Đó là kinh nghiệm quý báu mà anh Nguyễn Văn Bính, chủ cơ sở kinh doanh quà tặng lưu niệm Conomi (34/44 Thi Sách, quận Hải Châu) chia sẻ sau quá trình dày công tìm kiếm, định hướng thị trường kinh doanh. Đến nay, sau gần 3 năm tìm tòi, xây dựng các mặt hàng chủ đạo là khắc laser (2D) trên gỗ tự nhiên, cơ sở của anh Bính đã dần có chỗ đứng và thị trường khách ổn định.
Các sản phẩm của Conomi đều có độ tinh xảo được khách hàng yêu thích lựa chọn. |
Những mặt hàng chủ đạo của Conomi hiện nay được đông đảo du khách trong nước và quốc tế biết đến, đó là hình ảnh các cây cầu của Đà Nẵng được chạm khắc tinh xảo trên mặt gỗ hoặc hình ảnh các thắng cảnh của Đà Nẵng như: Cá chép hóa Rồng, Vòng quay Mặt Trời, Cầu Vàng… đều được anh Bính thể hiện lại trên gỗ rất sắc sảo và bắt mắt.
Anh Bính kể, trong một chuyến đi du lịch đến Đà Nẵng cách đây nhiều năm, anh có quen một người bạn ở Đà Nẵng, sau khi về lại Hà Nội, anh được người bạn này nhờ làm một số món đồ liên quan đến quà tặng lưu niệm. Lúc này anh đã biết đến một số kỹ thuật làm quà tặng in khắc laser 2D, 3D, nhưng chưa dám làm. Đến khi chuyển hẳn vào Đà Nẵng sinh sống, anh bắt đầu con đường kinh doanh của mình với mô hình “Nhà kho ký gửi”. Nghĩa là những ai có vật dụng gì còn sử dụng được mà không dùng nữa thì có thể ký gửi để bán lại cho người có nhu cầu. Đây là một mô hình được triển khai khá thành công ở một số quốc gia ở châu Âu, tuy nhiên về Việt Nam thì chưa phù hợp nên sau 2 năm điều hành “Nhà kho ký gửi” không được như mong muốn. Sau đó anh Bính đã chuyển hướng kinh doanh.
Khi còn đang loay hoay chưa biết chọn loại hình kinh doanh nào cho phù hợp thì anh quay trở lại với ý định làm quà tặng lưu niệm. Khi có ý định làm quà tặng lưu niệm khắc laser trên gỗ tự nhiên, anh Bính mới bắt đầu tìm hiểu về các kỹ thuật vẽ đồ họa, về các mặt hàng quà tặng được du khách ưa chuộng. Lúc này anh mới nhận thấy, những món đồ lưu niệm địa phương dành cho du khách vẫn đang là “điểm yếu” của các điểm du lịch nổi tiếng, các mẫu mã trên thị trường đa phần còn rất sơ sài, đại trà... Nếu đã xác định làm thì phải làm tốt hơn những cái họ đã làm. Nhưng không phải cứ muốn tốt hơn là làm được mà phải có nhiều yếu tố như: phải đầu tư máy móc tốt hơn, công nghệ tốt hơn để cho ra sản phẩm tinh xảo hơn.
Nghĩ là làm, anh Bính đã bỏ ra số vốn lớn để đầu tư máy móc, ban đầu còn thuê cả người về thiết kế mẫu mã sản phẩm và dạy đồ họa cho chính bản thân mình. Sau này, khi đã học được nghề và có thể thiết kế được thì anh tự thiết kế. Hiện nay, các sản phẩm quà tặng lưu niệm về gỗ của Conomi có khoảng 80% là tự thiết kế, còn lại thuê hoặc mua thiết kế.
Ngoài trang thiết bị máy móc, thiết kế thì nguyên liệu cũng là một yếu tố quan trọng. Thay vì chọn những nguyên liệu là gỗ ván ép thì cơ sở của anh Bính chọn khắc sản phẩm trên gỗ tự nhiên để có được độ tinh xảo cao hơn cho sản phẩm cũng như giữ được những nét tự nhiên của các đường vân gỗ trong sản phẩm. Những tưởng khi tính toán được những điều này thì sẽ mang lại kết quả tốt và thành công khi đưa sản phẩm ra thị trường, nhưng thực tế không phải vậy. Sức mua của thị trường dành cho các sản phẩm của Conomi những ngày đầu rất hạn chế. Anh Bính chia sẻ: “Nguyên nhân chính là chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này cộng với một sản phẩm được yêu thích phải có được ý tưởng hay và thiết kế phải thật sự xuất sắc, có được sự tinh xảo. Rút ra được kinh nghiệm cho mình, tôi đã nâng độ tinh xảo của sản phẩm”.
Đến nay, các mặt hàng của Conomi đã có mặt ở hệ thống cửa hàng bán quà tặng lưu niệm ở các sân bay Đà Nẵng, Phú Bài (Thừa Thiên Huế), Phú Quốc (Kiên Giang), một số cửa hàng quà tặng ở Đà Nẵng và các địa phương khác. Conomi cũng tập trung làm theo các đơn đặt hàng của khách (chiếm đến 90%), số còn lại là bán lẻ. So với các mặt hàng quà tặng thông thường khác, giá của các sản phẩm của Conomi sản xuất khá cao. Anh Bính bày tỏ: “Khi đã xác định gắn bó với mặt hàng này thì chúng tôi muốn hướng tới chất lượng lâu dài, không làm theo kiểu “ăn xổi” miễn sao bán được hàng mà chúng tôi hướng đến thị trường khách có thu nhập và có thẩm mỹ cao”. Hiện nay với những sản phẩm nhỏ như móc khóa, kẹp đọc sách, sổ giấy, đồ lưu niệm có khắc hình các danh thắng… được bán với giá từ 20.000 đồng/sản phẩm trở lên.
Bài và ảnh: NHẬT HẠ