Lao động nông thôn vẫn thích làm thời vụ

.

Tại Ngày hội việc làm lần đầu tiên được tổ chức ở huyện Hòa Vang hồi đầu tháng 3 năm 2019, các nhà tuyển dụng đã đưa ra đến 7.236 vị trí việc làm để “mời chào” người lao động.

Đặc biệt, trong số này có đến 4.475 vị trí  lao động phổ thông. Đây được coi là cơ hội rất tốt cho người nông dân Hòa Vang có việc làm ổn định tại các doanh nghiệp, tuy nhiên, thực tế cho thấy người dân vẫn không mặn mà.

Một nam lao động (trái) tìm hiểu thông tin tuyển dụng tại Ngày hội việc làm tổ chức tại huyện Hòa Vang.
Một nam lao động (trái) tìm hiểu thông tin tuyển dụng tại Ngày hội việc làm tổ chức tại huyện Hòa Vang.

Tại Ngày hội việc làm do UBND huyện Hòa Vang phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố tổ chức nói trên, phần lớn người dân đến tìm hiểu chỉ vì... tò mò. Bằng chứng là kết thúc ngày hội, chỉ có 316 người đăng ký phỏng vấn, tham gia vòng sơ tuyển! Một con số quá khiêm tốn. Chính vì vậy mà các nhà tuyển dụng dành nhiều hy vọng vào con số gần 400 người đăng ký cơ hội việc làm sau khi Ngày hội việc làm kết thúc. Tuy nhiên, trên thực tế có rất ít người lao động sau khi đăng ký tìm đến các công ty để tìm hiểu thông tin và xin việc làm.

Theo phản ánh của một đại diện công ty chế biến thủy sản trên địa bàn thành phố, thì trong số gần 30 người đăng ký sẽ đến tìm hiểu và xin việc, chỉ có đúng 2 người đến công ty này, nhưng sau khi nhận tờ khai hướng dẫn điền thông tin thì cả hai đã không quay lại nộp hồ sơ!?
Trao đổi về câu chuyện này, bà Nguyễn Thị Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) cho rằng đây là hệ quả của tư duy “thời vụ” của người dân. Hầu hết người lao động của xã nghề chính là làm nông, vì vậy lúc nông nhàn họ chỉ thích chọn những nghề có “tiền tươi” ngay trong ngày hơn là làm công nhân rồi chờ cuối tháng nhận tiền lương.

Theo bà Vân, thời gian qua, UBND xã thường xuyên nhận lời giúp các doanh nghiệp tuyển dụng người lao động. Và mỗi lần như vậy, UBND xã đều cho đọc thông báo nhiều lần trên đài truyền thanh xã, dán thông báo đến các nhà văn hóa thôn và giao cho các hội, đoàn thể đưa thông tin đến hội viên nhằm giúp người lao động nắm thông tin đăng ký tuyển dụng. Tuy nhiên, rất hiếm khi người lao động quan tâm tìm hiểu và đến doanh nghiệp nộp hồ sơ xin việc. Chính vì điều này mà trong 6 tháng đầu năm nay, chỉ có 110 việc làm mới được tạo ra cùng 8 lao động đăng ký làm việc tại Hàn Quốc. So với mục tiêu trong năm 2019 xã phải tạo ra 300 việc làm là khó đạt. Thực tế gần 100% lao động ở xã có việc làm thì đều là việc làm thời vụ như thợ xây, thợ mộc lúc nông nhàn.

Tình hình ở xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) có vẻ khá hơn khi số người có việc làm ổn định trong 6 tháng đầu năm nay là 265 người (trong số này có 15 người đăng ký làm việc ở Hàn Quốc). Theo ông Nguyễn Duy Phương, Phó Chủ tịch UBND xã, đây là kết quả của rất nhiều nỗ lực từ chính quyền. Mỗi khi có thông tin về tuyển dụng, xã đều thông báo trên đài truyền thanh xã, dán thông báo tại nhà văn hóa thôn, phổ biến về các hội, đoàn thể. Đặc biệt, Đoàn Thanh niên đã tận dụng các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook... để thông tin đến từng đoàn viên thanh niên trong xã. Dù  vậy, số lượng người lao động đăng ký xin việc ở các doanh nghiệp vẫn khiêm tốn so với số người trong độ tuổi lao động ở xã.

Về phía người lao động, anh Lê Thanh Tình ở thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn chia sẻ: “Với người lao động như chúng tôi thì thu nhập là quan trọng nhất. Hiện nay, lúc nông nhàn, mỗi sáng vợ chồng tôi đi làm thợ xây dựng (chồng thợ hồ, vợ phụ hồ), mỗi ngày ít ra cũng kiếm được từ 600.000 - 700.000 đồng. Tính ra thì thu nhập cao gấp 4-5 lần so với đi làm công ty, đó là chưa kể khi vào vụ mùa mình có thể nghỉ việc để thu hoạch nên rất thuận tiện”.

Thống kê của Phòng LĐ-TB&XH huyện Hòa Vang cho biết, trên địa bàn huyện có khoảng 75.000 người trong độ tuổi lao động, trong bối cảnh trên địa bàn có nhiều dự án đang triển khai khiến cho diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp giảm. Vì vậy, việc có nhiều doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động phổ thông là một cơ hội để địa phương giải quyết bài toán việc làm một cách ổn định và lâu dài.

Thế nhưng, về phía người lao động chỉ mong muốn có thu nhập nhanh hằng ngày, hằng tuần thay vì cuối tháng mới nhận lương. Đây là tồn tại chính quyền địa phương cần tháo gỡ, giúp người dân hiểu được để có sự lựa chọn nghề nghiệp mang tính ổn định và lâu dài, hơn là chạy theo công việc thời vụ khá bấp bênh như hiện nay.

Bài và ảnh: Thanh Vân

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.