Vì sao hàng Đà Nẵng khó vào siêu thị?

.

Việc đưa sản phẩm lên kệ được xem là bước đi đem lại lợi ích kép cho nhà phân phối lẫn nhà sản xuất, góp phần tăng cường quảng bá sản phẩm nội địa, làm phong phú thêm nguồn hàng cho người tiêu dùng lựa chọn…Tuy nhiên, hiện nay số lượng các sản phẩm của địa phương lên kệ siêu thị vẫn còn rất ít.

Hàng hóa sản xuất tại Đà Nẵng vào siêu thị vẫn còn ít.
Hàng hóa sản xuất tại Đà Nẵng vào siêu thị vẫn còn ít.

Đà Nẵng được nhìn nhận là thị trường sôi động và lớn nhất ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên với sự góp mặt của khoảng 10 siêu thị, trung tâm thương mại cùng hàng trăm cửa hàng tiện lợi. Tuy nhiên, qua khảo sát ở các đơn vị có số lượng cung ứng nguồn hàng lớn như Big C, Co.opmart, Intimex, Vincom… thì hàng hóa sản xuất tại Đà Nẵng có mặt trên kệ rất ít ỏi. Theo nhìn nhận từ các siêu thị, ngoài nguyên nhân hạn chế về quy mô, sản lượng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn còn yếu ở khâu bảo quản, lưu trữ và vận chuyển hàng hóa...

Tại siêu thị Co.opmart, có hàng ngàn sản phẩm được bày bán từ hơn 700 nhà phân phối trên cả nước, trong đó hàng Việt chiếm tỷ lệ hơn 95%, nhưng sản phẩm của Đà Nẵng chỉ khiêm tốn với 2 mặt hàng là “mắm dì Cẩn” và “chả bò bà Ngọc”.

Theo ông Phan Thống, Giám đốc siêu thị Co.opmart Đà Nẵng, thời gian qua, đơn vị đã mở rộng việc tìm kiếm các bạn hàng, nhất là những đơn vị sản xuất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; tuy nhiên khi đi vào khảo sát ở thực tế thì hầu hết không đáp ứng được yêu cầu của hệ thống về kiểm định, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả, thời gian giao hàng... “Các đơn vị sản xuất trên địa bàn thành phố phần lớn có quy mô nhỏ, sản lượng chưa dồi dào nhằm đáp ứng được khả năng cung ứng sản phẩm một cách ổn định, duy trì sự có mặt trên các quầy, kệ của siêu thị trong thời gian kéo dài”, ông Thống cho hay.

Tương tự, mặc dù siêu thị Big C có đến hơn 40.000 mặt hàng được bày bán, nhưng để tìm ra được sản phẩm của Đà Nẵng, hầu như rất khó. Bà Vũ Hương Giang, đại diện truyền thông của BigC Đà Nẵng cho biết, vài năm nay đơn vị tích cực mở rộng cửa nhằm thu hút sản phẩm của địa phương vào siêu thị nhưng khi đặt vấn đề phân phối với số lượng lớn và ổn định trong thời gian dài thì hầu như chẳng đơn vị nào đáp ứng được yêu cầu này.

Bên cạnh việc khó đáp ứng được các yêu cầu từ phía các siêu thị lớn, thì ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cho rằng, họ chưa mặn mà với kênh phân phối này do việc đem hàng vào siêu thị sẽ tốn một khoản chi phí lớn như chi phí quảng cáo, chi phí cho các chương trình khuyến mãi, phí thuê quầy, kệ...

Ông Trần Văn Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã Rau sạch La Hường (quận Cẩm Lệ) cho biết, thời điểm mới ra thị trường, đơn vị đã liên hệ tìm cơ hội hợp tác với một số siêu thị trên địa bàn thành phố nhưng đến nay, kênh phân phối này vẫn chưa được hình thành. Sản phẩm rau sạch La Hường dù nổi tiếng nhưng vẫn mới chỉ dừng lại ở hình thức phân phối nhỏ lẻ, chủ yếu qua các cửa hàng kinh doanh rau, củ, quả sạch trên địa bàn thành phố với sản lượng cung ứng trung bình mỗi ngày khoảng 1 tấn rau các loại.

“Các siêu thị yêu cầu chúng tôi phải ký kết hợp đồng cung ứng hàng liên tục trong vòng 12 tháng trong năm, nhưng do diện tích vùng rau chỉ 5ha, lại mất 3 tháng mùa mưa bão không thể sản xuất được nên không thể có đủ nguồn hàng để cung cấp ổn định và duy trì lâu dài theo yêu cầu của các siêu thị. Để qua khe cửa hẹp này, tôi cho rằng vấn đề mấu chốt là cần mở rộng diện tích trồng trọt để nâng cao sản lượng”, ông Hoàng cho hay.

Trong khi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn gặp khó trong việc đưa sản phẩm vào siêu thị thì Đà Nẵng lại là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất ở các tỉnh, thành khác đến tìm kiếm cơ hội hợp tác làm ăn. Qua các chương trình, hội nghị kết nối cung cầu, nhiều sản phẩm từ các địa phương như Đắc Lắk, Ninh Thuận… đã đưa được nguồn hàng lên kệ các siêu thị lớn như Co.opmart, BigC.

Bà Nguyễn Thị Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, chế biến và thương mại Hà Trung (Phú Yên) nhìn nhận Đà Nẵng là thị trường tiềm năng để công ty mở rộng phạm vi quảng bá và tiêu thụ các loại hải sản chế biến sạch. Một số mặt hàng của đơn vị đã có mặt trên kệ của BigC Đà Nẵng.

Đem hàng vào siêu thị được xem là bước đi mang lại lợi ích kép cho cả siêu thị lẫn người sản xuất khi góp phần làm đa dạng hóa chủng loại hàng hóa, giúp người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn khi mua sắm. Người sản xuất có thể nắm bắt được xu hướng và thị hiếu tiêu dùng; từ đó mở ra cơ hội tiêu thụ lớn hơn; thúc đẩy cải thiện quy mô sản xuất, hiện đại và chuẩn hóa quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm...

Để hàng hóa có thể lên kệ ở các siêu thị, các đơn vị sản xuất phải đáp ứng rất nhiều những tiêu chí khắt khe của đối tác.
Để hàng hóa có thể lên kệ ở các siêu thị, các đơn vị sản xuất phải đáp ứng rất nhiều những tiêu chí khắt khe của đối tác.

Trong khi đó, ông Lê Thanh Hạ, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thành phố Đà Nẵng cho biết, hằng năm đơn vị triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nâng cao năng lực sản xuất; hướng dẫn thay đổi mẫu mã, bao bì sản phẩm; thực hiện đăng ký, bảo hộ thương hiệu. Đặc biệt, với chương trình khuyến công, nhiều doanh nghiệp có phương án kinh doanh - sản xuất khả thi đã nhận được nguồn vốn hỗ trợ lên tới hàng trăm triệu đồng để đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, thông qua việc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu hằng năm, nhiều sản phẩm tốt của địa phương Đà Nẵng đã được quảng bá không chỉ trên địa bàn mà còn vươn ra thị trường nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước… Những hoạt động như vậy góp phần khích lệ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, mạnh dạn xúc tiến hàng hóa vào các thị trường mới, trong đó có kênh phân phối siêu thị.

Tuy nhiên, để sản phẩm địa phương Đà Nẵng có thể chiếm lĩnh chỗ đứng ở các siêu thị, nhất là hệ thống các siêu thị lớn, cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cơ quan chức năng liên quan, sự chủ động của đơn vị sản xuất cũng như sự phối hợp linh hoạt hơn từ các nhà phân phối.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.