Tăng cường thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

.

Thời gian qua, thành phố có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN), tuy nhiên theo nhìn nhận từ phía các DN, việc triển khai thực thi các chính sách còn hạn chế, còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.

Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Ảnh: KHÁNH HÒA
Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Ảnh: KHÁNH HÒA

Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Đà Nẵng: Số lượng doanh nghiệp được thụ hưởng còn ít

Đà Nẵng được nhìn nhận là một trong những địa phương rất quan tâm đến công tác hỗ trợ DN một cách tốt nhất với hàng loạt chính sách được ban hành cụ thể, rõ ràng và đầy đủ trên nhiều lĩnh vực mà DN thường gặp vướng mắc như: vốn, công nghệ, lao động, thị trường…

Tương ứng với mỗi khó khăn, Đà Nẵng đã ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc triển khai thực thi các chính sách còn chưa thực sự quyết liệt, phát huy hiệu quả. Còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, đơn cử như một số chính sách mang ý nghĩa nhưng từ khi ra đời cho đến nay vẫn chưa hỗ trợ được cho DN, hoặc số lượng DN được thụ hưởng là rất ít.

Ví dụ Quyết định số 52/2014/QĐ-UBND ngày 25-12-2014 về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào Khu Công nghệ thông tin tập trung trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có hiệu lực từ 5-1-2015; Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19-12-2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, có hiệu lực từ ngày 10-2-2014; Quyết định số 10/2015/QĐ-UBND về Ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ DN xuất khẩu phần mềm trên địa bàn thành phố được ban hành vào ngày 15-4-2015, nhưng cho đến nay chưa có DN nào được hưởng ưu đãi, hỗ trợ nào từ các chính sách này; Quyết định số 34/2016/QĐ-UBND về công nghiệp hỗ trợ được ban hành vào ngày 1-11-2016, nhưng tính đến thời điểm rà soát mới có duy nhất một DN được thụ hưởng…

Bên cạnh đó, số DN được hỗ trợ và kết quả hỗ trợ còn thấp. Theo báo cáo của Sở Tài chính, năm 2014 ngân sách thành phố chi cho hoạt động hỗ trợ chỉ 630 triệu đồng; năm 2015 chi hơn 3,7 tỷ đồng; năm 2016 chi hơn 6,8 tỷ đồng; dự toán 2017 chi 13 tỷ đồng và dự toán chi năm 2018 là 14,7 tỷ đồng; nhưng chủ yếu là chi cho hoạt động của các sở, ban, ngành; khoản chi trực tiếp cho DN không đáng kể. 

Trong thời gian tới, thành phố cần xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy trình: ban hành, phổ biến, hướng dẫn, trả lời vướng mắc về chính sách; công bố công khai DN được thụ hưởng, không được thụ hưởng (kèm theo lý do); qua đó, công tác thực thi, giám sát thực thi sẽ được tăng cường đáng kể.

Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục Chất lượng cao Sky-line: Cần có đánh giá tác động, hiệu quả của các chính sách hỗ trợ

Thời gian qua, mặc dù chính sách hỗ trợ DN được ban hành nhiều, nhưng chưa có báo cáo nào đánh giá được tác động của các chính sách đối với DN thụ hưởng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, nhất là đánh giá hiệu quả giữa kinh phí và nỗ lực đã bỏ ra so với kết quả đạt được. Đơn cử, nhiều chính sách về thuế, tài chính, tín dụng… được ban hành nhưng DN không nắm được.

Nên chăng, cần năng động hơn trong việc tiếp cận chính sách của Trung ương, triển khai thực hiện phù hợp với chính sách thực tiễn của thành phố và có đánh giá qua từng năm, từng giai đoạn để cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư kinh doanh…

Nguyễn Thị Cẩm Vân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Đông Nguyên: Doanh nghiệp chưa chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chính sách hỗ trợ

Thực tế cho thấy, nhiều DN còn thờ ơ trong việc tìm hiểu và tiếp cận các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước. Điều này bắt buộc các cơ quan Nhà nước phải tìm cách tiếp cận DN là đối tượng tiềm năng của chính sách để hướng dẫn, đề nghị, thậm chí cả thuyết phục DN làm thủ tục để được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ từ chính sách.

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí hỗ trợ DN chỉ mới dựa vào ngân sách Nhà nước, chưa huy động được các nguồn lực khác. Hầu như chưa có cơ quan thực thi nào tìm kiếm, khai thác được các nguồn kinh phí ngoài nguồn từ ngân sách Nhà nước.

Ở một khía cạnh khác, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ DN chưa thật sự khoa học và hiệu quả. Ngoài ra, các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương đều muốn đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục để rút ngắn thời gian, tuy nhiên một số các thủ tục này thực hiện theo quy định của bộ, ngành Trung ương nên phải báo cáo, đề xuất các bộ, ngành xem xét sửa đổi theo hướng đơn giản hóa hồ sơ cho phù hợp.

KHÁNH HÒA ghi

;
;
.
.
.
.
.