Xây dựng văn hóa doanh nghiệp: Không phải chờ đến lúc giàu có mới làm

.

Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp (VHDN) do Thủ tướng Chính phủ phát động nhấn mạnh việc xây dựng và phát triển VHDN là yêu cầu cơ bản và cấp thiết để phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Một số doanh nhân đã chia sẻ những vấn đề liên quan đến xây dựng VHDN.

Các doanh nghiệp thường tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, tạo sự giao lưu trong cuộc sống. Trong ảnh: Người lao động cổ vũ tại cuộc thi chạy marathon phong trào ở thành phố.                               Ảnh: TRIỆU TÙNG
Các doanh nghiệp thường tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, tạo sự giao lưu trong cuộc sống. Trong ảnh: Người lao động cổ vũ tại cuộc thi chạy marathon phong trào ở thành phố. Ảnh: TRIỆU TÙNG

* Ông Trương Đình Đức, Trưởng đại diện Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam - Văn phòng đại diện miền Trung tại Đà Nẵng: Thiếu văn hóa thì doanh nghiệp như ngôi nhà thiếu trụ cột

Thời nào cũng vậy, văn hóa doanh nghiệp vẫn luôn được coi là yếu tố khẳng định năng lực cạnh tranh, cam kết phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp. Văn hóa dẫn dắt chiến lược kinh doanh và chiến lược kinh doanh thực hiện trên nền tảng văn hóa doanh nghiệp. Theo tôi, doanh nghiệp cần có 3 yếu tố tác động đến việc xây dựng mô hình VHDN. Đầu tiên là tư tưởng lãnh đạo và tầm nhìn, tiếp đó là giá trị niềm tin đối với sự phát triển của doanh nghiệp và cuối cùng là mô hình quản lý. Nếu coi doanh nghiệp như ngôi nhà thì văn hóa doanh nghiệp là những trụ cột. Nếu văn hóa là ngọn đuốc soi đường thì xây dựng văn hóa là hành trình thắp lửa. Không ai khác, chính là các doanh nhân, nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải là người thắp lửa.

Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam chính thức hoạt động từ tháng 7-2013. Trong nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam tiếp tục thực hiện các giải pháp xây dựng Hội ngày càng vững mạnh, thực sự trở thành ngôi nhà chung của đội ngũ doanh nhân tư nhân Việt Nam. Hội sẽ đổi mới công tác theo hướng tăng cường kết nối, liên kết giữa các hội viên, giúp doanh nhân có cơ hội kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, tiếp cận công nghệ mới và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Vấn đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp cũng là yếu tố cốt lõi đang được các tổ chức cơ sở của Hội phát động, triển khai đến hội viên. Theo đó, giá trị cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp là giá trị của niềm tin, để từ đó tạo ra những giá trị sống và giá trị cống hiến thể hiện qua hành vi ứng xử, tương tác giữa con người với nhau, phát huy trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng.

* Ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp Hệ thống Xanh (quận Thanh Khê): Người đứng đầu cần tạo lập văn hóa doanh nghiệp

Tôi nghĩ VHDN sẽ được cảm nhận rõ nhất ở các công ty, tập đoàn lớn. Còn đối với startup hay doanh nghiệp nhỏ, VHDN chính là tinh thần của người sáng lập. Quả thật, đối với các startup, dù có cung cấp môi trường làm việc năng động, thoải mái hay mức lương đãi ngộ tốt thì vẫn khó lòng “giữ chân” người giỏi, bởi họ luôn có thể tìm thấy những điều kiện tốt hơn các công ty lớn, các tập đoàn quốc tế.
Theo tôi, VHDN chính là giá trị mà người đứng đầu doanh nghiệp đó luôn tin tưởng và tạo lập, rồi tìm cách truyền thông cho nhân viên hiểu và làm theo. Nhờ đó mà doanh nghiệp có thể tạo ra sản phẩm và dịch vụ khác biệt cho thị trường, từ đó giúp doanh nghiệp tăng trưởng.

Trong công ty công nghệ, các bạn lập trình viên thường không giỏi về kinh doanh. Mỗi lần trao đổi với các bạn, tôi thường tìm cách kết nối công việc mà các bạn đang làm với công việc của đội ngũ bán hàng, giúp các bạn hiểu được góc nhìn của khách hàng, hiểu được tại sao mình cần phải phát triển sản phẩm như vậy. Từ đó, mọi người trong công ty hiểu rằng nhiệm vụ và sứ mệnh của mình là tạo ra sản phẩm giá trị, khiến khách hàng hài lòng. Tại Công ty Giải pháp Hệ thống Xanh, có 2 điều mà các anh em luôn tự nhắc nhau: một là cố gắng học tập, làm việc và cải tiến liên tục; hai là không bao giờ bỏ cuộc.

* Ông Trần Phước Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam - Chi nhánh miền Trung: Không phải đến khi giàu có mới xây dựng văn hóa doanh nghiệp

VHDN thường bắt nguồn từ văn hóa của người đứng đầu doanh nghiệp. Giá trị bản sắc riêng của một doanh nghiệp trước hết là không làm ăn gian dối, không luồn lách và lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trốn thuế; có trách nhiệm với người lao động và môi trường sống của cộng đồng cư dân nơi doanh nghiệp hoạt động… chứ không nói suông. Xây dựng VHDN không phải đợi đến lúc có tiền, lúc thành công mới làm.

Theo tôi, từng doanh nghiệp cần xác định thời điểm, từng giai đoạn phù hợp để gắn việc xây dựng VHDN với chiến lược sản xuất kinh doanh và phát triển của doanh nghiệp. Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam- Chi nhánh miền Trung có quy mô hoạt động nhỏ nhưng đã chung sức xây dựng một nét VHDN. Hiệp hội các nhà thầu đã xây dựng mô hình Câu lạc bộ Cà-phê doanh nhân.

Ở đó, mọi người cùng tiếp nhận và sẻ chia ý thức xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, thượng tôn pháp luật; phát huy tích cực, đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động sản xuất; tuân thủ các chuẩn mực quốc tế thời kỳ hội nhập, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp sáng tạo; đồng thời đề cao trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh, chăm lo tốt đời sống người lao động; gắn mục tiêu phát triển của doanh nghiệp với mục tiêu phát triển bền vững của địa phương và đất nước.

TRIỆU TÙNG- KHANG NINH (ghi)

;
;
.
.
.
.
.