Sáng 16-5, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức đối thoại trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử thành phố với chủ đề “Chính sách khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp của thành phố Đà Nẵng”.
Theo Sở KH&CN, từ năm 2014-2019, thành phố có 56 doanh nghiệp được nhận những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng. Tuy vậy, theo đánh giá, vẫn còn ít doanh nghiệp tham gia chính sách đổi mới công nghệ của thành phố. Trong đó, nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến quản trị đổi mới công nghệ; một số doanh nghiệp có quan tâm, nhưng chưa có nhiều thông tin về các chương trình hỗ trợ phát triển KH&CN của thành phố. Ngoài ra, tâm lý lo ngại việc thụ hưởng được gì so với chi phí bỏ ra khi đổi mới công nghệ cũng là một “rào cản”.
Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, thực tế, những chính sách KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp cần được điều chỉnh, cụ thể là các tổ chức tín dụng cần tạo hệ thống kết nối dữ liệu về doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cũng như xây dựng những tiêu chí đặc thù đối với khoản vay của DNNVV. Những gói vay với mức lãi suất phù hợp và loại hình đa dạng cần được áp dụng đối với DNNVV dựa trên từng loại dự án; đồng thời, cần đưa ra những gói vay dài hạn hơn nhằm cho phép các doanh nghiệp này đầu tư đổi mới công nghệ.
Sở KH&CN cũng cho biết, đơn vị đã và đang xúc tiến nhiều giải pháp, hoạt động để liên kết “3 nhà” (nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp) nhằm phục vụ nhu cầu phát triển công nghệ của cộng đồng doanh nghiệp như: liên kết với các trường đại học, hiệp hội các doanh nghiệp triển khai nhiệm vụ ươm tạo doanh nghiệp KH&CN; hệ sinh thái khởi nghiệp; sàn giao dịch công nghệ và phát triển thị trường KH&CN. Bên cạnh đó, sở tổ chức các buổi cà-phê doanh nghiệp; hỗ trợ các nhà khoa học, doanh nghiệp tham gia các sự kiện, triển lãm trưng bày công nghệ; thúc đẩy thành lập các doanh nghiệp KH&CN.
MAI QUẾ