua lại vào buổi hoàng hôn buông xuống.

Ghé qua các chợ lớn trên địa bàn thành phố như chợ Cồn, chợ Đống Đa, chợ Mới, chợ Hàn, chợ Đầu mối Hòa Cường, các chợ trên địa bàn quận Sơn Trà vào sáng 30 tháng Chạp, không khí mua bán diễn ra tấp nập.

Các quầy rau củ quả, thịt, cá vẫn đầy ăm ắp; dọc các con đường chính hay bên hông chợ vẫn còn cảnh chen lấn, người đi ra kẻ đi vào liên tục, nhân viên các bãi giữ xe hoạt động không ngừng nghỉ để phục vụ nhu cầu của người dân. Thậm chí, nhiều đoạn đường hai bên hông chợ còn bị tắc nghẽn cục bộ như đường Hoàng Diệu nối dài (đoạn cổng chính đi vào chợ Mới), đường Lương Ngọc Quyến dẫn vào chợ Đống Đa…

Một góc chợ Đầu mối Hòa Cường vẫn còn đông người bán, chủ yếu là các quầy hàng lẻ để mọi người chuẩn bị bữa cơm tất niên và đón năm mới. Giá rau vẫn còn rất cao, từ 15.000 đến 20.000 một bó
Một góc chợ Đầu mối Hòa Cường vẫn còn đông người bán, chủ yếu là các quầy hàng lẻ để mọi người chuẩn bị bữa cơm tất niên và đón năm mới. Giá rau vẫn còn rất cao, từ 15.000 đến 20.000 một bó. Ảnh: Trâm Anh
Nhiều người lựa chọn mua cá để dự trữ ăn trong những ngày Tết
Nhiều người lựa chọn mua cá để dự trữ ăn trong những ngày Tết. Ảnh: Trâm Anh

Ngày 30 Tết, nhiều người đi chợ để mua sắm, chuẩn bị cho bữa cơm tất niên, cũng có người tranh thủ đi mua một vài thứ lặt vặt còn thiếu hay đợi đến cuối ngày mới mua thêm mớ rau, ký trái cây. Ngày cuối năm, bán buôn đắt nhất vẫn là hàng thịt, cá, rau củ quả và các loại giấy cúng giao thừa cùng đồ trang trí nhà cửa, hoa và trái cây các loại…

Chợ Tết ngày 30, từ người bán đến người mua, ai cũng mong mua, bán nhanh để về với gia đình nên tất cả các mặt hàng nếu không hạ giá thì cũng ít khi xảy ra cảnh chặt chém, thậm chí có khi còn được các cô, các chị bán rẻ.

Hàng hóa ở các chợ vẫn về đầy ắp
Hàng hóa ở các chợ vẫn còn đầy ắp. Ảnh: Khánh Hòa
Giá của những cành sung dao động từ 10.000 đến 80.000 tùy theo kích cỡ và lá
Những nhành sung với ý nghĩa "sung túc" được nhiều người chọn mua vào dịp đón năm mới. Giá của những cành sung dao động từ 10.000-80.000 đồng tùy theo kích cỡ và lá. Ảnh: Trâm Anh

Tại chợ Cồn, một trong những chợ dân sinh lớn nhất của thành phố, lượng hàng trong ngày 30 tháng Chạp vẫn đầy ắp để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Bà Hồ Thị Thanh, tiểu thương buôn bán trái cây tại đây cho biết, bà còn vài chục kg cam canh, xoài, thanh long và dưa hấu, bán không hết sẽ đem về nhà dùng.

Tết năm nay, nhờ tính toán hợp lý cộng thêm thời tiết đẹp nên việc mua bán ước chừng kéo dài đến sẫm tối mới kết thúc. Theo ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng Ban Quản lý chợ Cồn, mùa Tết Kỷ Hợi 2019, sức mua tại chợ tăng khoảng từ 15-20%.

Còn tại chợ Mới, chợ Hàn, sức mua liên tục tăng, vào thời điểm chiều 30 Tết, lượng người dân đến mua sắm tại đây vẫn đông. Trong khi đó, các tiểu thương mua bán lớn ở chợ Đầu mối Hòa Cường lại kết thúc sớm ngày bán hàng của mình từ trưa 30.

Với 3 năm kinh nghiệm bán mặt hàng trang trí nhà cửa, anh Đỗ Quang Thảo (ở đường Hoàng Diệu, quận Hải Châu) cho biết, từ 25 tháng Chạp đến nay, anh đã bán được hàng trăm sản phẩm phong bao lì xì, câu đối chúc Tết… với mức giá dao động từ vài ngàn đến hàng trăm ngàn đồng. Mỗi mùa Tết anh kiếm thêm được vài triệu đồng từ việc kinh doanh này. Riêng trong ngày 30, anh chỉ bán đến tầm 1 – 2 giờ chiều là kết thúc.

Mặt hàng trang trí, làm đẹp nhà cửa vẫn đắt khách
Mặt hàng trang trí, làm đẹp nhà cửa vẫn đắt khách.  Ảnh: Khánh Hòa

Trời chuyển dần về chiều cũng là lúc nhiều tiểu thương bắt đầu dọn dẹp quầy hàng hay những thúng, những rổ đựng rau, trái cây… để ra về. Chỉ vào gần 5kg cam canh còn trong rổ, bà Hà Thị Thân (ở phường Thạch Thang, quận Hải Châu) buôn bán lẻ ở chợ Mới bảo: “Bình thường tôi bán 45.000 đồng/ kg, giờ bán rẻ 30.000 đồng/kg thôi. Bán hết hay không thì 4 giờ chiều tôi cũng phải về nhà, còn chuẩn bị để đón giao thừa nữa. Mùa Tết năm nay tôi lãi được chút đỉnh”.

Kế bên bà Thân là góc hàng xén bán hoa cúc do nhà trồng của chị Thảo Ly (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang). Với những cây hoa xanh tươi, đều bông, từ sáng đến đầu giờ chiều ngày 30, chị đã bán được gần cả trăm cây hoa với mức giá 10.000 đồng/cây. Chị Ly bảo, chỉ bán đến 3 giờ chiều là thu vén để tranh thủ ghé chợ mua ít đồ về làm cơm cúng tất niên. Trong khi đó, với nhiều người dân buôn bán lẻ từ các vùng xa như Quảng Nam, Quảng Ngãi, phiên chợ Tết của họ tại Đà Nẵng đã kết thúc từ chiều 28 hoặc 29 tháng Chạp để còn kịp bắt tàu, xe về quê sum họp cùng gia đình.

Đi chợ tết, còn là cơ hội để cảm nhận những nét riêng có mỗi khi mùa tết về (Trong ảnh: Những trái phật thủ vàng ươm được bày bán ở chợ Mới vào sáng 30 tháng Chạp âm lịch)
Đi chợ Tết còn là cơ hội để cảm nhận những nét riêng có mỗi khi mùa Tết về (Trong ảnh: Những trái phật thủ vàng ươm được bày bán ở chợ Mới vào sáng 30 tháng Chạp).  Ảnh: Khánh Hòa

5 chợ truyền thống lớn và hàng chục chợ cấp II trở xuống nằm rải rác ở tất cả các quận, huyện cùng hệ thống các siêu thị, trung thâm thương mại với nguồn hàng phong phú, dồi dào, được bổ sung liên tục đã đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 cho đến tận đêm 30 Tết, góp phần đem lại cho người dân một cái Tết đầy đủ, ấm cúng và rộn ràng.

                                  Bài và ảnh: KHÁNH HÒA - TRÂM ANH

;
;
.
.
Công ty quà tặng tết Grand Cru - Wine & Gift
.
.
.