Về loạt bài 'Nước mắm Nam Ô: Giữ hồn cốt, phát triển thương hiệu'

Bảo tồn và phát triển làng nghề nước mắm Nam Ô

.

Sau khi Báo Đà Nẵng đăng loạt bài 4 kỳ “Nước mắm Nam Ô: Giữ hồn cốt, phát triển thương hiệu” (số ra ngày 21, 22, 23 và 25-3), Báo Đà Nẵng đã nhận được nhiều ý kiến góp ý, đề xuất trong việc phát triển làng nghề nước mắm Nam Ô thành sản phẩm du lịch.

Nên quy hoạch làng nghề, có khu trưng bày cách làm nước mắm để khách tham quan. TRONG ẢNH: Du khách tham quan và chụp ảnh lưu niệm tại Công ty TNHH  Hồng Hương.
Nên quy hoạch làng nghề, có khu trưng bày cách làm nước mắm để khách tham quan. TRONG ẢNH: Du khách tham quan và chụp ảnh lưu niệm tại Công ty TNHH Hồng Hương.

* Ông Huỳnh Đức Trung, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch: Gắn phát triển làng nghề với du lịch

Làng nước mắm Nam Ô là một trong số ít làng nghề truyền thống còn lại trên địa bàn Đà Nẵng, vì thế việc bảo tồn là rất cần thiết. Để làng nghề phát triển bền vững và hiệu quả, theo tôi, nên gắn phát triển làng nghề với phát triển du lịch. Khi đó, thành phố vừa có thể khai thác, phát triển du lịch phía tây bắc vừa phát triển được sản phẩm truyền thống của địa phương.

Trong tương lai, để có thể thu hút và phục vụ khách du lịch, Sở Du lịch sẽ tổ chức các khóa tập huấn nâng cao kỹ năng phục vụ du khách cho các hộ dân trong làng nghề.

* Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng: Nên quy hoạch làng nghề bài bản

Một thành phố du lịch rất cần những làng nghề truyền thống như làng nghề nước mắm Nam Ô. Đây sẽ là sản phẩm du lịch quá tốt nếu được triển khai, quy hoạch bài bản. Để trở thành điểm đến và người dân sống được nghề thì chính quyền địa phương cần quy hoạch cảnh quan, có bãi đậu đỗ xe, điểm cho khách tham quan quá trình làm nghề, có người thuyết minh, điểm trưng bày, bán sản phẩm.

* Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng: Nâng tầm giá trị sản phẩm

Làng nghề nước mắm Nam Ô có từ lâu đời, dù qua nhiều thăng trầm nhưng người dân vẫn giữ nghề truyền thống. Bảo tàng Đà Nẵng đang nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ để đưa làng nghề nước mắm Nam Ô vào danh mục “Làng nghề truyền thống phi vật thể”. Nếu được công nhận, làng nghề nước mắm Nam Ô sẽ được nâng tầm bởi gắn với các giá trị văn hóa, lịch sử địa phương.

Việc chung tay bảo tồn, định hướng phát triển sẽ giúp thương hiệu nước mắm Nam Ô đến gần hơn với người tiêu dùng cũng như giúp cho sản phẩm đứng vững trên thị trường không chỉ trong nước mà còn vươn ra thế giới. Người dân của làng nghề cũng thuận lợi hơn trong việc giữ gìn nghề truyền thống.

* Nghiên cứu sinh, thạc sĩ Hồ Nguyên Khoa, Khoa Quản trị-Kinh doanh, Trường Đại học Duy Tân: Cần thống nhất cho ra sản phẩm chất lượng cao

Để bảo tồn và phát triển thương hiệu nước mắm Nam Ô, Hội Làng nghề cần thống nhất để sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, việc thiết kế bao bì, nhãn dán cần chuyên nghiệp, gọn nhẹ, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Về lâu dài, cần quảng bá sản phẩm rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, bởi lẽ trong thời đại công nghệ số, truyền thông là công cụ tiếp cận khách hàng hữu hiệu nhất.

Nước mắm Nam Ô nếu làm tốt khâu quảng bá sẽ có chỗ đứng trước tiên là ngay tại thị trường trong nước, xa hơn là thị trường nước ngoài – đặc biệt những quốc gia có đông đảo kiều bào Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động. Khi ấy không chỉ giá trị kinh tế tăng lên mà giá trị về văn hóa, đặc sản của Việt Nam cũng được nhiều nước biết đến.

* Ông Trần Trà, Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng: Cần biên soạn tài liệu giới thiệu làng nghề nước mắm Nam Ô

Tôi ủng hộ việc phát triển làng nghề nước mắm Nam Ô thành sản phẩm du lịch; bởi lẽ, việc này sẽ tăng giá trị văn hóa của sản phẩm và mang lại lợi ích cho cộng đồng. Trong thời gian tới, tôi mong rằng, Sở Du lịch kết hợp với các sở, ban, ngành khảo sát thực tế, sau đó biên soạn tài liệu giới thiệu về làng nghề nước mắm Nam Ô. Các cơ quan báo chí cũng cần tuyên truyền nhiều hơn nữa để làng nghề có thể phát triển thành sản phẩm du lịch trong tương lai.

THU HÀ – MAI QUẾ (ghi)
 

;
;
.
.
.
.
.