Tích hợp nội dung quy hoạch ngành, quận, huyện vào quy hoạch thành phố

.

Luật Quy hoạch số 21/2017/QH ngày 24-11-2017 được Quốc hội khóa XIV thông qua có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Theo đó, công tác lập quy hoạch được tiến hành ở 3 cấp bao gồm cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng Trần Phước Sơn (ảnh) đã có cuộc trao đổi với Báo Đà Nẵng về tình hình thực hiện Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

250
 

* Vì sao thực hiện lập quy hoạch thành phố ở thời điểm này khi mà địa phương đang triển khai nhiều nội dung liên quan về quy hoạch như Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch chung, thưa ông?

- Hiện thành phố đang thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở Quy hoạch tổng thế phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1866/QĐ-TTg ngày 8-10-2010.

Tuy nhiên, do Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố hiện tại chỉ còn hiệu lực đến năm 2020; các nội dung quy hoạch đã không còn bảo đảm được tính định hướng trong bối cảnh phát triển mới khi xu hướng hội nhập quốc tế và khu vực ngày càng sâu rộng. Các cải cách trong nước đã và đang triển khai thực hiện mạnh mẽ.

Luật Quy hoạch số 21/2017/QH ngày 24-11-2017 được Quốc hội khóa XIV thông qua có hiệu lực từ ngày 1-1-2019.

Luật Quy hoạch có nhiều nội dung mang tính cải cách, đổi mới quan trọng, hướng đến việc quy hoạch tích hợp, đa ngành phù hợp với kinh tế thị trường, chú trọng nhiều hơn đến khía cạnh không gian trong quản lý phát triển, đặc biệt là tính liên kết về không gian phát triển.

Bên cạnh đó, việc Chính phủ sắp ban hành Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước 10 năm 2021-2030; Quy hoạch tổng thể quốc gia; Quy hoạch không gian biển quốc gia; Quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đòi hỏi thành phố Đà Nẵng phải có quy hoạch mới phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước và các nội dung quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng. Đồng thời thông qua tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và triển khai Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Qua đó, việc lập quy hoạch sẽ đưa ra tầm nhìn mới, yêu cầu và kỳ vọng mới về một sự phát triển nhanh nhưng ổn định, bền vững và bao trùm. Bối cảnh phát triển mới này đặt ra yêu cầu phải lập “Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là công cụ quan trọng để chỉ đạo quản lý, điều hành phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới. Đồng thời là căn cứ hữu ích cho các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội phát triển tại Đà Nẵng.

Các nội dung quy hoạch ngành, quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội cấp quận, huyện được tích hợp vào quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. TRONG ẢNH: Vệt đô thị khu vực quận Sơn Trà.											      Ảnh: TRIỆU TÙNG
Các nội dung quy hoạch ngành, quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội cấp quận, huyện được tích hợp vào quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. TRONG ẢNH: Vệt đô thị khu vực quận Sơn Trà. Ảnh: TRIỆU TÙNG

* Vì sao có mốc thời gian “tầm nhìn đến năm 2045” và các sở, ngành, quận, huyện có lập quy hoạch phát triển?

- Mốc thời gian “tầm nhìn đến năm 2045” đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện bởi đây là mốc thời gian 100 năm Quốc khánh nước ta.

Đối với các sở, ngành, quận, huyện sẽ không lập quy hoạch do Luật Quy hoạch quy định. Tuy nhiên, các kế hoạch phát triển của sở, ngành, quận, huyện được tích hợp vào quy hoạch thành phố. Sở Kế hoạch và Đầu tư thời gian qua đã chủ động gửi các sở, ngành, quận, huyện góp ý vào dự thảo Nhiệm vụ lập Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2045.

Tính đến ngày 15-8-2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được 19 góp ý của các sở, ngành, quận, huyện. Nhiều góp ý xác đáng được Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu như Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp đề xuất nội dung: ưu tiên phát triển ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ cao; nguyên cứu, tổ chức không gian khu vực lân cận Khu Công nghệ cao theo định hướng hình thành khu đô thị đổi mới, sáng tạo. Sở Văn hóa-Thể thao bổ sung các văn bản pháp lý liên quan đến ngành. UBND huyện Hòa Vang góp ý bổ sung phương án phân bổ dân cư trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn góp ý bổ sung tích hợp nội dung quy hoạch 3 loại rừng trồng để bảo đảm sự phát triển bền vững…

* Vậy những nội dung cơ bản của Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 là gì? Tiến độ thực hiện ra sao?

- Với sự hỗ trợ tư vấn từ Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nên việc triển khai thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu quy hoạch có nhiều thuận lợi. Về nội dung, Sở Kế hoạch và Đầu tư thống nhất các nội dung chính gồm rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chỉ tiêu và định hướng phát triển kinh tế-xã hội, các ngành, lĩnh vực của Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố đến năm 2020 cho phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI.

Đánh giá thực trạng phát triển kinh tế-xã hội, hiện trạng sử dụng đất; hiện trạng phát triển đô thị giai đoạn 2011-2020 để rút ra những thành tựu, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân. Tiếp đó là phân tích, đánh giá các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù và dự báo khả năng khai thác các nguồn lực cho phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ quy hoạch.

Các nội dung quy hoạch ngành, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp quận, huyện đều tích hợp vào quy hoạch thành phố theo Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Trong ảnh: Khu vực các quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn còn nhiều dư địa phát triển đô thị.  Ảnh: TRIỆU TÙNG
Các nội dung quy hoạch ngành, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp quận, huyện đều tích hợp vào quy hoạch thành phố theo Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Trong ảnh: Khu vực các quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn còn nhiều dư địa phát triển đô thị. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 tập trung xác định quan điểm, mục tiêu và phương án phát triển; phương án tổ chức hoạt động kinh tế-xã hội; phương án quy hoạch hệ thống đô thị; phương án phát triển kết cấu hạ tầng; phương án phân bổ khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp quận, huyện; phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện; phương án bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học, phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu.

Xác định các chương trình, dự án đầu tư phát triển theo thứ tự ưu tiên thực hiện trong thời kỳ quy hoạch. Xây dựng các cơ chế, các chính sách và giải pháp huy động vốn để đầu tư xây dựng, thúc đẩy thành phố phát triển theo hướng bền vững; chính sách và giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển theo quy hoạch.

Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) xây dựng nhiệm vụ lập Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thời gian đến, UBND thành phố thành lập Ban Chỉ đạo lập Quy hoạch thành phố và các hoạt động chuẩn bị khác như lựa chọn nhà thầu, đơn vị tư vấn lập quy hoạch, thẩm định… và hoàn thành lập Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

* Xin cảm ơn ông.

Một số nội dung góp ý của sở, ngành và quận, huyện

Sở Du lịch góp ý bổ sung nội dung “thành phố Đà Nẵng là trung tâm lớn về thương mại-dịch vụ”; bổ sung thu thập số liệu, dữ liệu về môi trường và các tài nguyên nhân văn. Đối với nội dung “phương hướng phát triển ngành du lịch” thì xây dựng đề mục riêng.

Sở Nội vụ góp ý cần nêu “thực trạng và phương án tiếp tục đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”. Sở Tư pháp góp ý đề nghị bổ sung thêm các nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết và các khâu đột phá của thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ quy hoạch. Sở Thông tin và Truyền thông góp ý bổ sung các căn cứ lập quy hoạch như Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1-7-2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Quyết định số 32/2012/QĐ-TTg ngày 27-7-2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch phát triển viễn thông đến năm 2020; đồng thời đề xuất bổ sung nguyên tắc lập quy hoạch là công khai, minh bạch, bảo đảm sự giám sát của người dân và cộng đồng; bổ sung việc xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố thông minh tại nội dung “Dự báo triển vọng và nhu cầu phát triển trong thời kỳ quy hoạch”; đề nghị bổ sung nhiệm vụ: phân tích, đánh giá tác động của khoa học công nghệ, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để thấy sự phát triển của địa phương; bổ sung phương án quy hoạch không gian ngầm đô thị.

Sở Khoa học và Công nghệ đề nghị bổ sung đề mục riêng về “Định hướng phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp” và bổ sung thêm một số nhiệm vụ. Sở Công thương đề nghị chuyển nội dung “Phát triển hạ tầng các khu công nghiệp: Hòa Cầm (giai đoạn 2), Hòa Nhơn, Hòa Ninh; hoàn thành việc di dời các cơ sở sản xuất xen lẫn trong khu dân cư vào các cụm công nghiệp. Sở Tài chính đề nghị bổ sung nguồn kinh phí thực hiện vào nhiệm vụ lập quy hoạch thành phố.

(Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư)

TRIỆU TÙNG thực hiện

;
;
.
.
.
.
.