Tiếp cận nguồn vốn để đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, mở rộng quy mô và sức cạnh tranh trên thị trường là nhu cầu cấp thiết đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hiện nay tại Đà Nẵng.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, cơ sở sản xuất luôn có nhu cầu về vốn vay để đầu tư đổi mới công nghệ. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH MTV Sản xuất và thương mại Dana Plywood. |
Ông Đặng Nam Hưng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Phát Tiến Hưng: Nhu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp
Trước đây, công ty chúng tôi hoạt động ở lĩnh vực sản xuất sản phẩm tôn truyền thống. Tuy nhiên, qua gần 10 năm kinh doanh, sản phẩm tôn truyền thống ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế, tính cạnh tranh trên thị trường dần yếu đi.
Trước thực tế này, để đưa doanh nghiệp phát triển và nâng tầm quy mô, chúng tôi phải nhiều lần đầu tư đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất và nghiên cứu hướng đi mới đó là sản xuất tôn nhựa với nhiều tính năng, ưu điểm vượt trội.
Trong quá trình đầu tư chuyển đổi hướng kinh doanh này, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ nguồn vốn từ các chương trình của ngành Công thương với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Qua đây để thấy rằng, tiếp cận vốn vay để đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất là nhu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Chúng tôi luôn mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành chức năng nhằm tiếp cận được nguồn vốn lớn và thuận lợi hơn. Bản thân doanh nghiệp khi nhận được sự hỗ trợ cũng ý thức hơn trong việc tập trung hoạt động nhằm sử dụng vốn hiệu quả nhất có thể.
Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng: Câu chuyện lâu dài và cần được làm thường xuyên
Một trong những hạn chế cốt lõi của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đó là thường hoạt động ở những ngành, lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận không cao do hạn chế về năng lực tài chính, công nghệ còn lạc hậu, khả năng cạnh tranh thấp và địa bàn hoạt động trong phạm vi hạn hẹp… nên vấn đề hỗ trợ, tiếp sức cho họ về vốn nhằm đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và quy mô doanh nghiệp là cần thiết.
Đối với doanh nghiệp của thành phố, đa phần là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên việc tiếp cận vốn vay gặp nhiều trở ngại do vướng thủ tục, khả năng đáp ứng các điều kiện do ngân hàng, tổ chức tín dụng đề ra chưa cao.
Đồng thời, chúng ta chưa có các cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, đơn cử về thuế, bảo hiểm xã hội… Do vậy, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp cận vốn vay để đầu tư đổi mới công nghệ, nâng tầm quy mô hoạt động là việc cần được làm thường xuyên, hiệu quả.
Cần đa dạng hơn các kênh thông tin, kênh vay vốn cho mọi đối tượng doanh nghiệp, đơn vị sản xuất. Hiện nay, doanh nghiệp khi cần vốn chủ yếu vẫn phải tìm đến ngân hàng. Giải quyết tốt bài toán về nhu cầu nguồn vốn là giải pháp quan trọng để gỡ nút thắt cho nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh nhằm góp phần nâng tầm doanh nghiệp nội địa, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.
Ông Nguyễn Thành Quang, Chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh nhựa Bình Minh: Tiếp sức để mạnh dạn đầu tư
Thời gian qua, chúng tôi đầu tư dây chuyền mới là máy phủ màn PVC với tổng kinh phí 240 triệu đồng, trong nguồn kinh phí đó có nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình khuyến công là 100 triệu đồng.
Chính sự “tiếp sức” kịp thời này đã giúp chúng tôi giảm bớt nỗi lo về nguồn vốn trong quá trình đầu tư máy móc, công nghệ, đẩy mạnh hoạt động sản xuất-kinh doanh.
Thực tế, do những hạn chế về quy mô, tiềm lực tài chính nên việc tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng đối với các cơ sở sản xuất nhỏ như chúng tôi không hề dễ.
Trong khi đó, nhu cầu vay cũng không quá lớn nên tôi mong có thêm nhiều hơn nữa các chương trình hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, đơn vị sản xuất nhỏ để chúng tôi ổn định và mạnh dạn đổi mới mô hình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, các ngành chức năng quan tâm tuyên truyền, kết nối cơ sở sản xuất với các kênh vay vốn khác nhằm đa dạng nguồn tiếp cận.
Bài và ảnh: HOÀNG LINH