Từ 'tàu mẹ', 'tàu con' đến các đội tàu đánh bắt vùng biển xa

.

Ngành thủy sản luôn giữ vai trò rất quan trọng và có tính truyền thống của thành phố. Nghề khai thác hải sản đã chuyển dịch từ quy mô nhỏ, thủ công, ven bờ đến khai thác vùng lộng với một đội tàu mẹ - tàu con rồi di chuyển ngư trường trọng điểm Tây Nam Bộ và tiến đến hình thành các đội tàu đánh bắt xa bờ và vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, phía đông Hoàng Sa.

Đà Nẵng đang dần trở thành trung tâm nghề cá lớn của khu vực miền Trung. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Đà Nẵng đang dần trở thành trung tâm nghề cá lớn của khu vực miền Trung. 

Sau khi đất nước thống nhất, ngành khai thác hải sản của Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung mang tính chất nghề cá quy mô nhỏ, thủ công. Ngư dân làm nghề đánh bắt hải sản theo kinh nghiệm cha truyền, con nối và đánh bắt ven bờ.

Những năm đầu mới giải phóng, số lượng tàu cá có công suất dưới 45 CV chiếm đến 95%, công suất tàu bình quân chỉ 15 CV/chiếc. Hầu hết các tàu cá đều thô sơ, chỉ có máy động lực chính và vỏ thuyền, không có thiết bị hỗ trợ khai thác và hàng hải.

Năm 1977, Xí nghiệp Quốc doanh khai thác thủy sản tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng được thành lập với khoảng 10 chiếc tàu vỏ gỗ với máy chính có công suất dưới 82 CV và gần 100 lao động trực tiếp và gián tiếp. Xí nghiệp có nhiệm vụ khai thác và cung cấp hải sản làm thực phẩm cho các đơn vị lực lượng vũ trang, nhà máy, trường học chuyên nghiệp, cơ quan Nhà nước và nhân dân; đồng thời cung cấp hải sản nguyên liệu cho Xí nghiệp Nước mắm Nam Thọ, cung cấp hải sản xuất khẩu cho Xí nghiệp Đông lạnh 14 và hải sản khô cho các công ty…

Nhằm nâng cao năng lực sản xuất với quyết tâm khai thác nhiều hải sản hơn nữa, năm 1985, xí nghiệp triển khai dự án Tổ hợp tàu mẹ và đội tàu vệ tinh khai thác xa bờ. Theo đó, có 1 tàu mẹ vỏ sắt, công suất 1.000 CV, trọng tải 300 tấn, trang bị một dây chuyền đông lạnh và có máy sản xuất nước đá, máy sản xuất nước ngọt từ nước biển.

Tàu mẹ cung ứng dịch vụ hậu cần, thu gom, chế biến, cấp đông hải sản và vận chuyển sản phẩm vào bờ. Đội tàu vệ tinh gồm 50 chiếc tàu vỏ gỗ với công suất 74 CV được đóng tại các xưởng đóng tàu tại Đà Nẵng và được trang bị ngư lưới cụ, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng hành nghề khai thác hải sản dài ngày trên biển. Đội tàu vệ tinh có nhiệm vụ bám ngư trường khai thác hải sản dài ngày, nhập sản phẩm cho tàu mẹ và được tàu mẹ cung ứng dịch vụ cần thiết để bám biển khai thác…

“Tuy nhiên, do một số nguyên nhân, dự án này mới chỉ thực hiện được một phần. Sau đó, tàu mẹ phải chuyển qua kinh doanh vận tải xuất khẩu hàng đông lạnh, còn đội tàu vệ tinh tổ chức thành đoàn tàu khai thác với nghề chính là giã cào theo mùa vụ, phụ thuộc vào thời tiết. Trước thực tế này, phương án khai thác được điều chỉnh bằng cách di chuyển ngư trường, đưa đoàn tàu vào ngư trường miền Nam khai thác. Số tàu đóng mới và một số tàu cũ nhưng máy móc hoạt động ổn định được biên chế thành đoàn tàu di chuyển vào khai thác ở ngư trường Phan Thiết, Vũng Tàu, Kiên Giang, Cà Mau… trong những tháng biển động, số tàu còn lại khai thác ở ngư trường Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế. Nhờ vậy, sản lượng khai thác tăng lên đến 15.000 tấn/năm so với trước đó không vượt quá 5.000 tấn/năm. Tiếp đó, ngành đã mở rộng hợp tác với công ty của Đài Loan có 4 tàu vỏ sắt với công suất 1.000 - 1.500 CV/tàu. Nhờ đó, những năm cuối thập niên 80 được xem là hoàng kim của xí nghiệp”, ông Trần Công Dũng, một cán bộ của Xí nghiệp Quốc doanh khai thác thủy sản tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng kể lại.

Những năm 90, do chuyển đổi sang cơ chế thị trường, các nguồn lực hạn chế, việc phát triển tàu khai thác có công suất lớn rất khó khăn. Đến năm 1997, sau khi thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, thành phố đã có chủ trương xây dựng ngành thủy sản trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, trở thành một trung tâm thủy sản của khu vực duyên hải miền Trung.

Cũng trong năm 1997, Chính phủ triển khai chương trình phát triển khai thác hải sản xa bờ (Chương trình 393) tạo cú hích lớn để ngư dân đồng loạt phát triển vươn khơi. Trong 3 năm triển khai chương trình (1997-1999), ngư dân Đà Nẵng đã đóng mới 48 tàu cá có công suất 90-250CV/tàu và trang bị đồng bộ các loại máy móc, thiết bị để khai thác hải sản và thiết bị hàng hải.

Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) thành phố cho hay, có thể nói, đây là chương trình hợp lòng dân, tạo bước ngoặt quan trọng thúc đẩy khai thác hải sản xa bờ của Đà Nẵng phát triển. Đến năm 2012, trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm từ Chương trình 393, UBND thành phố đã ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá có công suất lớn từ 400CV trở lên để đẩy mạnh khai thác xa bờ và làm dịch vụ hậu cần nghề cá.

Đây được xem là chính sách đặc thù, tạo động lực cho ngư dân thành phố đầu tư tàu có công suất từ 400CV trở lên vươn khơi khai thác ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển xa. Đến nay, thành phố đã hỗ trợ 110 tỷ đồng cho ngư dân đóng mới 141 tàu cá. Nhiều ngư dân cũng đã mạnh dạn đầu tư mua, đóng mới và nâng cấp công suất tàu cá, nâng tổng số tàu thuyền có công suất từ 90 CV trở lên để khai thác xa bờ từ 152 chiếc vào năm 2010 lên 661 chiếc vào năm 2018. Đặc biệt, đội tàu cá có công suất hơn 400 CV hiện nay của thành phố là hơn 540 tàu.

Nhìn lại chặng đường phát triển và thành tựu của ngành khai thác hải sản thành phố Đà Nẵng từ sau ngày thống nhất đất nước đến nay, bên cạnh đánh giá cao về chính sách đặc thù của thành phố về hỗ trợ đóng mới tàu cá và đóng mới tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, nhiều cán bộ của ngành thủy sản đều xem mô hình tàu mẹ - tàu con của Xí nghiệp Quốc doanh khai thác thủy sản tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng là một bài học lớn, có giá trị và cần phải suy nghĩ trong giai đoạn hiện nay.

Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT thành phố cho rằng, mô hình tàu mẹ - tàu con là chuỗi liên kết khai thác - chế biến - xuất khẩu. Đây là mô hình sản xuất khép kín đầu tiên, ghi dấu tư duy quản lý khai thác theo chuỗi giá trị. Tuy mô hình này thực hiện chưa thành công thời bấy giờ do những điều kiện khách quan và chủ quan, nhưng đây là bài học lớn, có giá trị cho hôm nay.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.