Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy 7 tháng qua, cả nước nhập khẩu 8,39 triệu tấn sắt thép với trị giá 5,64 tỷ USD, tăng 42% về lượng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên do giá sắt thép sụt giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước nên giá nhập khẩu bình quân chỉ còn 672,6 USD/tấn.
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu nhiều nhất sản phẩm này vào Việt Nam với 3,46 triệu tấn, chiếm 41,3% tổng lượng nhập khẩu nhóm hàng này. Tuy nhiên so với 7 tháng đầu năm 2018, lượng nhập từ Trung Quốc lại giảm 10,7% và giá nhập giảm 11,5%.
Thị trường lớn thứ hai cung cấp sắt thép cho Việt Nam là Nhật Bản với 1,2 triệu tấn, có trị giá 814,72 triệu USD. Lượng hàng nhập từ nước này cũng giảm 7% về lượng, giảm 10,4% về kim ngạch và giảm 3,6% về giá so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường lớn thứ ba là Hàn Quốc cũng sụt giảm 5,3% về lượng nhập khẩu và chỉ đạt 992.030 tấn, tương đương 804,88 triệu USD. Trong khi 3 thị trường dẫn đầu sụt giảm về số lượng thì sản phẩm sắt thép nhập từ các thị trường khác như Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexicon, Bỉ, Indonesia, Malaysia... đều gia tăng.
Trong đó nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ tăng gấp 42,3 lần về lượng và gấp 28,5 lần về kim ngạch, mặc dù chỉ đạt 41.300 tấn, tương đương 26,99 triệu USD. Lượng hàng mua từ Mexico tăng gấp 23,5 lần về lượng và gấp 18,9 lần về kim ngạch, đạt 5.693 tấn, tương đương 3,53 triệu USD. Lượng nhập khẩu tăng mạnh trên 100% cả về lượng và kim ngạch từ các thị trường như: Bỉ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Úc, Nam Phi. Riêng lượng hàng nhập từ Ả Rập Xê Út giảm mạnh 98% cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 83 tấn, tương đương 0,06 triệu USD. Ngoài ra, nhập khẩu sắt thép từ Đan Mạch cũng giảm 92,2% về lượng và giảm 79,2% về kim ngạch, đạt 43 tấn, tương đương 0,09 triệu USD.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, ngành sản xuất thép trong nước 7 tháng đầu năm tương đối ổn định về giá cả và thị trường các sản phẩm thép. Tăng trưởng sản xuất và bán hàng trong nước vẫn tăng 10% và xuất khẩu đạt thép là 2,82 triệu tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên hoạt động xuất khẩu thép ra thị trường nước ngoài khó khăn hơn bởi các hàng rào phòng vệ thương mại.
VOV