Khi nào Trung Quốc ra mắt đồng tiền điện tử quốc gia?

.

Theo những nguồn tin giấu tên, PBoC có thể sớm ra mắt đồng tiền điện tử của họ để đối phó với những rủi ro tài chính và sự thống trị hiện tại của đồng USD.

Trụ sở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tại Bắc Kinh. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Trụ sở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tại Bắc Kinh. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Tốc độ ứng dụng các dịch vụ thanh toán kỹ thuật số của Trung Quốc đã luôn khiến thế giới ngạc nhiên.

Alipay, dịch vụ thanh toán điện tử được sở hữu và điều hành bởi Ant Financial, hiện trung bình có hơn 600 triệu người dùng hàng tháng, con số này lớn gần gấp đôi dân số của Mỹ.

Chỉ tính riêng trong quý 1-2019, những ứng dụng thanh toán của Trung Quốc đã xử lý lượng giao dịch nội địa trị giá 59.000 tỷ NDT (8.300 tỷ USD).

Giờ đây, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - ngân hàng trung ương) phát đi tín hiệu rằng đồng tiền điện tử của riêng họ sắp được ra mắt thị trường.

Những thông tin ban đầu

Theo những thông tin mà giới quan sát thu thập được, dự án đồng tiền điện tử của ngân hàng trung ương (Central Bank Digital Currency - CBDC) là một dạng tiền mới sẽ được PBoC phát hành và được coi là một loại tiền tệ của quốc gia. Nó không có thực thể vật lý như tiền mặt, nhưng được hỗ trợ bởi lượng dự trữ những tài sản giá trị cao được gửi tại PBoC.

Theo những nguồn tin giấu tên, PBoC có thể sớm ra mắt đồng tiền điện tử của họ để đối phó với những rủi ro tài chính và sự thống trị hiện tại của đồng USD.

PBoC dự kiến sẽ phân phối đồng tiền điện tử này thông qua bốn ngân hàng quốc doanh lớn là Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC), Ngân hàng Trung Quốc (BOC).

Thêm vào đó là các hệ thống thanh toán di động Alipay và WeChat Pay cùng nhà cung cấp thẻ tín dụng được Chính phủ hỗ trợ là UnionPay. Khu vực thí điểm triển khai đồng tiền điện tử này dự kiến sẽ là Thâm Quyến.

Loại tiền điện tử này có thể được đưa vào ví điện tử, hỗ trợ các giao dịch trực tiếp và ngang hàng (peer-to-peer). Hiện chưa rõ về thiết kế cuối cùng của loại ví điện tử do PBoC tự xây dựng để cho phép giao dịch tiền điện tử của họ. Đó có thể là một ứng dụng trên thiết bị cầm tay, chẳng hạn như điện thoại di động.

Ở giai đoạn ban đầu, đồng tiền điện tử này chỉ dành cho những giao dịch nội địa Trung Quốc. Trong tương lai, nó có thể được thiết kế để áp dụng tỷ giá hối đoái tương tự như tiền thật. Nhưng cơ chế giao dịch xuyên biên giới bằng đồng tiền này sẽ phức tạp hơn nhiều, đòi hỏi sự phối hợp chính sách giữa Trung Quốc với các quốc gia khác.

Dựa trên các thông tin gần đây do các nguồn tin thân cận với PBoC cung cấp, loại tiền điện tử này sẽ được phát hành và quy đổi theo “hệ thống hai bậc.”

Ở bậc đầu tiên, PBoC sẽ phát hành và mua lại tiền điện tử thông qua các ngân hàng thương mại. Ở bậc thứ hai, các ngân hàng thương mại sẽ chịu trách nhiệm phân phối lại tiền điện tử cho những người tham gia thị trường bán lẻ.

Tuy nhiên, tại bậc thứ hai này, việc sử dụng công nghệ blockchain (chuỗi khối) vẫn chưa được quyết định chắc chắn vì PBoC vẫn chưa đưa ra một lộ trình kỹ thuật rõ ràng cho đồng tiền điện tử này.

Tại sao PBOC quyết định phát hành đồng tiền này?

Hồi tháng Tám, khi đưa ra những thông tin về việc sắp ra mắt đồng tiền điện tử riêng, PBoC đã lập luận rằng lý do cơ bản đằng sau động thái này là để bảo vệ “chủ quyền” về ngoại hối của Trung Quốc.

Thay vì cạnh tranh với đồng NDT hiện tại, đồng tiền điện tử mới sẽ được liên kết với đồng nội tệ Trung Quốc theo cách cộng sinh.

Việc PBoC nắm quyền kiếm soát hoàn toàn đồng tiền điện tử này cũng giảm thiểu khả năng mất quyền tự chủ tiền tệ - một yếu tố khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tỏ ra nghi ngại đồng Libra của Facebook.

Từ đó, đồng tiền giấy và đồng tiền điện tử có thể tăng cường sức mạnh cho nhau. Sự phát triển rộng rãi của các dịch vụ tài chính dựa trên các nền tảng kỹ thuật số có thể giúp những người dân ở vùng nông thôn Trung Quốc tiếp cận được nhiều hơn sự thịnh vượng từ các “động cơ” kinh tế hàng đầu của đất nước, chủ yếu ở các khu vực ven biển.

Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Trung Quốc cần phải phát triển thị trường nội địa càng lớn mạnh càng tốt khi xuất hiện một loạt các rào cản hạn chế một số thị trường tiêu dùng tiếp cận hàng xuất khẩu Trung Quốc.

Hơn nữa, sự ra đời của đồng tiền điện tử này sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc xây dựng chính sách tiền tệ. Dòng dữ liệu lớn từ các hệ thống giao dịch cho phép Bắc Kinh cải thiện khả năng ra những quyết định và quản lý chiến lược, cùng với phòng chống nạn rửa tiền và những hoạt động phi pháp khác.

Song một số nhà phân tích cho rằng một trong những mục đích chính của đồng tiền điện tử này là giúp tăng cường vị thế của đồng NDT trên thị trường toàn cầu, giúp đưa đồng nội tệ Trung Quốc vào nhiều giao dịch thường ngày hơn trên toàn thế giới.

Việc PBoC phát hành đồng tiền điện tử riêng cũng có thể là công cụ giúp mở rộng phạm vi hoạt động tài chính quốc tế của Trung Quốc, thông qua quan hệ đối tác thương mại với các nước sẵn sàng hợp tác với các công ty Trung Quốc theo cách thoát khỏi sự thống trị của Mỹ trên lĩnh vực tài chính toàn cầu.

TheoVietnam+

;
;
.
.
.
.
.