Doanh nhân Việt: Làm sao để lớn mạnh?

.

Đây là câu hỏi của nhiều thế hệ doanh nhân Việt Nam trên chặng đường hơn 30 năm đất nước “mở cửa” và phát triển. Báo Đà Nẵng ghi lại những ý kiến tâm huyết về sự trăn trở này từ các doanh nhân có nhiều kinh nghiệm thành công lẫn thất bại trên thương trường.

Làm sao để doanh nghiệp phát triển và vươn xa, lớn mạnh là câu hỏi vẫn được đặt ra cho cộng đồng doanh nhân Việt.
Làm sao để doanh nghiệp phát triển và vươn xa, lớn mạnh là câu hỏi vẫn được đặt ra cho cộng đồng doanh nhân Việt.

* Ông Nguyễn Đức Tài, Tổng Giám đốc Công ty CP Thế giới di động: Khó khăn nào cũng có cách giải quyết

Trên con đường xây dựng và phát triển doanh nghiệp (DN), dù thử thách và khó khăn chắc chắn rất nhiều, nhưng phải tin rằng, khó khăn nào cũng có cách giải quyết. Để khởi nghiệp thành công, cần có quá trình tích lũy kiến thức, tài chính và sự kiên trì.

Tôi từng chịu thất bại qua 3 lần mở cửa hàng kinh doanh, đến lần thứ 4 mới tìm ra được hướng đi phù hợp cho mình. Ở giai đoạn mới khởi nghiệp, nguồn lợi nhuận ban đầu đóng vai trò rất quan trọng, không quan trọng ít hay nhiều nhưng đem lại niềm tin cho bạn để tiếp tục phát triển.

Về kinh nghiệm quản lý DN, khi đã mở rộng quy mô, đây là lúc giải quyết bài toán quản trị bằng hệ thống thông tin liên lạc nội bộ và điều hành đội ngũ quản lý hiệu quả. Phải quý trọng người lao động, bởi lẽ mình quý điều gì thì điều đó sẽ ở lại với mình. Phải nghĩ rằng, nhân viên gắn bó với DN 10-15 năm mà lương không mua nổi chiếc xe máy đi làm thì chủ DN phải tự cảm thấy xấu hổ.

Cái “bẫy” DN thường gặp là cho rằng chỉ cần xây dựng một hệ thống quản trị chặt chẽ thì DN phát triển mà không quan tâm đến thái độ, cách hành xử của đội ngũ nhân viên. Đỉnh cao của quản trị là xây dựng được một đội ngũ quản trị, nhân lực hoạt động tốt dù lãnh đạo có mặt ở công ty hay không.

Về vấn đề giữ chân nhân tài, với những nhân viên vì thu nhập mà “nhảy cóc” thì chủ DN không cần giữ; còn với người đã gắn bó lâu hơn thì cần quan tâm tăng thu nhập để họ cảm nhận được niềm vui và niềm tin từ môi trường làm việc.

* Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư U&I (Unigroup): Mạnh dạn áp dụng mô hình phát triển mới để vươn xa hơn

Một doanh nhân có 4 vấn đề đặt ra để giải quyết hằng ngày đó là: chiến lược, vốn, nhân sự và cách thực thi chiến lược đó. Lý do chính DN Việt Nam thường thất bại và không thể lớn mạnh là mặc dù đã vạch ra được chiến lược phát triển tốt nhưng khi đi vào thực thi thì không hiệu quả do chọn giải pháp không hợp lý.

Bên cạnh đó, khi đã có nền tảng phát triển ổn định, họ lại thường có tâm lý cầm chừng, không dám mạnh dạn thay đổi sang một mô hình, cách làm mới, sáng tạo hơn để bứt phá.

Để DN phát triển, ngoài thay đổi những hạn chế trên, doanh nhân, người làm chủ cần xây dựng được đội ngũ nhân sự phù hợp, cùng lý tưởng và sẵn sàng gắn bó lâu dài để hướng đến tương lai xa hơn. Doanh nhân phải không ngừng học tập và việc học tập còn dành cho tất cả người lao động trong công ty, tập đoàn.

Nền quản trị bền vững nhất phải trên tinh thần yêu thương và chia sẻ. Và các doanh nhân thành công đi trước nên ý thức trách nhiệm của mình trong việc dấn thân và nỗ lực không ngừng để giữ gìn những thương hiệu Việt, vì một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho DN Việt Nam.

* Ông Trần Bằng Việt, Tổng Giám đốc Đông Á Solution: Rào cản từ hội chứng “con gà có trước hay quả trứng có trước”

Có thể nói, một trong những nguyên nhân khiến DN Việt Nam, nhất là DN khởi nghiệp, DN nhỏ và vừa ở nước ta khó vươn tầm là bởi lo ngại vấn đề “con gà có trước hay quả trứng có trước” trong việc đầu tư kinh doanh. Tức là nhiều DN còn e dè mạnh dạn đầu tư vì không chắc lợi nhuận thu được có thỏa đáng với sự đầu tư đó hay không.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu trầm trọng lực lượng đội ngũ quản lý có trình độ chuyên môn và ngoại ngữ; sự thiếu gắn bó, ổn định của đội ngũ lao động và khách hàng cũng chính là rào cản lớn để DN vươn ra biển lớn.

DN Việt Nam muốn lớn mạnh bền vững phải phát triển về chất và lượng, trong đó có các vấn đề với những mức độ khác nhau cho từng DN trên từng lĩnh vực cần tập trung làm tốt bao gồm: đội ngũ lao động, chiến lược phát triển, cách chia sẻ lợi ích với người lao động và xây dựng đội ngũ truyền thông hợp lý.

KHÁNH HÒA (ghi)

;
;
.
.
.
.
.