Công viên Biển Đông

.

Bạn lần đầu vào Đà Nẵng, ngỏ ý muốn ra biển chơi cho biết thế nào là “bãi biển quyến rũ nhất hành tinh”, bèn chở bạn qua cầu Sông Hàn, chạy thẳng đường Phạm Văn Đồng để đến Công viên Biển Đông, xem như đây là nơi bắt đầu cho hành trình khám phá biển Đà Nẵng của khách phương xa.

Với địa thế, cảnh quan đặc biệt, Công viên Biển Đông là nơi tổ chức nhiều lễ hội của thành phố. TRONG ẢNH: Cảnh quan bãi biển trong chương trình “Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè 2018”.
Với địa thế, cảnh quan đặc biệt, Công viên Biển Đông là nơi tổ chức nhiều lễ hội của thành phố. TRONG ẢNH: Cảnh quan bãi biển trong chương trình “Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè 2018”.

Chẳng phải tự nhiên mà nhiều người dân Đà Nẵng rất thích giới thiệu về Công viên Biển Đông cho bạn bè, người thân ở ngoại tỉnh. Một trong những điểm đặc biệt nhất của Công viên Biển Đông chính là vị trí của nó. Chỉ cần chạy một mạch từ cầu Sông Hàn (cây cầu trung tâm nhất của thành phố) là ra đến biển. Một mặt công viên nhìn về “trái tim” Đà Nẵng, một mặt lại hướng thẳng tầm nhìn ra quần đảo Hoàng Sa ngoài Biển Đông.

Hướng mắt về phía đông bắc là bức tượng Phật Bà Quán Thế Âm Bồ Tát cao nhất Việt Nam đứng giữa núi Sơn Trà xanh ngắt. Có lẽ, ai từng đứng ở nơi này cũng thấy trong lòng dâng lên niềm yêu quê hương và sự tự hào về chủ quyền biển, đảo, đất nước.

Tên gọi “Công viên Biển Đông” giản dị, nhưng đầy ý nghĩa bắt đầu xuất hiện trong tâm thức người Đà Nẵng từ tháng 12-2010, sau kỳ họp của HĐND thành phố (nhiệm kỳ 2004-2011). Điểm nhấn của không gian này là bức tượng Mẹ Âu Cơ của nhà điêu khắc gốc Đà Nẵng Lê Công Thành - một tên tuổi lớn của làng điêu khắc Việt Nam thế kỷ 20. Bức tượng làm bằng đá trắng, gồm các hình khối giản tiết thể hiện hình ảnh 2 bầu ngực no tròn bao bọc 1 quả trứng to. Khối tượng được đặt trên bệ hình hộp, ốp đá hoa cương đen, mỗi chiều khoảng 3m.

Trong một bài viết đăng trên tạp chí Non Nước (thuộc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng) vào tháng 6-2011, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An kể lại câu chuyện 45 ngày thi công bức tượng. Đúng nửa đêm 30-6-2007, các khối đá trắng được đưa vào vị trí. 7 giờ 30 sáng hôm sau, công trình nghệ thuật này được hoàn công. Theo nhiều nhà phê bình nghệ thuật đánh giá, bức tượng Mẹ Âu Cơ mang sự cô đọng về ý tưởng, hiện đại về hình thức thể hiện, được sắp đặt hài hòa với cảnh quan Công viên Biển Đông. 

Ngoài bức tượng độc nhất Việt Nam này, Công viên Biển Đông còn có một điểm thú vị nữa mà ít nơi nào có, chính là vườn chim Hòa Bình được thành lập từ tháng 3-2009 với hàng nghìn con chim bồ câu. Người chăm sóc cho đàn chim này là ông Lê Minh Hải (Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng). Được biết, ban đầu vườn chim nuôi những chú bồ câu Pháp, song do không hợp khí hậu nên phải thay bằng giống bồ câu trong nước.

Bằng cái tài và cả sự nhiệt huyết, tận tâm, ông Hải đã đưa đàn chim từ vỏn vẹn 400 con lên đến hơn 1.200 con. Mỗi lúc cho ăn, ông tuýt còi khiến hàng đàn chim bồ câu ùa về, tạo nên một khung cảnh đẹp mắt. Ông Hải cho biết, từ khi có đàn chim bồ câu, lượng người đến Công viên Biển Đông chụp ảnh rất nhiều, đặc biệt là những đôi uyên ương đến chụp ảnh cưới.   

Với địa thế, cảnh quan đặc biệt, Công viên Biển Đông là nơi tổ chức nhiều lễ hội của thành phố. Vào những ngày hè, tại đây luôn sôi động với các hoạt động thể thao giải trí như: lướt sóng cùng jetski, cưỡi phao chuối, dù lượn trên không, đua thuyền kayak...

Chương trình “Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè” được tổ chức hằng năm, mỗi năm lại có thêm nhiều hoạt động mới mẻ, để... nhỡ du khách nào đã từng đến Đà Nẵng rồi thì sang năm quay lại vẫn có nhiều điều mới để khám phá. Điển hình như chương trình “Điểm hẹn mùa hè 2018” vừa qua, nhiều du khách khi đến Công viên Biển Đông tỏ ra thích thú khi được trải nghiệm rạp chiếu phim ngoài trời với các bộ phim lột tả vẻ đẹp của Việt Nam như “Kong-Đảo Đầu Lâu”, “Cú và Chim Se Sẻ”, “Đội cứu hộ bãi biển”...

Công viên Biển Đông đã trở thành một không gian giải trí cộng đồng thực sự đối với người dân và du khách khi đến Đà Nẵng. Với hệ thống tiện ích công cộng (bàn ghế đá, nhà vệ sinh, khu vực thể thao...) khá đầy đủ, được bảo dưỡng thường xuyên, nơi đây là điểm đến của nhiều gia đình trong những ngày cuối tuần, ngày nghỉ lễ. Bởi vậy, nếu có người bạn nào ở xa nào muốn tìm hiểu Đà Nẵng, xin đừng bỏ qua Công viên Biển Đông. Đi dạo, hít thở hơi mằn mặn của biển cả và ngắm nhìn vẻ đẹp đời thường của cuộc sống là đủ để hiểu được một phần hồn của người dân thành phố biển.

Bài và ảnh: PHONG LAN

;
;
.
.
.
.
.