Đất nông nghiệp bỏ hoang - Bài 1: Những cánh đồng nằm sâu dưới đất đá

.

Hàng trăm dự án, hàng chục điểm khai thác mỏ khoáng sản trên địa bàn huyện Hòa Vang diễn ra hơn chục năm nay gây hệ lụy không nhỏ cho người dân. Hàng trăm hecta đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng dẫn tới hoang hóa do bị bồi lấp ruộng đồng, bồi lấp hệ thống tưới, tiêu nội đồng. Mặc dù thành phố đã hỗ trợ phần diện tích bị ảnh hưởng hằng năm nhưng quá trình chuyển đổi ngành nghề để giải bài toán mưu sinh cho người nông dân mất đất vô cùng khó khăn.

Cánh đồng Hố Trâu, Hố Bạc, thôn Phước Thuận - Phước Hậu, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang một ngày cuối xuân vẫn xanh ngắt nhưng là màu xanh của cỏ lá, của những cây mọc hoang dại. Lấp ló giữa miền xanh cỏ ấy là những bãi trâu nẹp với bùn đen bạc màu. Cả hai xứ đồng này ước khoảng 7 hecta, bị bồi lấp hoàn toàn; có nơi đất đá đè lên ruộng đồng xưa sâu cả mét.

Cánh đồng Thung ở thôn Phước Thuận - Phước Hậu (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) gần 10 hecta đã chết hơn 10 năm, người dân hiện không còn được nhận tiền hỗ trợ vụ mùa. Ảnh: TRỌNG HUY
Cánh đồng Thung ở thôn Phước Thuận - Phước Hậu (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) gần 10 hecta đã chết hơn 10 năm, người dân hiện không còn được nhận tiền hỗ trợ vụ mùa.

Đồng xưa đã chết

Ông Võ Trung (66 tuổi, ở thôn Phước Thuận - Phước Hậu) một đời chỉ biết làm nông. Cách đây hơn chục năm, hơn sào lúa tại cánh đồng Hố Trâu của ông bị doanh nghiệp “bức tử” vì đất đá mỗi mùa mưa đổ ào về lấp hết mương thoát nước. Mùa khô, bụi đá phủ lên cây lúa. Ông Trung được nhận bồi thường, gọi là “hỗ trợ” các hộ có đất sản xuất bị ảnh hưởng tại khu đồng Hố Trâu.

Ông Trung còn mấy thước đất trồng lúa bên xứ đồng Hố Bạc nhưng chỉ ít lâu sau, một doanh nghiệp khác được cấp phép khai thác khoáng sản cũng “bức tử” cánh đồng này. Ông Trung hết đất. Hằng năm, gia đình ông nhận tiền “hỗ trợ” của các chủ mỏ khai thác từ mấy trăm ngàn đồng nay tăng lên 1,2 triệu đồng/sào/năm.

Ông Trung tuổi đã cao, không ai thuê làm bảo vệ, công nhân; làm phụ hồ thì ông không còn đủ sức. Vườn nhà ông cũng không đủ rộng để có thể cải tạo trồng cây ăn quả hay phát triển vườn hoa, cây cảnh; mà có muốn cũng không được vì nhà ông nằm trong cái rốn bụi của các mỏ đá, mỏ đất bao vây quanh.

Tương tự, bà Trần Thị Hóa (52 tuổi, ở tổ 3 thôn Phước Thuận - Phước Hậu) có 4 sào ở cánh đồng Thung rộng gần chục hecta, bỏ hoang hơn chục năm nay. Cũng từng được nhận tiền hỗ trợ như ông Trung nhưng bà Hóa và hàng chục hộ nông dân có đất hiện không còn nhận được tiền nữa vì đơn vị khai thác mỏ đã hết thời hạn khai thác và rời đi. Đây cũng là nỗi lo thường trực của ông Lê Văn Tuân, Trưởng thôn Phước Thuận - Phước Hậu và 197 hộ trong thôn.

“Cánh đồng Thung khoảng hơn 8ha, khi chủ đầu tư đến khai thác có hỗ trợ. Nhưng khi họ rời đi, tiền cũng “đi theo”. Hơn chục năm nay, ở thôn còn hơn 2 hecta đất bị ảnh hưởng, không sản xuất được, liên quan mấy đơn vị khai thác mỏ, nhưng kiến nghị hoài mà không được giải quyết. Chục hecta đất đang được hỗ trợ hiện nay, đến năm 2020-2022 hết hạn khai thác mỏ thì sẽ chung số phận với mấy hecta đang chết kia”, ông Tuân lo lắng.

Nhà ông Tuân có 5 sào ruộng đều nằm sâu dưới các lớp đất đá bồi từ phía núi trôi xuống mỗi mùa mưa về. Ông Tuân ngoài 50 tuổi nên vẫn có đơn vị thuê làm bảo vệ. Nhưng khi nhàn rỗi, ông lại ước có ít sào ruộng để có thể làm nông. “Làm nông, lúc nông nhàn vẫn có thể đi làm thêm việc khác để tăng thu nhập cho gia đình. Quan trọng là mình chủ động nguồn sống cho cả nhà”, ông Tuân chia sẻ.

Cả thôn Phước Thuận - Phước Hậu còn khoảng 17 hecta đang được người dân sản xuất nông nghiệp. Sau những cuộc “bức tử” ruộng đồng, đời sống người dân gặp không ít khó khăn.

“Hồi trước còn 4 sào ruộng, nuôi chục con heo. Đến kỳ xuất chuồng kiếm chục triệu đồng lo cho con ăn học. Giờ thì có còn đâu. Trăm thứ phải lo, mà tiền hỗ trợ không còn”, bà Hóa than thở.

Vận động người dân tích cực sản xuất

Trên địa bàn xã Hòa Nhơn, không chỉ thôn Phước Thuận - Phước Hậu có đất nông nghiệp bị bỏ hoang, mà nhiều thôn khác cũng rơi vào tình cảnh này do việc khai thác mỏ, triển khai các dự án làm đường, tái định cư…

Ông Trần Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho biết, từ năm 2010 đến nay, toàn xã có 50 hecta đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi dự án triển khai và khai thác mỏ, không thể sản xuất được; 18 xứ đồng tại 9 thôn bị ảnh hưởng, trong đó hơn 29 hecta đất nông nghiệp bị bồi lấp do việc khai thác mỏ đất, đá và 21 hecta do triển khai dự án. Tuy có sự hỗ trợ tiền cho diện tích không sản xuất được hằng năm nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời.

“Có nhiều ý kiến về cải tạo các cánh đồng ở Phước Thuận - Phước Hậu để làm nông nhưng cứ vào mùa mưa, đất, đá trên núi lại tràn xuống theo dòng nước mưa, lấp hết kênh mương, ruộng đồng thì không có cách gì cải tạo được. Vì vậy, đây là giải pháp không khả thi, ngoại trừ dừng hẳn hoạt động khai thác mỏ trong khu vực này. Nhìn các cánh đồng từ Phước Thuận - Phước Hậu, Hòa Khương Đông, Hòa Khương Tây sau mỗi mùa mưa, đồng ruộng đỏ au màu đất bồi, không còn nhận ra đâu là ruộng, đâu là mương nước”, ông Thu trăn trở.  

Sau các mỏ đá “sống” là những cánh đồng “chết” ở thôn Phước Thuận - Phước Hậu, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang.
Sau các mỏ đá “sống” là những cánh đồng “chết” ở thôn Phước Thuận - Phước Hậu, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang.

Ông Thu cũng cho biết, hiện đang tiến hành cải tạo hệ thống tưới tiêu ở cánh đồng xứ đồng Trại, đồng Rộc thuộc thôn Phú Hòa 1 để có thể phục vụ sản xuất cho hơn 3 hecta bị bỏ hoang lâu nay do dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi gây ra.

“Dự kiến sẽ đưa vào sản xuất trước vụ hè thu năm nay, nhưng chúng tôi yêu cầu ngoài việc bảo đảm chất lượng cải tạo, còn phải đúng tiến độ trước vụ mùa 3 tuần để có thể kịp công tác chuẩn bị vào vụ”, ông Thu nói.

Bây giờ, vào các vụ mùa, cán bộ UBND xã Hòa Nhơn, các ban điều hành nhân dân thôn thường xuyên vận động người dân tích cực lao động sản xuất, có những vướng mắc nào sẽ được lập tức khắc phục trong điều kiện có thể.

“Đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Từng mét đất bây giờ quý lắm, nhưng người dân cũng không còn mặn mà với việc làm nông. Giờ làm nông đa số được cơ giới hóa nên cũng giảm sức lao động đáng kể”, ông Thu chia sẻ.

Trên địa bàn 11 xã ở huyện Hòa Vang đều có diện tích đất nông nghiệp không sản xuất được, hoặc chỉ sản xuất 1 vụ. Theo ông Nguyễn Tài, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, hầu hết diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng do triển khai dự án và khai thác mỏ đều nhận được hỗ trợ vụ mùa hằng năm.

Hơn 500 hecta đất nông nghiệp bị ảnh hưởng

11 xã ở huyện Hòa Vang đều có diện tích đất nông nghiệp không sản xuất được, hoặc chỉ sản xuất 1 vụ. Theo thống kê của UBND huyện Hòa Vang, tổng diện tích đất nông nghiệp không sản xuất, đất màu, đất không chủ động nguồn nước trên địa bàn là 537,4 hecta. Trong đó, 126,13 hecta ảnh hưởng bởi dự án (101,69 hecta không có khả năng chuyển đổi; 24,44 hecta có khả năng chuyển đổi). Diện tích đất ảnh hưởng bởi khai thác khoáng sản là 37,04 hecta, do hoang hóa khác là 28,29ha. Đất sản xuất 1 vụ, đất màu, không chủ động nước là 345,97 hecta.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.