Nâng tầm giá trị của sản phẩm nước mắm Nam Ô

.

Ngày 27-8, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện ký Quyết định số 2974/QĐ-BVHTTDL công bố nghề làm nước mắm Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) nằm trong danh mục các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Có thể nói, đây là tin vui không chỉ đối với làng nghề nước mắm Nam Ô mà còn là tín hiệu đáng mừng vì mở ra nhiều cơ hội cho việc gìn giữ và phát triển những giá trị văn hóa - lịch sử lâu đời còn tồn tại trên địa bàn thành phố. Báo Đà Nẵng ghi nhận những ý kiến về vấn đề này.

Người dân làng nghề nước mắm Nam Ô giới thiệu về phương pháp làm mắm theo công thức gia truyền “ 3 cá 1 muối”.  Ảnh: KHÁNH HÒA
Người dân làng nghề nước mắm Nam Ô giới thiệu về phương pháp làm mắm theo công thức gia truyền “ 3 cá 1 muối”. Ảnh: KHÁNH HÒA

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng: Nước mắm Nam Ô là di sản phi vật thể đầu tiên về ẩm thực của Việt Nam

Đây là vinh dự rất lớn của làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô vì nó là di sản phi vật thể đầu tiên về ẩm thực của Việt Nam. Sắp tới đây, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ cùng với UBND quận Liên Chiểu xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể quốc gia; đồng thời xây dựng bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm nước mắm Nam Ô để sản phẩm này ra thị trường không chỉ trong nước và quốc tế.

Từ tín hiệu vui này, chúng tôi cũng muốn chính quyền địa phương chung tay, khuyến khích người dân làm nghề cùng nhau khôi phục lại làng nghề nước mắm Nam Ô thêm lớn mạnh bằng hình thức “nghệ nhân trao truyền”.

Tức là những người làm nghề giỏi trong làng sẽ chia sẻ bí quyết cho những người trẻ, tạo ra sản phẩm nước mắm Nam Ô khác biệt so với nước mắm những nơi khác, đồng thời bảo đảm an toàn, không sử dụng hóa chất để cho ra những giọt nước mắm thành phẩm thơm ngon.

Do vậy, cần có những thế hệ làm nghề kế cận thật sự tâm huyết thì mới có thể duy trì và bảo tồn được nghề. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn làng nghề nước mắm Nam Ô sẽ trở thành bảo tàng cộng đồng - một bảo tàng sống về làng nghề để du khách khi đến đây sẽ thấy tận mắt những quy trình chế biến cho ra được một sản phẩm nước mắm ngon.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam Vitours: Góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm của du lịch thành phố

Với các sản phẩm của mình, Làng nghề nước mắm Nam Ô sẽ góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm của du lịch thành phố Đà Nẵng nói chung, phía tây thành phố nói riêng. Với việc có mặt trong bản đồ sản phẩm văn hóa phi vật thể quốc gia, nước mắm Nam Ô sẽ được nâng lên một tầm cao mới, sẽ được quảng bá nhiều hơn và đi đôi với đó là phải bảo tồn và phát triển được sản phẩm này.

Nếu sản phẩm được đem vào các nhà hàng, khách sạn, chế biến, phục vụ cho du khách chắc hẳn sẽ nâng cao giá trị cũng như thương hiệu của sản phẩm. Lâu nay, làng nghề cũng có du khách tới thăm, nhưng vẫn còn khá mờ nhạt do chưa phải là một cụm du lịch hoàn chỉnh. Vì vậy khi đã được công nhận thì nên đầu tư, tôn tạo, mở rộng để làng nghề nước mắm Nam Ô trở thành một sản phẩm văn hóa phi vật thể quốc gia đúng với gia trị của nó.

Ông Bùi Thanh Phú, Giám đốc Công ty TNHH Nước mắm Hồng Hương: Động lực để đeo đuổi với nghề cha ông truyền lại

Tôi và nhiều anh chị em trong làng rất vui và hạnh phúc khi nghề làm nước mắm Nam Ô được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là sản phẩm văn hóa phi vật thể của quốc gia. Với quyết định này, nghề làm nước mắm Nam Ô sẽ chính thức được gìn giữ và có sự quan tâm, hỗ trợ để phát triển bền vững hơn.

Riêng với những người tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm nước mắm truyền thống Nam Ô như chúng tôi thì có thêm động lực và niềm tin để kiên trì tiếp nối nghề của cha ông để lại. Đây cũng là cơ hội để các đơn vị sản xuất tiếp tục mạnh dạn nâng cao chất lượng, mở rộng tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, đưa nước mắm truyền thống Nam Ô từng bước vươn xa trên thị trường trong và ngoài nước.

Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ nhiệm Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô: Quảng bá sâu rộng về làng nghề

Đây là niềm vui lớn đối với làng nghề nước mắm Nam Ô và là nguồn động viên để bà con trong làng tiếp tục nghề truyền thống của cha ông để lại. Hiện nay, nhiều người dân trong làng đang có kế hoạch để quay trở lại với nghề truyền thống này.

Trong thời gian tới, chúng tôi hy vọng có thêm nhiều chương trình, hoạt động nhằm đẩy mạnh quảng bá thương hiệu nước mắm Nam Ô cũng như gắn làng nghề với hoạt động du lịch của thành phố, tăng cường các tour, tuyến đến tham quan tại làng nghề.

Chúng tôi cũng mong muốn các cấp cơ quan, chính quyền quan tâm, hỗ trợ để đầu tư phát triển làng nghề ngày càng quy mô và hấp dẫn hơn nhằm góp phần quảng bá sâu rộng cho sản phẩm của làng nghề cũng như giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước về những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời của nước mắm Nam Ô.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Chủ cơ sở nước mắm nhĩ Bình Minh: Cơ hội phát triển kinh tế của địa phương

Khi quyết định quay lại nghề truyền thống của gia đình, tôi cũng đã có những dự định và định hướng để phát triển, mở rộng nghề làm nước mắm truyền thống này. Giờ nghề truyền thống được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tôi tin tưởng rằng làng nghề sẽ hồi sinh.

Đây cũng sẽ là cơ hội phát triển kinh tế của địa phương gắn với du lịch của thành phố. Trong tương lai không xa làng nghề sẽ không chỉ là nơi sản xuất ra nước mắm Nam Ô trứ danh mà còn là điểm tham quan của du khách gần xa khi đến với Đà Nẵng. Ngay với cơ sở Bình Minh, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất phát triển thương hiệu nước mắm nhĩ Bình Minh - nước mắm Nam Ô, phát triển thị trường.

KHÁNH HÒA - THU HÀ thực hiện

;
;
.
.
.
.
.