Cần đẩy mạnh ứng dụng BIM trong xây dựng

.

Mô hình hóa thông tin công trình BIM (Building Information Modeling - hồ sơ thiết kế gồm những tập tin hay dữ liệu kỹ thuật số chứa các mối liên hệ logic về mặt không gian, kích thước, số lượng, vật liệu của từng bộ phận trong công trình) đã được áp dụng tại một số công trình lớn ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và mang lại lợi ích cho các bên tham gia. Tuy nhiên tại Đà Nẵng, công nghệ này vẫn còn khá mới mẻ và cần nhiều biện pháp để đẩy mạnh ứng dụng BIM.

Tòa nhà Smart Building (Trường Đại học Bách khoa-ĐH Đà Nẵng) được công ty CDC thiết kế bằng phần mềm BIM tool, tuy nhiên tại giai đoạn đấu thầu, thi công xây lắp chưa thể áp dụng BIM vì lý do thiếu nhân sự và kỹ thuật.
Tòa nhà Smart Building (Trường Đại học Bách khoa-ĐH Đà Nẵng) được công ty CDC thiết kế bằng phần mềm BIM tool, tuy nhiên tại giai đoạn đấu thầu, thi công xây lắp chưa thể áp dụng BIM vì lý do thiếu nhân sự và kỹ thuật.

TS. Phạm Mỹ, Giảng viên Khoa Xây dựng Dân dụng - Công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cho biết, đặc điểm của BIM là mô hình tổng hợp toàn diện các thông tin công trình được số hóa và trình bày qua hình ảnh 3 chiều đa luồng dữ liệu, cung cấp cho người dùng cái nhìn trực quan và cho khả năng tư duy gần với suy nghĩ tự nhiên nhất của con người.

BIM cho phép mô hình hóa công trình để phản ánh chính xác cấu tạo cùng các thuộc tính của công trình trên thực tế sẽ được hình thành trong tương lai. Bằng cách này, các đối tác tham gia dự án có thể xem xét trước và đánh giá hiệu quả của nó trước khi thực hiện, kiểm soát được các xung đột, giải quyết được các vấn đề liên quan ngay ở giai đoạn đầu của dự án.

Trên cơ sở đó, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2500/QĐ-TTg phê duyệt đề án Áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình. Đề án đề xuất lộ trình 5 năm (2015-2020) thúc đẩy việc sử dụng BIM ở Việt Nam, hướng tới xây dựng hành lang pháp lý và tạo sự đồng thuận trong xã hội tiến tới áp dụng BIM một cách rộng rãi.

 “Ứng dụng BIM giúp tiết kiệm ít nhất 30% chi phí về vật liệu xây dựng và thời gian thi công; đồng thời tạo được sự minh bạch trong công tác quản lý chất lượng cũng như vận hành công trình. BIM cũng là giải pháp quan trọng để tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành xây dựng, việc bỏ lỡ cơ hội đẩy mạnh triển khai áp dụng BIM tại Đà Nẵng sẽ dẫn đến nguy cơ về tụt hậu, mất khả năng cạnh tranh so với các thành phố lớn trong nước và trên thế giới”, PGS.TS. Trần Quang Hưng, Trưởng khoa Xây dựng Dân  dụng - Công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) nhận định.

Một trong những công trình ứng dụng công nghệ BIM trong thiết kế là tòa nhà Smart Building của Trường Đại học Bách khoa do Công ty CDC Đà Nẵng thiết kế; tuy nhiên giai đoạn đấu thầu, thi công xây lắp thì chưa thể áp dụng BIM và tại Đà Nẵng cũng chưa có công trình nào. Giải thích về lý do việc này, ông Võ Văn, Phó Chánh Văn phòng Tổng hội Xây dựng Việt Nam tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên cho biết, việc áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình đã được đề cập trong Luật Xây dựng 2014 và các văn bản dưới luật sau đó. Thế nhưng, để triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức do liên quan đến việc điều chỉnh quy trình sản xuất của đơn vị tư vấn, chuẩn bị nguồn lực để cập nhật các công cụ mới, quy trình phối hợp của các chủ thể trong dự án đòi hỏi tính chủ động và tinh thần trách nhiệm cao.

Mặt khác, do thiếu các lộ trình cũng như những yêu cầu cụ thể của các cơ quan quản lý Nhà nước về BIM, vì thế, các tổ chức cũng chưa có mục tiêu để phát triển BIM thành một hệ thống trong hoạt động tư vấn. Vấn đề nghiên cứu để tự chủ động triển khai ứng dụng quy trình BIM trong thiết kế đối với các tổ chức tư vấn còn gặp khó khăn do tâm lý “ngại thay đổi” về quy trình làm việc, cập nhật các công nghệ thông tin mới của một số bộ phận nhân sự trong tổ chức. Chi phí để đầu tư cho một hệ thống BIM cơ bản khoảng 2 tỷ đồng trở lên, chưa kể đến vấn đề nhân lực.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, việc quản lý xây dựng theo kiểu truyền thống không còn hiệu quả, dự toán thiếu chính xác sẽ dẫn đến phát sinh hàng ngàn tỷ đồng (dự án đường cao tốc Hà Nội - Ninh Bình, tuyến đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh…). Chi phí này nếu được đầu tư để ứng dụng BIM ngay từ khi bắt đầu dự án, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc ứng dụng BIM, với các hiệu quả đã được chứng minh sẽ thúc đẩy được sự phát triển BIM trong xây dựng, đồng thời giúp tiết kiệm được chi phí cho ngân sách Nhà nước.

Đề xuất vấn đề đẩy mạnh ứng dụng BIM, ông Võ Văn cho rằng, cần có giải pháp đào tạo và chuẩn bị nguồn lực ứng dụng BIM theo lộ trình; khai thác tối đa các cơ hội ứng dụng BIM có hiệu quả, từng bước đổi mới ngành xây dựng. Thực tế, Đà Nẵng hoàn toàn có thể làm được vì thành phố có tốc độ phát triển hạ tầng kỹ thuật nhanh và có nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin.

Lớp học BIM Starter do Hội Xây dựng thành phố tổ chức.
Lớp học BIM Starter do Hội Xây dựng thành phố tổ chức.

Cùng quan điểm này, PGS, TS Trần Quang Hưng cũng cho rằng, việc đưa BIM vào giảng dạy trong chương trình đại học là hết sức cần thiết để giúp các sinh viên tiếp cận được với xu thế hiện đại. Điều này vừa tạo sự đổi mới trên giảng đường và khi ra trường, sinh viên đáp ứng được nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Đối với Khoa Xây dựng Dân dụng - Công nghiệp, giảng viên của khoa thường xuyên hướng dẫn cho các học viên cao học và đại học làm các đề tài nghiên cứu về ứng dụng BIM trong xây dựng. Đặc biệt, học phần “Công nghệ BIM trong xây dựng” đã được triển khai trong chương trình đào tạo chất lượng cao ngành kỹ thuật xây dựng, áp dụng từ năm 2018 với sự trợ giúp và tham gia đào tạo của nhiều doanh nghiệp xây dựng lớn ở Việt Nam hiện nay là Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Công ty Xây dựng Thương mại Thuận Việt và Công ty cổ phần Xây dựng Central.

Ông Lê Tùng Lâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hội Xây dựng Đà Nẵng cho biết, để đẩy mạnh ứng dụng BIM tại thành phố, Hội Xây dựng mở các khóa học BIM Starter miễn phí từ năm 2018 nhằm tuyên truyền cho các hội viên về những ứng dụng của công nghệ BIM, qua đó nâng cao kiến thức và trình độ chuyên môn cho các hội viên. Hiện BIM đã được nhiều đơn vị quan tâm vì đây là xu thế tất yếu. Một trong những đơn vị đang triển khai BIM ở mức thấp chính là Công ty CP Bê-tông (DINCO) thông qua công ty con DAC.

Ông Lê Tùng Lâm thông tin thêm, cuối năm 2019 sẽ tiến tới xây dựng hành lang pháp lý để áp dụng BIM, bao gồm hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kỹ thuật liên quan. Từ năm 2020 sẽ triển khai áp dụng thí điểm 20 công trình xây dựng mới cấp 1 trở lên thuộc dự án xây dựng sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn khác trên cơ sở tự nguyện; năm 2021 sẽ tổng kết, đánh giá việc thí điểm trên và hoàn thành các bước để áp dụng rộng rãi trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình.

Từ công tác đấu thầu cho đến thiết kế và thi công, BIM trình diễn các bước diễn họa 3D giúp đưa ra biện pháp thi công phù hợp. Đến bước lập tiến độ, tổ chức mặt bằng thi công sẽ kiểm soát bằng BIM 4D. Ở giai đoạn thi công, nhờ sự chính xác của phần mềm, các thông tin đầu vào của dự án được đưa vào một mô hình thống nhất sau đó sử dụng tích hợp 5D để trích dẫn khối lượng, tiến độ và giá của dự án.

Nhờ vậy, toàn bộ quy trình được nghiệm thu và thanh quyết toán do BIM thực hiện thống nhất. Hơn nữa, BIM cho thấy khả năng tích hợp các mô hình từng hạng mục trên tổng mặt bằng. Từ đó, mô phỏng tiến độ thực hiện của từng hạng mục và tiến độ tổng thể trên phần mềm phối hợp BIM; phân tích ra các điểm không hợp lý và kiểm soát các rủi ro về tiến độ của dự án.

Bài và ảnh: MAI QUẾ
 

;
;
.
.
.
.
.