Đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh

.

Để chủ động ngăn chặn và ứng phó bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm vào thành phố, quận Ngũ Hành Sơn đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh sản phẩm từ heo tại các chợ. Địa phương cũng chỉ đạo kiểm soát việc kinh doanh tôm hùm đất, loài thủy sinh không được phép kinh doanh tại Việt Nam.

Quận Ngũ Hành Sơn tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các hộ kinh doanh thịt heo tại các chợ trên địa bàn. TRONG ẢNH: Kiểm tra chất lượng thịt heo tại chợ Bắc Mỹ An.
Quận Ngũ Hành Sơn tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các hộ kinh doanh thịt heo tại các chợ trên địa bàn. TRONG ẢNH: Kiểm tra chất lượng thịt heo tại chợ Bắc Mỹ An.

Ghi nhận tại chợ Bắc Mỹ An, qua kiểm tra cho thấy, các hộ kinh doanh ngành hàng thịt heo bảo đảm nguồn gốc, có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y và thực hiện vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ hằng ngày. Đặc biệt, việc nhập hàng đều ghi chép từng ngày, thuận lợi cho việc kiểm tra, truy xuất nguồn gốc và tạo niềm tin cho người dân khi sử dụng sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Minh Thắng (phường Mỹ An) chia sẻ: Nhà tôi vẫn ăn thịt heo hằng ngày và rất yên tâm tin tưởng vì thịt heo ở chợ Bắc Mỹ An đều có dấu kiểm định rõ ràng. Bà Trần Thị Thủy, tiểu thương hàng thịt heo chợ Bắc Mỹ An cho biết, 29 năm nay bà luôn tuân thủ những quy định về chất lượng an toàn thực phẩm. Thịt heo được nhập từ Trung tâm Chế biến gia súc-gia cầm Đà Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), 1 trong 8 lò mổ tập trung của thành phố.

Hiện nay, quận Ngũ Hành Sơn đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, thường xuyên kiểm tra hộ kinh doanh thịt heo tại các chợ trên địa bàn. Bên cạnh việc kiểm tra bảo đảm dấu kiểm dịch giết mổ, đoàn tuyên truyền và lưu ý công tác vệ sinh khử trùng tại khu vực kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Cam Thảo, Đội trưởng Đội Quản lý chợ Bắc Mỹ An, cho biết: Sáng sớm, lực lượng bảo vệ, cán bộ quản lý phân công có mặt kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của tất cả các mặt hàng thịt được nhập vào kinh doanh tại chợ; ký vào sổ lưu của mỗi hộ tiểu thương. Hiện nay, đội thường xuyên nhắc nhở các hộ kinh doanh thịt heo thực hiện tiêu độc, khử trùng, vệ sinh khu vực buôn bán.

Ông Nguyễn Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết, quận sẽ quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi. Trên tinh thần đó, quận chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở, kịp thời phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả không để lây lan; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm trong công tác phòng, chống dịch.

“Chúng tôi đặc biệt chú trọng phát huy vai trò của cấp ủy trong công tác tuyên truyền, vận động người dân cam kết và thực hiện năm không: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt”, ông Nguyễn Hòa nhấn mạnh.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tăng cường kiểm soát loài tôm hùm đất, tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố, quận Ngũ Hành Sơn đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành với sự tham gia của các cơ quan chức năng, tiến hành tuyên truyền đến các hộ kinh doanh, chủ nhà hàng, quán ăn trên địa bàn; khuyến cáo không nhập và buôn bán tôm hùm đất vì đây là loài thủy sinh không được phép kinh doanh tại Việt Nam.

Bà Trần Thị Vân, Phó phòng Kinh tế quận Ngũ Hành Sơn cho biết, qua công tác kiểm tra, kiểm soát cho thấy các nhà hàng, quán ăn, các chợ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn không buôn bán loại tôm hùm đất.

“Tuy nhiên, không vì thế mà chúng tôi lơ là, công tác kiểm tra vẫn tiếp tục được thực hiện song song với công tác truyền thông trên Đài truyền thanh quận, phường và tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt tổ dân phố”, bà Vân nhấn mạnh.

Bài và ảnh: NGUYỄN NHƯ Ý


 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.