Cẩn trọng dùng nước sinh hoạt từ giếng khoan

.

Trước tình hình thiếu nước sinh hoạt trong thời gian qua, tại các khu vực dân cư, khu chung cư…, người dân đã và đang tiến hành khoan giếng và lắp đặt máy bơm để lấy nước ngầm phục vụ việc vệ sinh, giặt rửa, sinh hoạt... Tuy nhiên, các nhà chuyên môn khuyến cáo, không nên dùng nước giếng khoan để nấu ăn, uống.

Do thiếu nước sinh hoạt nên nhiều hộ dân đang phải khoan giếng, bơm nước ngầm bẩn và có mùi hôi lên để giặt, rửa, dọn vệ sinh…
Do thiếu nước sinh hoạt nên nhiều hộ dân đang phải khoan giếng, bơm nước ngầm bẩn và có mùi hôi lên để giặt, rửa, dọn vệ sinh…

Theo ghi nhận của phóng viên, sáng 27-8, tại kiệt 43 Đặng Thái Thân (tổ 11, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), hàng chục hộ dân không có nước sinh hoạt. “Khu vực này cuối nguồn nước và có địa hình cao nên thường xuyên bị thiếu nước, nước yếu và mỗi khi thành phố xảy ra thiếu nước sinh hoạt thì ở đây bị cúp hẳn nước. Riêng trong mấy ngày thiếu nước vừa qua, gia đình tôi phải xách thùng đi xin nước giếng khoan để về sử dụng”, bà Trần Thị Chua (trú tổ 11, phường Hòa Hải) cho hay.

Còn tại kiệt 596, đường Lê Văn Hiến (phường Hòa Hải) và khu dân cư hai bên đường Nguyễn Đình Chiểu (phường Khuê Mỹ), nhiều gia đình đã đóng giếng khoan và vận hành máy bơm để đưa nước ngầm lên các bồn chứa, phục vụ vệ sinh, giặt, rửa…; còn nước sạch do Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng cấp thì được trữ trong các thùng, bình để nấu ăn, uống.

Tại khu dân cư Đại Địa Bảo (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), ở các tuyến đường Hồ Sỹ Tân, Lê Cảnh Tuân, Bùi Huy Bích…, người dân phải bơm nước giếng khoan lên bồn chứa để phục vụ vệ sinh, dội rửa.

Các khu chung cư Vũng Thùng, Vịnh Mân Quang (phường Nại Hiên Đông) và Nhà công vụ cho bộ đội Vùng 3 Hải quân (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà)…, người dân góp tiền để đóng giếng khoan, sẵn sàng đóng điện để bơm nước vào bể chứa khi không còn nước để sử dụng. Cụ thể, khu nhà công vụ cho bộ đội Vùng 3 Hải quân đã đóng giếng khoan trị giá 6 triệu đồng.

Trước tình hình có nhiều hộ dân trên địa bàn quận Sơn Trà tiến hành khoan giếng để khai thác nước dưới đất, sử dụng trong thời gian không bảo đảm cấp nước sinh hoạt, ông Đoàn Văn Đức, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Sơn Trà cho hay, theo quy định, các hộ khoan giếng và khai thác nước dưới đất để sử dụng có công suất dưới 10m3/ngày phải đăng ký tại UBND các phường, các hộ khai thác trên 10m3/ngày phải đăng ký với thành phố.

Người dân khoan giếng để khai thác nước dưới đất phục vụ việc tưới cây, dọn vệ sinh, giặt, rửa… thì không cần phải kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng nước. “Trường hợp khai thác nước dưới đất để phục vụ ăn, uống thì phải đem mẫu nước đi kiểm nghiệm, đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh chất lượng nước ăn uống theo quy định mới được sử dụng. Còn trường hợp chỉ đóng giếng khoan để lấy nước phục vụ giặt, rửa hằng ngày trong hoàn cảnh thiếu nước sinh hoạt như hiện nay thì không cần phải kiểm nghiệm chất lượng nước”, ông Đoàn Văn Đức nói.

Ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông cho hay, phường đã nắm được thông tin có nhiều hộ dân ở các khu vực dân cư và khu nhà chung cư phải khoan giếng để khai thác nước ngầm sử dụng khi Dawaco không thể bảo đảm việc cấp nước sinh hoạt.

Việc khoan giếng là bất đắc dĩ vì nguồn nước dưới đất trên địa bàn phường có mùi hôi và không trong do khu vực này trước đây là ao, hồ, đất bồi cửa sông...

“Phường đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn kiểm tra, khảo sát tại các khu vực dân cư, khu chung cư để nắm danh sách các trường hợp khoan giếng nước ngầm và nhắc nhở các chủ hộ lên phường đăng ký, vì có liên quan đến việc thu phí bảo vệ môi trường; đồng thời tuyên truyền, nhắc nhở các chủ hộ khoan giếng chỉ sử dụng nước ngầm để phục vụ vệ sinh, dội rửa… khi không có nguồn nước khác chứ không nên sử dụng để nấu ăn, uống”, ông Cao Đình Hải nói.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trong 7 năm qua, đơn vị đã thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tài nguyên nước dưới đất lồng ghép với các hoạt động thanh tra, kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp; qua đó xử phạt 40 trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước dưới đất với số tiền gần 500 triệu đồng.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 52 công trình khai thác nước dưới đất cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô khai thác lớn hơn 10m3/ngày, đã được UBND thành phố cấp 55 giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất với tổng số tiền phải nộp vào ngân sách hơn 1,7 tỷ đồng. Tổng lưu lượng nước dưới đất tối đa đã cấp phép là 14.500m3/ngày, chiếm gần 20% tổng trữ lượng nước dưới đất có thể khai thác.

Để tăng cường quản lý nguồn nước dưới đất, hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang vận động các doanh nghiệp, nhất là các khu du lịch, khách sạn tái sử dụng nước thải sau xử lý để tưới cây, vệ sinh sân vườn… thay vì phải bơm nước dưới đất lên.

“Hiện nay, người dân có nhu cầu khoan giếng, khai thác nước ngầm để phục vụ việc dọn vệ sinh, giặt, rửa, tưới cây… trong thời gian không được bảo đảm cấp nước sinh hoạt thì cần liên hệ với các phường, xã để hướng dẫn, đăng ký vào tờ khai và được xác nhận”, đại diện Phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước, Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay.

Trong khi đó, ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho hay, trong ngày 27-8, độ mặn của sông Cầu Đỏ tiếp tục gia tăng với độ mặn cao nhất hơn 1.800mg/l. Công suất nước sản xuất và bơm vào mạng lưới đường ống tiếp tục có sự sụt giảm. Vì thế, đề nghị người dân và doanh nghiệp trữ nước và sử dụng nước tiết kiệm trong hoàn cảnh không biết khi nào mới có được nguồn nước thô lớn để đẩy mặn cho sông Cầu Đỏ.

Không nên dùng nước giếng để nấu ăn, uống

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế) khuyến cáo, nước giếng khoan chỉ nên dùng để giặt, rửa, tưới cây..., không nên dùng để uống hay nấu ăn; bởi trong nước giếng có các vi sinh vật (vì nước len lỏi qua các mạch đất, hốc đá), nếu không được xử lý sẽ dễ gây ra các bệnh đường tiêu hóa cấp tính. Ngoài ra, nước giếng còn có thể chứa các chất hóa lý (cặn bẩn, sắt, kim loại nặng...) tùy từng vùng thổ nhưỡng.

Các chất này khi ăn hoặc uống phải có thể không gây ra tác động tức thời, nhưng lại ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài. Nếu cần sử dụng nước giếng cho việc ăn, uống, người dân nên đưa mẫu nước đi xét nghiệm các yếu tố hóa lý để nắm rõ thành phần nước và được hướng dẫn cách xử lý. Bên cạnh đó, để hạn chế vi sinh vật gây bệnh, nước giếng đạt các tiêu chuẩn hóa lý phải được đun sôi trước khi sử dụng.

HOÀNG HIỆP - THU HÀ - KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.