Chuyển biến trong hành vi mua sắm của người dân

.

Năm 2009, lần đầu tiên thành phố Đà Nẵng triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Qua 10 năm thực hiện, cuộc vận động đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong người tiêu dùng cũng như các đơn vị sản xuất. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để hàng Việt thật sự có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Người dân đến tham quan và mua sắm tại Hội chợ triển lãm
Người dân đến tham quan và mua sắm tại Hội chợ triển lãm "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thành phố Đà Nẵng 2019. Ảnh: KHÁNH HÒA

Để làm rõ hơn nội dung này, Báo Đà Nẵng có cuộc phỏng vấn với ông Trần Việt Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Đà Nẵng.

* Thưa ông, qua 10 năm triển khai, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến nay đã đạt được những kết quả như thế nào?

- Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là chủ trương đúng đắn, nhận được sự đồng thuận cao và tích cực tham gia thực hiện của nhân dân và các doanh nghiệp. Qua 10 năm triển khai, cuộc vận động đã góp phần tạo nếp sống văn minh trong tiêu dùng hàng hóa với ý thức “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Trong 10 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp đã phối hợp phát hành 3.540 bộ tài liệu tuyên truyền, cung cấp thông tin về thực hiện cuộc vận động đến các Ban công tác Mặt trận, tổ dân phố, các chi hội đoàn thể và từng hộ gia đình; tổ chức hơn 35.072 buổi tuyên truyền, phát động ở khu dân cư.

Đặc biệt, các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp, chương trình nhận diện hàng Việt, hội chợ hàng Việt… thực hiện liên tục qua từng năm.
Các sản phẩm có xuất xứ Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng và quen dùng, như: sản phẩm dệt may, da giày, thực phẩm chế biến, rau quả và hàng gia dụng của Hòa Thọ, BQ, Visan, Tường An, mì ăn liền Acecook, Bitis, Vinatex, Hương Quế, các nhãn hàng riêng của Co.oopmart...

Các doanh nghiệp cũng ý thức hơn về vai trò, trách nhiệm đối với người tiêu dùng; chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng, cải tiến kỹ thuật để giảm giá thành, quảng bá thương hiệu, sản phẩm của mình. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động đưa hàng hóa về phục vụ các khu công nghiệp, khu dân cư, vùng nông thôn, tham gia tích cực các hội chợ triển lãm thương mại địa phương, vùng, miền; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến mở rộng thị trường nội địa và đã thu được nhiều kết quả khả quan, đáng ghi nhận.

Qua theo dõi, tại hầu hết các siêu thị lớn trên địa bàn thành phố như Big C, Intimex, Vinmax…, tỷ lệ hàng Việt Nam ở nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu như may mặc, công nghiệp chế biến, thực phẩm... chiếm tỷ lệ hơn 70%; đặc biệt, tỷ lệ hàng Việt ở một số siêu thị như Co.oopmart chiếm khoảng 90%...

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cuộc vận động, nhiều hạn chế đã được nhận diện. Đó là khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường của hàng trong nước còn thấp, sức cạnh tranh chưa cao; ngay những mặt hàng là thế mạnh của nước ta như nông sản, dệt may, da giày, đường ăn, hàng gia dụng… cũng chịu áp lực cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu, đặc biệt là hàng hóa của Trung Quốc. Nhiều nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất còn phụ thuộc vào giá nhập khẩu dẫn đến bị động khi xây dựng giá thành hoặc giá thành sản phẩm của hàng hóa Việt Nam cao hơn so với khu vực.

Bên cạnh đó, một số đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh vì lợi nhuận trước mắt tiếp tay cho hàng giả, hàng lậu, hàng nhái và hàng kém chất lượng... hoặc lợi dụng khuyến mại để tiêu thụ các mặt hàng tồn, hàng cũ, hàng sắp hết hạn sử dụng làm ảnh hưởng đến lợi ích, lòng tin của người tiêu dùng; từ đó làm giảm đi ý nghĩa thiết thực của cuộc vận động.

* Với xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng với một thị trường mở cửa, nước ta đón một lượng hàng hóa nhập khẩu rất lớn, đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ustralia... Vậy, trước sức ép cạnh tranh này thì ưu thế và phân khúc mặt hàng nào để hàng Việt nên đánh mạnh nhằm tạo lập được chỗ đứng vững chắc cho mình, thưa ông?

- Những mặt hàng lâu nay là thế mạnh của nước ta như nông sản, dệt may, da giày, hàng gia dụng, thực phẩm… vẫn sẽ là phân khúc quan trọng để hàng Việt khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Riêng tại Đà Nẵng, một số sản phẩm như hàng nông sản, hàng dệt may, thực phẩm sấy khô, hàng lưu niệm được làm từ nguyên liệu mây tre, đá… cũng đang được người tiêu dùng và du khách quan tâm, mua sắm. Tuy nhiên, đây cũng chính là các chủng loại hàng hóa đang đối mặt với sự cạnh tranh lớn với nguồn hàng nhập khẩu đến từ các quốc gia Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia…

Chính vì vậy, để tạo được chỗ đứng vững chắc cho hàng Việt trên thị trường, trước hết phải có sự phối hợp từ hai phía là nhà sản xuất và người tiêu dùng. Người tiêu dùng tiếp tục ủng hộ và ưu tiên dùng hàng Việt Nam nhằm phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước cần ý thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc không ngừng cải tiến kỹ thuật, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư xây dựng thương hiệu để tăng sức cạnh tranh nhằm khẳng định được vị thế trên thị trường.

Đồng thời, chính quyền các cấp phải phát huy được sự tích cực trong công tác chỉ đạo, tuyên truyền; tăng cường công tác quản lý thị trường, giá cả, đấu tranh ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, hàng kém chất lượng…; kiểm tra kiểm soát việc chấp hành về văn minh thương mại, giá, an toàn thực phẩm của các đơn vị sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh có yếu tố nước ngoài trên địa bàn thành phố.

* Đà Nẵng đang đẩy mạnh việc xây dựng và nhận diện những sản phẩm đặc trưng của thành phố. 10 năm qua, công tác tuyên truyền đã hướng người tiêu dùng biết đến và sử dụng các sản phẩm của địa phương hay chưa? Và kết quả như thế nào?

- Trong những năm gần đây, bên cạnh hàng Việt Nam nói chung, Mặt trận thành phố đã phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, hướng người tiêu dùng biết đến và sử dụng các sản phẩm của địa phương, như: bánh khô mè Bà Liễu, rau La Hường, nước mắm Nam Ô, nước mắm Phước Thái, nước mắm Văn Tranh, rau Vietgap của Hòa Vang, rau Vietgap của Ngũ Hành Sơn, lúa hữu cơ Hòa Tiến, nấm sạch An Hải Đông, sản phẩm mây tre An Khê, các sản phẩm dệt may Hòa Thọ, dệt may 29-3, giày dép BQ, các sản phầm làm từ quế của Công ty Hương Quế…

Các mặt hàng này thường xuyên được trưng bày tại các hội chợ, phiên chợ hàng Việt, hội chợ xuân, hội chợ hàng nông sản, ngày hội dân gian… trên địa bàn thành phố để giới thiệu, quảng bá đến người tiêu dùng. Nhiều quận, huyện, phường, xã thường xuyên tổ chức các hoạt động hái hoa dân chủ, hội thi tìm hiểu, nhận diện hàng Việt, tìm hiểu về các sản phẩm đặc trưng của thành phố. Một điều đáng mừng là hiện nay, người tiêu dùng thành phố đã quan tâm và hướng mục tiêu sử dụng đến hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ tại địa phương nhiều hơn hẳn.

* Cảm ơn ông!

Ông Phan Hải, Giám đốc Công ty TNHH Giày BQ: Chiếm lĩnh thị trường nội địa vẫn là trăn trở lớn

Hơn 10 năm kể từ ngày khởi nghiệp bằng cửa hàng đầu tiên tại Đà Nẵng, đến nay, Giày BQ với chuỗi 25 cửa hàng và 100 đại lý trên toàn quốc, tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hơn 1.000 lao động. Đặc biệt, 100% sản phẩm được sản xuất trong nước bởi người Việt, mang giá trị Việt lan tỏa mạnh mẽ tới cộng đồng.

Tuy nhiên, để có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa của hàng Việt vô cùng gian nan và đầy rủi ro khi hàng nước ngoài  nhập ngày càng nhiều mà tâm lý chung của người tiêu dùng vẫn “sính ngoại”. Để xây dựng được thương hiệu và phát triển, những doanh nghiệp sản xuất hàng Việt như chúng tôi thực sự trải qua quá trình kinh doanh đầy gian nan, vất vả và không ít trăn trở.

Việc thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân không thể một sớm một chiều mà cần thời gian lâu dài, doanh nghiệp phải có chiến lược với tầm nhìn xa trông rộng cũng như kiên định với mục tiêu đã đề ra. Đó là, đem hàng Việt chất lượng đến với người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Chế biến - Kinh doanh - Xuất nhập khẩu Hương Quế: Gian nan giữ vững thương hiệu Việt

Sau hơn 10 năm hình thành và phát triển, sản phẩm lót giày Hương Quế của chúng tôi được nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng trên địa bàn thành phố và một số địa phương lân cận như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế… tin dùng. Điều tôi trăn trở nhất đó là, sản phẩm chưa thu hút được nhiều đối tượng người tiêu dùng riêng lẻ trong nước. Có lẽ, do chúng tôi chưa làm tốt khâu tiếp thị ở thị trường bán lẻ, cũng một phần do người dân mình chưa thực sự quan tâm đến sản phẩm hàng Việt.

Bên cạnh đó, có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, như việc làm hàng giả, hàng nhái cũng khiến chúng tôi gặp khó khăn trong việc bảo hộ và giữ vững thương hiệu của sản phẩm trên thị trường. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng mạnh tay và quyết liệt hơn nữa trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, để bảo vệ người tiêu dùng và các sản phẩm hàng Việt có chất lượng.

Lương Thị Huyền Anh, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu: Tăng cường vận động hàng Việt đến người dân hơn nữa

Tôi cảm thấy chất lượng, mẫu mã sản phẩm của hàng Việt hiện nay khá tốt, vừa bảo đảm về tính tiện dụng cũng như cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, nhất là các sản phẩm đồ gia dụng như nhựa, thời trang, giày dép… Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt Nam còn hạn chế, hình thức còn đơn điệu. Các đơn vị chưa đầu tư lớn về xây dựng thương hiệu, trong khi đó một số vụ việc gian lận, đánh lừa người tiêu dùng trong thời gian qua đã phần nào làm mất đi hình ảnh của hàng Việt trong mắt người tiêu dùng.

Tôi hy vọng, trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn trong kiểm tra, kiểm soát và xử lý tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; đồng thời tăng cường hơn nữa việc quảng bá hàng Việt Nam có chất lượng, uy tín đến người tiêu dùng vì thực sự, nhiều sản phẩm, nhãn hàng Việt Nam có chất lượng rất tốt và đáng tin cậy nhưng chúng tôi lại không được biết đến. Đây là thiệt thòi cho doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng như chính bản thân người tiêu dùng.

KHÁNH HÒA thực hiện

;
;
.
.
.
.
.