Làm gì để kinh tế tăng trưởng trên hai con số?

.

Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra cho Đà Nẵng nhiệm vụ hết sức nặng nề, đó là sau năm 2020 phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế 12%/năm nhằm hoàn thành mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế - xã hội đẳng cấp châu Á, là động lực thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên vào năm 2045.

Theo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, để “cán đích”, Đà Nẵng cần có những giải pháp mang tính đột phá với nền tảng là những cơ chế đặc thù để “thay áo mới” phù hợp hơn.

Bài 1: Khơi thông các nguồn lực cho phát triển

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, các chuyên gia cho rằng Đà Nẵng cần nỗ lực khơi thông các nguồn lực về cơ chế đặc thù, thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.

Đà Nẵng cần khơi thông các nguồn lực về cơ chế đặc thù, thu hút đầu tư để phát triển. Trong ảnh: Hoạt động vận tải đường biển tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. Ảnh: KHÁNH HÒA
Đà Nẵng cần khơi thông các nguồn lực về cơ chế đặc thù, thu hút đầu tư để phát triển. Trong ảnh: Hoạt động vận tải đường biển tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. Ảnh: KHÁNH HÒA

Luật hóa cơ chế đặc thù, đẩy mạnh thu hút các dự án chiến lược

Theo PGS.TS Bùi Quang Bình, giảng viên Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), người có nhiều năm nghiên cứu sâu về tình hình kinh tế của thành phố, con số GRDP ở mức 12%/năm trong giai đoạn 2020-2030 được tính toán dựa trên khả năng khi Đà Nẵng có được cơ chế, chính sách phát triển phù hợp trong giai đoạn mới.

Trước đó, báo cáo tóm tắt Điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 phân tích rõ, với kim chỉ nam Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về xây dựng và phát triển thành phố trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng trưởng kinh tế của thành phố trong hai giai đoạn (từ 2001-2005 và từ 2006-2010) luôn đạt trên 11,1%/năm và giai đoạn 2011-2015 đạt 8,56%/năm, riêng năm 2016 đạt 8,92%.

Để đạt được mức tăng trưởng 12%/năm cho giai đoạn 2020-2030 mà Nghị quyết 43-NQ/TW đặt ra, Đà Nẵng tiếp tục cần những nguồn lực mới để khai phóng tiềm năng, trong đó về nguồn lực bên trong chính là những cơ chế đặc thù mới, còn nguồn lực bên ngoài sẽ thông qua hoạt động thu hút đầu tư.  

Phân tích sâu hơn về những cơ chế đặc thù cần thiết cho Đà Nẵng, PGS.TS Bùi Quang Bình chỉ rõ, cần có cơ chế về thí điểm một số nội dung phân cấp, phân quyền và ủy quyền giữa Trung ương và thành phố Đà Nẵng để xây dựng mô hình chính quyền đô thị phù hợp trong tình hình mới; phân cấp, điều chỉnh lại tỷ lệ phần trăm điều tiết ngân sách về Trung ương cũng như cho phép để lại một số nguồn thu mới nhằm giúp địa phương có nguồn lực, chủ động cho đầu tư xây dựng, phát triển; có cơ chế về tự chủ tiền lương theo quy định để góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho người dân, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ trong và ngoài nước tham gia đóng góp chất xám phục vụ nhu cầu phát triển; có chính sách khuyến khích thu hút đầu tư xây dựng khu đô thị sáng tạo gắn với Khu Công nghệ cao theo hướng Đà Nẵng trở thành một trung tâm sáng tạo, đi đầu trong việc vận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để đem lại những sản phẩm có giá trị gia tăng cao; thành lập Quỹ đầu tư hạ tầng địa phương nhằm huy động các nguồn lực từ xã hội để đầu tư, phát triển….

“Cần có cơ chế đặc thù để thay tấm áo cũ đã chật nhằm tạo tiền đề, sức bật mới cho Đà Nẵng tăng tốc phát triển. Việc luật hóa cơ chế đặc thù sẽ là bảo chứng quan trọng để bảo đảm các mục tiêu, định hướng sẽ được triển khai thực hiện xuyên suốt và đúng với tinh thần của Nghị quyết 43-NQ/TW.

Đối với hoạt động thu hút đầu tư cần triển khai có trọng tâm, trọng điểm và cân nhắc cẩn trọng. Không nên chạy theo thành tích “năm sau cao hơn năm trước” mà cần có thời gian, sự nhạy bén để lựa chọn được những nhà đầu tư, những dự án thật sự đem lại các giá trị gia tăng cao, tạo được chuỗi giá trị toàn cầu để những doanh nghiệp nhỏ và vừa của thành phố có thể tham gia vào”, PGS.TS Bùi Quang Bình nhấn mạnh.

Dưới góc nhìn của người có nhiều năm nghiên cứu về kinh tế Việt Nam, TS. Trần Sĩ Chương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư HDI nhìn nhận, ngoài các nguồn lực cứng về thể chế, nguồn lực mềm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng đó là yếu tố con người.

Thế mạnh của Đà Nẵng lâu nay vẫn là “nhân hòa”, chính vì vậy cần phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cũng như đẩy mạnh chuyển hướng công tác đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng phù hợp và bắt kịp với nhu cầu thị trường, xu thế phát triển của thế giới cũng như chủ trương thu hút đầu tư của thành phố để tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của nền sản xuất cao.

Trong khi đó, ông Lê Trường Kỹ, Chủ tịch Dinco Group, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho rằng, vấn đề cốt lõi là làm sao để có được một nền kinh tế với hàm lượng chất xám cao và phát triển bền vững chứ không phải chạy theo chỉ tiêu. Chìa khóa để thúc đẩy phát triển kinh tế cho Đà Nẵng trong thời gian tới là ngành công nghiệp, lĩnh vực tạo nên lượng hàng hóa và động lực chính để thúc đẩy nguồn thu từ phát sinh kinh tế.

Muốn vậy, thành phố cần quy hoạch mở rộng và sử dụng thật hợp lý quỹ đất ở Khu Công nghệ cao; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu, cụm công nghiệp mới nhằm giải quyết được điểm nghẽn về mặt bằng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tích cực đội ngũ doanh nghiệp của địa phương ngày càng lớn mạnh. Đây là lực lượng quan trọng chiếm đến gần 50% tổng thu ngân sách của địa phương.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Đà Nẵng đánh giá, khối doanh nghiệp tư nhân vẫn sẽ là tiềm năng ngân sách bền vững trong dài hạn cho Đà Nẵng. Bằng chứng trong 6 tháng đầu năm, khi một số doanh nghiệp lớn trong ngành công nghiệp giảm sút doanh thu đã lập tức ảnh hưởng đến tốc độ GRDP cũng như nguồn thu ngân sách của thành phố.

Từ thực tế này cho thấy, muốn hạn chế những rào cản cho quá trình phát triển, thành phố cần chủ động có những dự báo, giải pháp dài hạn nhằm hạn chế những xung đột giữa nhu cầu phát triển của thành phố với quyền lợi chính đáng của cộng đồng, doanh nghiệp. Có lộ trình, phương án thu hút đầu tư thay thế hợp lý cho các ngành công nghiệp truyền thống như thép, dệt may, thủy sản… nhằm bảo đảm nguồn thu ngân sách, an sinh xã hội cũng như vấn đề tăng trưởng bền vững cho thành phố, tránh phải “trả giá” như một số vụ việc đã xảy ra vừa qua.

Thu hút nguồn lực bên ngoài triển khai các dự án trọng điểm

Ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cho biết, thành phố đã, đang và sẽ triển khai 73 công trình, dự án, trong đó có 23 dự án động lực, trọng điểm, cấp bách và cần thiết; 16 dự án đã khởi công, dự kiến, từ nay đến cuối năm 2019 sẽ khởi công thêm 11 dự án. Sẽ có 8 dự án hoàn thành trong năm 2019 và 16 dự án hoàn thành trong năm 2020.

Thu hút những nhà đầu tư chất lượng nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.  Trong ảnh: Một góc khu nhà xưởng của dự án Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ của Tập đoàn UAC (Mỹ) tại Khu Công nghệ cao đang được xây dựng.
Thu hút những nhà đầu tư chất lượng nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong ảnh: Một góc khu nhà xưởng của dự án Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ của Tập đoàn UAC (Mỹ) tại Khu Công nghệ cao đang được xây dựng.

Báo cáo từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhu cầu vốn đầu tư cho Đà Nẵng thời kỳ từ năm 2018-2020 khoảng trên 10.500 tỷ đồng. Riêng trong năm 2019, tổng nguồn vốn xây dựng cơ bản gần 7.700 tỷ đồng, trong đó vốn trong nước hơn 6.400 tỷ đồng. Vốn nước ngoài (ODA) hơn 1.200 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương hỗ trợ hơn 527 tỷ đồng, nguồn vay lại của Trung ương vay nước ngoài hơn 701 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tiến Quang nêu vấn đề: “Hiện nay, nguồn vốn dành cho các dự án trọng điểm, động lực chủ yếu dựa vào nguồn vốn của Trung ương, địa phương và vốn ODA. Trong khi đó, nguồn thu từ ngân sách của thành phố không quá lớn, vốn đầu tư công từ Trung ương giảm dần còn vốn ODA phải vay mượn. Như vậy, nguồn lực đầu tư cho các dự án trọng điểm không dồi dào. Nên chăng cần có kế hoạch, các đề án cụ thể và công khai để chào hàng nhằm thu hút nguồn lực xã hội trong và ngoài nước, nhất là khu vực kinh tế tư nhân, để đầu tư các dự án một cách nhanh chóng, lại tiết kiệm được ngân sách Nhà nước; tạo đà cho giai đoạn phát triển quan trọng từ năm 2021-2030”.

Đề xuất những giải pháp căn cơ nhằm đạt mức GRDP bình quân 12%/năm giai đoạn 2021-2030, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển kinh tế - xã hội thành phố nêu rõ, cần điều chỉnh mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế tập trung vào 3 trụ cột chính là du lịch, công nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển; đa dạng các nguồn lực đầu tư cho phát triển,  nâng cao hiệu quả và đóng góp đầu tư công vào tăng trưởng  (hiện nay mức đóng góp vào GRDP của lĩnh vực này ở mức thấp, mới chỉ đạt 5,6%) và các nguồn lực xã hội khác.

Sớm triển khai các công trình trọng điểm, tạo động lực cho sự phát triển như: nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng lên 30 triệu lượt hành khách/năm; dự án Làng Đại học; xây dựng cảng Liên Chiểu; mở rộng và chuyển đổi công năng cảng Tiên Sa; khơi thông sông Cổ Cò... “Ngoài ra, cần có giải pháp thúc đẩy việc tăng quy mô thị trường và dân số lên 1,9 triệu dân vào năm 2030 với tỷ lệ tăng tự nhiên và cơ học bảo đảm 3%/năm nhằm kích thích sức tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm”, ông Hùng phân tích.

Theo ông Lê Văn Hiểu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Máy và thiết bị phụ tùng Seatech, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, việc tăng cường xã hội hóa để đầu tư vào một số công trình trọng điểm sẽ giúp thành phố huy động được nguồn lực lớn trong xã hội để đẩy nhanh tiến độ triển khai của các công trình này cũng như giảm bớt sức ép lên nguồn thu ngân sách của địa phương. Thành phố cần thúc đẩy nhanh việc có cơ chế, chính sách ưu đãi để huy động tối đa, hiệu quả những nguồn vốn xã hội. Đơn cử việc huy động các nguồn lực đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), hợp đồng xây dựng, vận hành, chuyển giao, hợp đồng xây dựng kinh doanh chuyển giao, hợp đồng xây dựng - chuyển giao… vẫn còn trông chờ chủ yếu vào ngân sách Nhà nước.

Trong khi nguồn lực trong và ngoài xã hội rất lớn, nhưng lại không được tham gia vào. “Tôi cho rằng, thành phố có thể nghiên cứu phương án cho các doanh nghiệp địa phương có thể liên kết cùng nhau để tạo ra quỹ đầu tư nhằm tham gia đầu tư vào các dự án này nếu được cho phép. Đây là hình thức xã hội hóa được nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới áp dụng lâu nay”, ông Hiểu đề xuất.

Trong khi đó, ông Trần Phước Sơn cho hay, bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp và dân cư trong và ngoài thành phố đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thành phố. Nguồn lực này hiện rất lớn, do đó, để huy động tối đa nguồn lực đầu tư từ xã hội, cần tập trung ưu tiên xử lý, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục về đất đai, cấp giấy phép xây dựng, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, cá nhân triển khai dự án, các công trình, trong đó có các công trình, dự án trọng điểm nhằm đóng góp cho tăng tưởng kinh tế của thành phố.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA - HOÀNG HIỆP
 

;
;
.
.
.
.
.