Phòng chống dịch tả heo châu Phi: Tiếp tục dập dịch, bảo đảm an toàn cho người dùng

.

Trong hai tháng 7 và 8-2019, huyện Hòa Vang có 4 xã được công bố hết dịch tả heo châu Phi là Hòa Ninh, Hòa Phú, Hòa Châu và Hòa Nhơn. Thế nhưng, ngay sau đó, đàn heo nuôi lại phát bệnh dịch tả heo châu Phi tại xã Hòa Liên và Hòa Bắc.

Các đơn vị, địa phương tiếp tục phun thuốc tiêu độc khử trùng với tần suất dày để khống chế lây lan dịch tả heo châu Phi. Ảnh: H.HIỆP
Các đơn vị, địa phương tiếp tục phun thuốc tiêu độc khử trùng với tần suất dày để khống chế lây lan dịch tả heo châu Phi. Ảnh: H.HIỆP

Ông Nguyễn Văn Lý, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang cho hay: “Mặc dù huyện đã khẩn trương và tập trung triển khai công tác phòng chống dịch như thường xuyên vệ sinh tiêu độc, khử trùng; vận động người chăn nuôi không để heo ăn thức ăn thừa chưa nấu chín kỹ… để phòng chống dịch bệnh trên đàn heo; tuy nhiên, hiện nay dịch tả heo châu Phi vẫn còn xuất hiện ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn huyện. Tại các hộ chăn nuôi trang trại lớn thì đã hết dịch và tổ chức chăn nuôi ổn định”.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố) Cao Xuân Thái thông tin, hiện trên địa bàn cả nước có 7.890 xã thuộc 650 huyện của 63 tỉnh, thành phố đã có dịch tả heo châu Phi với tổng số heo tiêu hủy hơn 5,3 triệu con và tổng khối lượng 305.202 tấn, chiếm 7% tổng khối lượng thịt heo của cả nước.

Đặc biệt, có đến 515 xã thuộc 235 huyện của 47 tỉnh, thành phố có dịch bệnh tả heo châu Phi đã qua 30 ngày nhưng sau đó tái phát sinh heo bệnh…

Riêng tại địa bàn Đà Nẵng, dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trong đó có một số khu vực ở các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn (dù không được phép chăn nuôi theo quy định của thành phố).

Tính đến nay, tổng số heo mắc bệnh, chết và tiêu hủy theo quy định trên địa bàn thành phố đã gần 12.000 con với tổng khối lượng 608 tấn. Đặc biệt, 4 xã Hòa Châu, Hòa Nhơn, Hòa Phú, Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) và phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ), phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) đã qua 30 ngày liên tiếp không xuất hiện dịch bệnh, nhưng sau đó lại tái phát sinh heo mắc bệnh dịch tả châu Phi.

“Trong thời gian qua, chúng tôi thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ hướng dẫn các địa phương chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Qua theo dõi, có thể thấy dịch tả heo châu Phi chỉ xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố, chưa xuất hiện tại các hộ chăn nuôi trang trại lớn. Hiện đã có chủ trương cho tái đàn heo nhưng phải bảo đảm chăn nuôi an toàn sinh học”, ông Cao Xuân Thái cho biết thêm.

Ông Cao Xuân Thái cũng đề xuất giải pháp xử lý và ngăn chặn dịch tả heo châu Phi là khi phát hiện có dịch cần tiêu hủy lợn chết, không cho vận chuyển heo vào vùng an toàn dịch bệnh; tiếp tục tuyên truyền các biện pháp hiệu quả, kinh tế nhất trong phòng chống dịch bệnh tả heo châu Phi là sử dụng vôi, thuốc sát trùng.

Khi tái đàn thì nhập nguồn heo giống âm tính với dịch, xử lý thức ăn thừa, nước thải nhà bếp và các biện pháp an toàn sinh học khác. Không vứt xác lợn chết xuống sông, suối, ao, hồ để virus không có chỗ cư trú.

Ông Cao Xuân Thái cho biết, tình hình giết mổ và kinh doanh heo trên địa bàn thành phố đã trở lại bình thường. Theo đó, sản lượng heo giết mổ tại các lò mổ từ 1.300 - 1.500 con/ngày.

Ông Phạm Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng cho hay, hiện số lượng heo mổ hàng đêm tại lò mổ Đà Sơn từ 1.100-1.200 con/ngày. Heo được đưa vào lò mổ chủ yếu là từ các trang trại lớn của Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định đã kiểm tra dịch tễ, bảo đảm heo khỏe mạnh, an toàn.

Ghi nhận trên thị trường cho thấy, hiện do nguồn cung heo thịt đang xuống thấp nên giá thịt heo thương phẩm đã tăng lên từ 45.000- 48.000 đồng/kg, cao hơn từ 10.000-20.000 đồng/kg so với thời điểm có xuất hiện dịch tả heo châu Phi tại thành phố.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.