Năm 2019 là năm có ý nghĩa quan trọng, bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2016-2020. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ có nhiều cơ hội nhưng cũng đối diện với nhiều thách thức đến từ những yếu kém nội tại của nền sản xuất nhỏ, biến đổi khí hậu, trong khi thị trường nông sản thế giới và trong nước cạnh tranh gay gắt.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tham quan vườn nhãn trồng theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Hồng Nam, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Đinh Tuấn/TTXVN |
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về sự quyết tâm cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới.
Năm qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đạt kết quả rất cao và khá toàn diện. Tuy nhiên, còn điều gì mà Bộ trưởng trăn trở và ngành sẽ phải tiếp tục triển khai trong năm 2019?
Hiện nay, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đang có hai chương trình lớn là cơ cấu lại nông nghiệp và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Trăn trở nhất là chương trình cơ cấu lại nông nghiệp đang đi đúng hướng nhưng cần phải làm sâu sắc hơn. Đó là liên kết chưa thành phổ biến trên các đối tượng, chế biến còn rất bất cập, tổ chức thị trường cần phải bài bản, căn cơ hơn, kể cả thị trường trong nước và tổ chức thị trường xuất khẩu thì mới đảm bảo sản xuất bền vững và hiệu quả.
Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ngành phấn đấu và hoàn thành về số lượng các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó hoàn thành thiết chế hạ tầng cứng là tốt, nhưng trăn trở ở đây là tổ chức sản xuất để hiệu quả cao chưa nhiều.
Bên cạnh đó, vấn đề môi trường chưa yên tâm cần phải tiếp tục được quan tâm hơn nữa. Điển hình như rác thải vẫn chưa được quy gom, quản lý. Đi đôi với đời sống của nông thôn thì đời sống tinh thần, văn hóa, an ninh cũng phải làm tốt hơn. Đây là điều trăn trở chung mà thời gian tới cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế và người dân cùng cố gắng để làm tốt hơn.
Các doanh nghiệp đang nhìn thấy nông nghiệp đang là lĩnh vực khá tiềm năng. Bằng chứng là số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng mạnh và cao nhất từ trước tới nay. Chúng ta sẽ phải tổ chức sản xuất thế nào để tạo được vùng nguyên liệu tốt cũng như trong tổ chức chế biến, phát triển thị trường, thưa Bộ trưởng?
Việt Nam đang trên tiến trình cơ cấu lại nông nghiệp với hơn 1.000 chuỗi liên kết sản suất nông sản an toàn thực phẩm hình thành ở khắp các tỉnh, thành phố. Đây có thể nói là xu hướng tất yếu, rất tích cực trên các đối tượng cây trồng, vật nuôi.
Tuy nhiên, về tổng thể phải phấn đấu hơn nữa vì tỷ lệ liên kết chưa phải phổ biến trên tất cả các đối tượng sản phẩm sản xuất, trên các quy mô. Chính vì thế chúng ta không chỉ tập trung từ những mô hình điển hình thắng lợi trên cây rau vụ Đông, cây ăn quả, lúa… mà trên tất cả đối tượng sản xuất phải định hướng, đẩy nhanh hơn nữa. Dù quy mô nào cũng phải hình thành sản xuất tập trung. Đó là hướng tất yếu.
Thứ hai phải gắn kết với chế biến. Hiện nay, chế biến đang trên đà phát triển trên các đối tượng, không chỉ cây trồng mà cả vật nuôi. Điển hình là vừa khánh thành nhà máy chế biến thịt lợn rất hiện đại ở Hà Nam. Tất cả những đối tượng sản xuất từ bây giờ phải hình thành một chuỗi liên kết chặt chẽ từ khâu tổ chức sản xuất nguyên liệu đến chế biến, thương mại thì mới đảm bảo thắng lợi.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm mô hình sản xuất rau tại xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Chẳng hạn như huyện Cầm Giàng, tỉnh Hải Dương đã chuyển cả một vùng sang trồng cây cà rốt. Nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp cùng phối hợp tổ chức sản xuất. Tôi tin tưởng rằng mặc dù quy mô ruộng nhỏ nhưng tổng hợp lại sẽ thành những ruộng lớn. Như vậy chúng ta tạo ra vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và tổ chức xuất khẩu nông sản tốt. Khi có liên kết lớn từ khâu sản xuất, chế biến đến thương mại chắc chắn chúng ta thành công.
Sau khi bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo bằng “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam. Việt Nam đã rất quyết tâm và có những hành động quyết liệt trong việc triển khai chống khai thác bất hợp pháp. Xin Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, ngành sẽ có những quyết tâm thế nào trong việc giành lại “thẻ xanh”?
Việc lấy lại thẻ xanh chỉ là một phần. Chúng ta quyết tâm thực hiện chống đánh bắt bất hợp pháp để xây dựng một nghề cá có trách nhiệm, để con cháu chúng ta sau này mãi mãi có tài nguyên khai thác. Đó mới là mục tiêu cao cả.
Thái Lan mất 4 năm để lấy lại thẻ xanh. Việt Nam quyết tâm sẽ lấy lại trong thời gian ngắn hơn. Nhưng mục tiêu không phải là thẻ xanh mà mục tiêu là xây dựng cho được một nghề khai thác cá có trách nhiệm. Đó là trách nhiệm với con cháu, môi trường và hội nhập. Đây mới là mục tiêu nên mọi người đều phải đồng lòng.
Từ Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp và cả ngư dân đều phải đồng lòng, quyết tâm thực hiện thì Việt Nam mới có một nghề khai thác cá bền vững.
Trước hội nhập quốc tế sâu rộng, Bộ trưởng có khuyến cáo gì với nông dân?
Bây giờ sản xuất nông sản Việt Nam đã tham gia rất sâu rộng trên thị trường thế giới. Vì thế, sản xuất dứt khoát phải có liên kết chặt chẽ chứ không để rời rạc. Nếu sản xuất rời rạc, cái gì cũng có nhưng bán rất rẻ, không ai mua, hiệu quả rất kém. Do đó, đầu tiên phải liên kết. Tùy từng vùng có thể theo thôn, xã, liên xã để hình thành vùng tập trung, tùy từng đối tượng sản xuất.
Thứ hai phải ứng dụng khoa học kỹ thuật thật tốt trong tất cả các khâu. Cơ quan quản lý, doanh nghiệp, các nhà khoa học cùng vào cuộc hướng dẫn các khâu về giống, quy trình sản xuất từ đầu vào đến đầu ra phải áp dụng khoa học công nghệ để đạt năng suất cao nhất, tiết kiệm nhất, giúp giá thành hạ, nhưng phải sạch, chất lượng. Có như vậy mới ra nguyên liệu tốt.
Khi ra nguyên liệu tốt thì phải liên kết chặt chẽ với cơ sở chế biến, hợp tác xã, doanh nghiệp, thậm chí hộ gia đình sản xuất lớn để tận dụng hết nguyên liệu đó đưa vào chế biến, tạo ra giá trị gia tăng cao. Căn cứ tín hiệu thị trường để có nhu cầu, quy mô sản xuất phù hợp, tránh tình trạng cứ được mùa mất giá, khi được giá lại không có hàng để bán.
“Buôn có bạn, bán có phường”, sản xuất là phải hợp tác cùng nhau. Nếu từng hộ sản xuất thì hiệu quả không bao giờ cao và chắc chắn nguy cơ rủi ro về thị trường về giá sẽ cao. Chính vì thế khuyến cáo bà con là sản xuất tập trung, sản xuất liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ thì sẽ đảm bảo được mùa nhưng được giá và đời sống ngày càng đổi mới.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Theo Báo tin tức