Thúc đẩy hợp tác thương mại-đầu tư giữa Việt Nam và EU

.

EVFTA và EVIPA được đánh giá là mở ra chân trời mới hợp tác rộng lớn và toàn diện, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, tạo ra nhiều ưu đãi cho các mặt hàng xuất khẩu của hai bên.

Phiên thảo luận cơ hội cho các mặt hàng nông sản trong khuôn khổ diễn đàn. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)
Phiên thảo luận cơ hội cho các mặt hàng nông sản trong khuôn khổ diễn đàn. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Việc ký kết và đưa vào thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) là cánh cửa mở ra cơ hội thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư giữa Việt Nam và EU thời gian tới.

Đây là nhận định của các đại biểu tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam-EU với chủ đề "EVFTA-chân trời mới hợp tác rộng lớn toàn diện" do Bộ Công Thương phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh sáng 30-7.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam và EU đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1990, trong gần 30 năm qua, quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư giữa hai nước đã không ngừng phát triển.

Các thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, trong vòng 18 năm (2000-2018), giá trị thương mại hai chiều giữa hai bên đã tăng hơn 13 lần từ khoảng 4,1 tỷ USD vào năm 2000 lên 55,84 tỷ USD vào năm 2018; trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đạt gần 41,9 tỷ USD và nhập khẩu từ EU đạt hơn 13,9 tỷ USD.

Hiện tại, các mặt hàng như dệt may, da giày, điện thoại di động, máy tính, nông sản… được coi là những sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam khi xuất khẩu qua EU.

Về đầu tư trực tiếp, đến hết 6 tháng năm 2019, EU có 27 nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 3.205 dự án và tổng vốn đầu tư đạt 53,1 tỷ USD.

Những kết quả đó đã đưa EU trở thành một trong những đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam.

Ông Hoàng Quốc Việt, Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu khai mạc diễn đàn. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)
Ông Hoàng Quốc Việt, Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu khai mạc diễn đàn. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) được đánh giá là mở ra chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp cũng như tạo ra nhiều ưu đãi cho các mặt hàng xuất khẩu của hai bên.

Bà Miriam Garcia Ferrer, Trưởng ban Kinh tế và Thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đánh giá, thời gian qua thặng dư thương mại hai bên rất lớn nhưng chắc chắn sắp tới sẽ chuyển đổi thành các lợi ích chất lượng hơn nhờ hiệu ứng tích cực từ EVFTA.

Bởi EVFTA là hiệp định toàn diện bao trùm ở tất cả các vấn đề thương mại, thuế, rào cản kỹ thuật… và đảm bảo lợi ích cân bằng của các bên tham gia.

Tuy nhiên, bà Miriam Garcia Ferrer cho rằng để hưởng các lợi thế về thuế quan cũng như gia tăng xuất khẩu vào EU, các doanh nghiệp của Việt Nam phải nâng cao chất lượng hàng hóa và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của EU.

Bà Miriam Garcia Ferrer, Trưởng ban Kinh tế và Thương mại Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đọc tham luận tại diễn đàn. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)
Bà Miriam Garcia Ferrer, Trưởng ban Kinh tế và Thương mại Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đọc tham luận tại diễn đàn. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Dù cơ hội lớn nhưng doanh nghiệp cần nắm vững các thông tin thị trường, quy tắc xuất xứ cũng như các quy định của EU để có chiến lược dài hơi để tiếp cận thị trường.

Bên cạnh đó muốn hưởng lợi lâu dài, hàng hóa từ Việt Nam phải tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng của EU, chứng minh được chất lượng sản phẩm và uy tín của doanh nghiệp.

Bên cạnh cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, ông Jean Jaques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham Việt Nam cho rằng, với EVFTA và EVIPA dòng vốn từ EU sẽ có sự chuyển dịch vào Việt Nam và xu hướng đầu tư chính của châu Âu vào là năng lượng sạch, kinh doanh nông nghiệp sản xuất thực phẩm. Theo đó, về trung hạn và dài hạn thì nguồn đầu tư trực tiếp từ EU vào Việt Nam sẽ tăng lên.

Điển hình với Đức, theo khảo sát của Phòng thương mại Đức tại Việt Nam thì có tới 55% doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Việt Nam muốn mở rộng kinh doanh thêm.

Ông Jean Jaques Bouflet chia sẻ, xu hướng chung của các doanh nghiệp châu Âu là liên kết xây dựng chuỗi sản xuất với các doanh nghiệp địa phương.

Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp châu Âu để tham gia vào chuỗi giá trị.

Tuy nhiên, muốn tận dụng được cơ hội này, doanh nghiệp Việt phải chủ động đổi mới cả phương thức sản xuất và tư duy quản trị, đáp ứng được tiêu chuẩn và xu hướng phát triển của doanh nghiệp châu Âu để hướng tới mục tiêu hai bên cùng có lợi.

Theo Vietnam+

;
;
.
.
.
.
.