Nghề làm việc tự do

.

“Freelance” (tạm dịch: “làm việc tự do”) không còn là một khái niệm xa lạ. Những người làm việc theo phong cách này thường được “free” (tự do) trong việc chọn địa điểm làm việc, dự án, khách hàng hay… “sếp”. Đổi lại, họ phải có tính kỷ luật cao, biết tự quảng bá bản thân và phải luôn mài giũa kỹ năng - tức “cần câu cơm” của chính mình.

Muốn trở thành những người làm việc tự do chuyên nghiệp, cần liên tục cải thiện kỹ năng, có tinh thần làm việc nghiêm túc. Trong ảnh: Nhóm bạn trẻ DNE Media thực hiện dự án quay phim cho khách hàng.                                                   Ảnh: NVCC
Muốn trở thành những người làm việc tự do chuyên nghiệp, cần liên tục cải thiện kỹ năng, có tinh thần làm việc nghiêm túc. Trong ảnh: Nhóm bạn trẻ DNE Media thực hiện dự án quay phim cho khách hàng. Ảnh: NVCC

Dự định tổ chức đám cưới vào cuối năm nên ngay từ đầu tháng 4 này, chị Nguyễn Kim Hiếu (SN 1993, trú quận Liên Chiểu) đã tìm hiểu các studio chụp ảnh cưới. Được bạn bè tư vấn, chị tìm đến trang Facebook của một nhiếp ảnh gia trẻ và thích thú trước những album cưới mà người này từng thực hiện. Sau một hồi nhắn tin qua Facebook, chị Hiếu quyết định chọn nhiếp ảnh gia trên cho bộ ảnh cưới của mình. Hai bên hẹn gặp nhau trao đổi chi tiết về thời gian, phong cách, chi phí cho buổi chụp.

Hiện nay, không khó tìm các nhiếp ảnh gia làm việc tự do, quảng bá thương hiệu cá nhân thông qua các nền tảng trực tuyến (mạng xã hội, trang web, diễn đàn nhiếp ảnh...) như vậy. Họ là những freelancer, thường chỉ ký kết hợp đồng với khách hàng qua từng dự án thay vì hợp đồng làm việc lâu dài. Không chỉ trong lĩnh vực nhiếp ảnh, các freelancer đã có mặt ở rất nhiều ngành nghề, từ viết lách, dịch thuật, lập trình cho đến thiết kế, tư vấn, đồ họa…

Trên blog của mình, anh Dipesh Garg (Ấn Độ), người sáng lập nền tảng kết nối các freelancer với khách hàng chia sẻ 3 lợi ích lớn nhất khiến phong cách làm việc tự do ngày càng thu hút là: sự tự do trong việc lựa chọn khách hàng và dự án; sự linh hoạt về địa điểm làm việc và khả năng có được thu nhập tốt. Đơn cử như trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chỉ cần dạo qua những sàn việc làm freelance lớn trên thế giới như: freelance.com, upwork.com, odeskwork.com…, không khó tìm thấy các lập trình viên Việt Nam tự giới thiệu kỹ năng và thành tích của bản thân, tự đề nghị mức lương.

Trong bối cảnh bùng nổ outsourcing (tạm dịch: thuê ngoài) và chuyên môn hóa, các lập trình viên Việt Nam rất dễ nhận được dự án từ các nước phát triển với mức lương tương đối (phần lớn trong khoảng 10-30 USD mỗi giờ). Nếu so sánh với lương trung bình của các lập trình viên ở Đà Nẵng (khoảng 10-15 triệu đồng/tháng) thì thu nhập từ công việc freelance cao hơn.

Tuy nhiên, thu nhập của các freelancer chủ yếu đến từ các dự án, nếu không nhận được dự án thì... thiếu tiền. Chính vì vậy, làm việc tự do không có nghĩa thích thì làm, thích thì nghỉ. Trái lại, họ phải có chiến lược tìm dự án, có kỷ luật bản thân và kế hoạch tài chính cụ thể.

Chị Vương Thanh Hà (SN 1990, trú Hà Nội) hiện làm nghề phiên dịch tự do cho các dự án, sự kiện trên khắp cả nước chia sẻ: “Bất kỳ ai cũng có thể làm công việc tự do, nhưng không phải ai cũng có thể trở thành người làm việc tự do chuyên nghiệp”. Theo chị Hà, để theo đuổi phong cách làm việc tự do một cách nghiêm túc, tạo ra giá trị cho bản thân và xã hội, cần chú trọng hai chữ “pro” là “proactive” (chủ động) và “professional” (chuyên nghiệp).

Đối với yếu tố “chủ động”, chị Hà giải thích: “Freelancer là những người bán kỹ năng của mình cho khách hàng, vì vậy, điều quan trọng nhất là phải thể hiện được khả năng, thế mạnh của bạn cho khách hàng thấy”.

Các freelancer không thể ngồi chờ khách hàng tự tìm đến mình mà phải chủ động xây dựng hồ sơ năng lực, tiếp cận khách hàng (thông qua các mối quan hệ, các nhóm cộng đồng freelancer, các nền tảng kết nối trực tuyến...). Nói rộng ra, freelancer có quyền chủ động thiết kế sự nghiệp của mình, lựa chọn những lĩnh vực, kỹ năng mà mình có thế mạnh để phát triển, chủ động thảo luận các điều khoản hợp đồng với khách hàng.

Đối với yếu tố “chuyên nghiệp”, chị Hà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo dựng và mở rộng mạng lưới các mối quan hệ. Đây là một lời khuyên phổ biến của các freelancer lâu năm trong mọi lĩnh vực. Để có được sự tín nhiệm từ khách hàng cũ cũng như các mối quan hệ tốt, freelancer phải xây dựng được chữ “tín” dựa trên chất lượng sản phẩm và phong cách làm việc.

Chị Vương Thanh Hà chia sẻ thêm, chị luôn làm hết khả năng của mình trong mọi dự án chị nhận, xem đó như là “dự án cuối cùng” của mình. Bởi lẽ, xây dựng danh tiếng thì khó, nhưng phá hủy nó thì chỉ cần bằng một lần đi phiên dịch không tập trung, không hiệu quả.

PHONG LAN

;
;
.
.
.
.
.