Sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp

.

Để sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả trên địa bàn, UBND huyện Hòa Vang chỉ đạo đánh giá phân loại mục đích sử dụng các loại đất, điều kiện sản xuất: đất nông nghiệp đủ điều kiện sản xuất, đất không sản xuất được do khai thác khoáng sản, do người dân bỏ hoang.

Mô hình dưa lưới của Hợp tác xã Rau củ quả Hòa Vang tại xã Hòa Ninh.
Mô hình dưa lưới của Hợp tác xã Rau củ quả Hòa Vang tại xã Hòa Ninh.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp có đủ điều kiện sản xuất, ông Nguyễn Văn Lý, Trưởng phòng NN&PTNT Hòa Vang cho biết, UBND huyện chỉ đạo các ngành thay đổi cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng, cơ cấu con vật nuôi, cải tạo đồng ruộng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất cây trồng, con vật nuôi đáp ứng nhu cầu đô thị, khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai.

Những nội dung này đã được đề cập tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới xã Hòa Tiến (giai đoạn 2010-2019) diễn ra chiều 16-10 vừa qua. Tham luận của Hội Nông dân xã đã điểm qua tình hình thời tiết biến động bất thường, mưa bão, nắng hạn kéo dài khiến sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, nhất là ngành trồng trọt, việc sử dụng giống lúa càng dài ngày càng bất lợi và rủi ro.

Để khắc phục tình trạng này, mô hình sản xuất lúa hữu cơ đã được các cơ quan chức năng lựa chọn, triển khai tại cánh đồng thôn An Trạch. Đây là mô hình đầu tiên được triển khai tại Đà Nẵng với việc bố trí giống ngắn ngày, chất lượng gạo thơm ngon, không dùng phân vô cơ, không dùng thuốc hóa học mà chỉ dùng thuốc sinh học để phòng trừ dịch bệnh, cho năng suất ổn định, chuột ít cắn phá, giá thành cao, mang lại lợi nhuận cao cho nông dân.

Ngoài ra, theo ông Ngô Ngọc Trúc, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến, vùng rau chuyên canh Yến Nê và Cẩm Nê được đầu tư mở rộng với tổng diện tích 13,7ha theo hướng an toàn, chủ yếu cung cấp cho thị trường Đà Nẵng. Hai vùng rau này có điều kiện thổ nhưỡng thích hợp, có thị trường tiêu thụ (chợ Đầu mối, các khu công nghiệp, trường học...) nên nông dân mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tập trung sản xuất rau an toàn cho hiệu quả cao. Nông dân chuyên canh rau bình quân mỗi hộ thu nhập trên 35 triệu đồng/năm.

Nhìn chung trên toàn huyện, ngoài đất nông nghiệp sản xuất cho hiệu quả cao, vẫn còn đất nông nghiệp không sản xuất được do ảnh hưởng các hoạt động khai thác khoáng sản, người dân bỏ hoang. Theo số liệu của Phòng NN&PTNT huyện, công tác rà soát đất nông nghiệp cho thấy tổng diện tích đất nông nghiệp người dân tự ý bỏ hoang không sản xuất (ở 4 xã Hòa Nhơn, Hòa Tiến, Hòa Khương và Hòa Sơn) là gần 28,3ha và đất nông nghiệp không sản xuất được do ảnh hưởng khai thác khoáng sản (ở hai xã Hòa Nhơn và Hòa Ninh) là trên 37ha.

Để sử dụng hiệu quả trên 65ha đất nói trên, ngoài việc các công ty đang khai thác khoáng sản đã hỗ trợ vụ mùa cho nhân dân, UBND huyện chỉ đạo các ngành lập phương án thu hồi đối với các trường hợp người dân có điều kiện sản xuất nhưng bỏ hoang hoặc thực hiện cải tạo đồng ruộng, hệ thống tưới tiêu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với các khu vực không chủ động nước.

Để xây dựng chính sách hỗ trợ về pháp lý đất đai nhằm khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn, nhất là doanh nghiệp nông nghiệp, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành tham mưu cho thành phố phê duyệt quy hoạch 7 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các chính sách khuyến khích đất đai, đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện Hòa Vang đã phát triển 3 mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại các xã Hòa Ninh và Hòa Phú.

Từ năm 2017, huyện đã đẩy mạnh đầu tư, xây dựng các nhà kính sản xuất các loại rau củ quả tại thôn Trung Nghĩa (xã Hòa Ninh) và thôn Đông Lâm (xã Hòa Phú). Riêng xã Hòa Ninh có có thêm mô hình trồng rau thủy canh trong nhà kính. Giống mới và ứng dụng công nghệ cao đã và đang góp phần mang lại hiệu quả cho việc sử dụng đất nông nghiệp ở Hòa Vang.

Bài và ảnh: VĂN THÀNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.