Tạo sự hài lòng cho khách du lịch

.

7 năm trở lại đây, thị trường khách nội địa là thị trường trọng điểm hàng đầu của ngành du lịch Đà Nẵng. Để duy trì sự phát triển của thị trường này, ngoài việc cải thiện mức độ hài lòng của du khách trong nước, Sở Du lịch sẽ triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, đề án trong giai đoạn 2019-2021.

Khách du lịch trong nước tham quan, mua sắm tại chợ đêm Sơn Trà (quận Sơn Trà).
Khách du lịch trong nước tham quan, mua sắm tại chợ đêm Sơn Trà (quận Sơn Trà).

Theo số liệu của Sở Du lịch cho thấy, lượng khách du lịch trong nước đến Đà Nẵng trong những năm gần đây tăng liên tục. Năm 2018, có hơn 4,7 triệu lượt khách nội địa đến thành phố. Dự kiến trong năm 2019, con số này sẽ tăng lên thành 5 triệu lượt, đến năm 2020 sẽ là 5,3 triệu lượt. Đà Nẵng được nhiều du khách xem là một điểm đến hấp dẫn, có thể đến tham quan, nghỉ dưỡng không chỉ 1 lần. Căn cứ số liệu thống kê và kết quả khảo sát nghiên cứu trên 1.000 khách du lịch nội địa đến Đà Nẵng do Sở Du lịch và Trường Đại học Duy Tân triển khai, trên 70% du khách đã đến Đà Nẵng nhiều hơn 1 lần. Nhiều du khách ở độ tuổi 25-55 chọn Đà Nẵng để quay trở lại.

Bên cạnh đó, mức điểm trung bình đo độ hài lòng chung của du khách sau khi đến Đà Nẵng đạt 4,35/5 điểm, trong đó có tới gần 83% du khách đánh giá trên 4 điểm. Khách nội địa rất hài lòng về các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải, tuy nhiên, qua khảo sát trực tiếp khách trong nước, Sở Du lịch cho biết, có hơn 26% khách đánh giá không cao vấn đề giao thông tại Đà Nẵng.

Cụ thể, một số nơi như khu vực biển Mỹ Khê thường xảy ra ùn tắc, gây khó khăn cho việc đi lại. Trên các tuyến đường ven biển Võ Nguyên Giáp, Trường Sa, du khách cũng vất vả mới có thể đi bộ băng qua đường. Ngoài ra, việc vệ sinh tại một số điểm tham quan chưa bảo đảm, số lượng nhà vệ sinh công cộng còn ít...

Lãnh đạo Sở Du lịch cho biết, trong thời gian tới, ngành du lịch thành phố sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng phục vụ khách nội địa; trong đó, chú trọng bảo đảm môi trường du lịch. Thành phố sẽ tăng cường thu gom rác thải, lắp đặt thêm các nhà vệ sinh công cộng và nhà vệ sinh di động. Tại các điểm tham quan như đỉnh đèo Hải Vân, Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Nhà hát Trưng Vương, sẽ giải quyết triệt để nạn ăn xin trá hình, bán hàng rong, xích lô, xe thồ lôi kéo, quấy rầy khách.

Thực tế hiện nay, Đà Nẵng đang phải cạnh tranh với rất nhiều điểm đến mới nổi trên cả nước như Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn, Phú Yên. Ngoài ra, chi phí du lịch nước ngoài như Thái Lan, Malaysia, Singapore và Hàn Quốc rẻ hơn so với du lịch trong nước nên người dân Việt Nam đã chuyển dần xu hướng du lịch nước ngoài vào các dịp lễ. Trước tình hình này, ngành du lịch thành phố sẽ triển khai các giải pháp xúc tiến thị trường nội địa. Đối với khu vực miền Trung - Tây Nguyên, ngành du lịch tiếp tục phát huy hiệu quả liên kết du lịch Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam bằng những ưu đãi đặc biệt cho du khách đến từ 2 địa phương này; tăng cường trao đổi hợp tác với các tỉnh Tây Nguyên thông qua các chương trình du lịch tìm hiểu, du lịch trải nghiệm...

Đối với thị trường miền Bắc và miền Nam, Đà Nẵng sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng quảng bá du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch M.I.C.E (du lịch kết hợp hội nghị, sự kiện...); đồng thời tăng cường quảng bá các tin tức, sự kiện du lịch của thành phố qua các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội.

Để tạo động lực cho khách du lịch ở hai khu vực này đến Đà Nẵng, thành phố sẽ tiếp tục phối hợp giữa hãng hàng không và các khách sạn 3-5 sao triển khai gói khuyến mãi gồm vé máy bay và khách sạn với mức giá hấp dẫn đặc biệt và mùa thấp điểm. Đà Nẵng cũng sẽ liên kết với Huế, Quảng Nam tạo các chương trình quảng bá chung, đưa ra các sản phẩm và hỗ trợ doanh nghiệp chào bán ra thị trường.

Trong giai đoạn 2019-2021, du lịch Đà Nẵng sẽ ưu tiên công tác bảo tồn, tôn tạo thiên nhiên và tạo ra các sản phẩm du lịch bền vững. Thành phố cũng sẽ tập trung phát triển du lịch văn hóa, trong đó tăng cường truyền thông sâu, cảm xúc đối với các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử sẵn có như: công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn, thành Điện Hải, chùa Linh Ứng...; bảo tồn và khai thác các làng nghề truyền thống như nước mắm Nam Ô, điêu khắc đá Non Nước, dệt chiếu Cẩm Nê, đan rổ Yến Nê...

Bài và ảnh: PHONG LAN

;
;
.
.
.
.
.