Phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách

.

Bảo đảm tiêu thụ thịt heo bình thường tại Đà Nẵng

Ngày 20-5, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo đó, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Coi nhiệm vụ phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách lúc này, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và tổ chức xã hội... tổ chức thực hiện khẩn trương, kiên quyết, đồng bộ các biện pháp do Chính phủ và các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; quyết tâm khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi trong thời gian nhanh nhất để bảo đảm điều kiện tiếp tục phát triển kinh tế- xã hội nhanh và bền vững, cải thiện đời sống nhân dân.

Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền đến từng cán bộ, đảng viên và nhân dân để mọi người đều nhận rõ tính chất nguy hiểm và tác hại nghiêm trọng của bệnh dịch tả lợn châu Phi đã và đang xảy ra đối với các hoạt động kinh tế và đời sống của nhân dân. Động viên toàn Đảng, toàn dân, lực lượng vũ trang tích cực tham gia vào công tác phòng, chống dịch, giảm thiểu tổn thất về kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, thông tin kịp thời, chính xác cho người dân theo nguyên tắc vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, tránh gây hoang mang trong xã hội.

Cùng với việc chỉ đạo các biện pháp để phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp chỉ đạo việc chuẩn bị tốt các điều kiện để khôi phục chăn nuôi lợn ngay sau khi dịch bệnh được khống chế và đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc khác, gia cầm, thủy sản để bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tổ chức rút kinh nghiệm đợt phòng, chống vừa qua để chủ động phát hiện sớm, thông tin kịp thời và có biện pháp sẵn sàng phòng, chống các loại dịch bệnh khác có thể xảy ra đối với vật nuôi, cây trồng.

Ban Bí thư yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố bảo đảm kinh phí và các nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, các dịch bệnh động vật nói chung và nhanh chóng kiểm soát lây lan; kiện toàn, củng cố hệ thống thú y các cấp theo đúng quy định của Luật Thú y, tăng cường năng lực thú y các cấp đủ sức thực thi nhiệm vụ. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân từ Trung ương đến địa phương có trách nhiệm tham gia phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về bệnh dịch tả lợn châu Phi; động viên các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đơn vị chủ động tham gia tích cực vào công tác phòng, chống, khống chế dịch bệnh; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức chỉ đạo phòng, chống, khống chế dịch ở từng cấp; vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ kinh phí, phương tiện, vật chất kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trong việc phòng, chống dịch bệnh, giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại nặng nề trong đợt dịch bệnh này.

Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chính quyền cấp trên về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ và chỉ thị này. (Theo TTXVN)

* Ngày 20-5, UBND huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) công bố dịch tả heo châu Phi trên địa bàn và thông tin về việc xuất hiện thêm 2 ổ dịch, trong đó phát sinh 1 ổ dịch tại xã mới là Duy Thành. Trong khi đó, tại Đà Nẵng, các lực lượng chức năng của thành phố Đà Nẵng đang tích cực chốt chặn, kiểm tra và kiểm dịch gắt gao việc vận chuyển, giết mổ heo tại 6 lò mổ heo nên tình hình giết mổ, tiêu thụ thịt heo vẫn đang diễn ra bình thường.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, ông Nguyễn Bốn, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho hay, huyện đã thành lập 4 tổ kiểm soát lưu động trên các tuyến đường chính ở vùng đông của huyện và chốt chặn tại khu vực cầu Cửa Đại (giáp ranh giữa huyện Duy Xuyên và thành phố Hội An), cầu Khe Thủy (giáp ranh giữa huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình), cầu Trường Giang (giáp ranh giữa xã Duy Nghĩa và xã Duy Thành) để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo ra vào địa bàn.

Đặc biệt, huyện đã đã tổ chức phun hóa chất khử trùng tiêu độc ở những thôn có heo mắc dịch ở 2 xã Duy Nghĩa, Duy Hải và tiến hành tiêu hủy heo ốm trong đàn. Tuy nhiên, trong ngày 20-5, tại xã Duy Hải (cách Quốc lộ 1A khoảng 18km), phát sinh thêm 1 ổ dịch và đã tiêu hủy 3 con heo. Đồng thời, xuất hiện thêm ổ dịch mới tại xã Duy Thành và đã tiêu hủy 12 con heo. Như vậy, tính đến cuối chiều 20-5, tại huyện Duy Xuyên đã có tổng cộng 14 ổ dịch với 72 con heo đã được tiêu hủy.

Trong khi đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố Đà Nẵng cho hay, các lực lượng chức năng đã tăng cường chốt chặn, kiểm soát heo từ Quảng Nam đưa ra Đà Nẵng. Tuy nhiên, chỉ có xe chở heo của tỉnh Bình Định và của Công ty CP Chăn nuôi CP chở ra địa phận Đà Nẵng, gần như không có vận chuyển heo nhỏ lẻ từ Quảng Nam ra thành phố. Các xe chở heo nói trên xuất phát ở các vùng chưa có dịch và xuất trình giấy tờ chứng nhận kiểm dịch, được kiểm tra lâm sàng bằng mắt thường của cán bộ thú y và phun dung dịch tiêu độc khử trùng… trước khi  cho phép tiếp tục vận chuyển heo vào thành phố để đưa đến các lò mổ của thành phố.

“Hiện nay, tình hình giết mổ heo tại các lò mổ vẫn diễn ra bình thường. Lực lượng Thú y tăng cường kiểm soát, tiêu độc khử trùng thêm ở khu vực phía trước lò mổ nhằm không cho dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm và kiểm dịch bên trong lò mổ, bảo đảm đưa thịt heo an toàn kiểm dịch đến tay người tiêu dùng. Trong ngày 20-5, tình hình giết mổ, tiêu thụ thịt heo trên địa bàn thành phố vẫn diễn ra bình thường”, ông Cao Xuân Thái, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố khẳng định. (HOÀNG HIỆP)
 

;
;
.
.
.
.
.