Giải pháp thông minh từ người trẻ

.

Tại khu vực triển lãm của Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo Đà Nẵng - SURF 2019 vào đầu tháng 11 vừa qua, có 2 gian hàng thu hút nhiều sự quan tâm của khách tham quan bởi “chủ nhân” chỉ ở độ tuổi 19-20 nhưng những giải pháp họ đem lại rất thông minh và hữu dụng.

Nguyễn Huy Dũng với sản phẩm đồng hồ nước thông minh.
Nguyễn Huy Dũng với sản phẩm đồng hồ nước thông minh.

Hai gian hàng trên của nhóm sinh viên Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Kỹ thuật với dự án “Gậy thông minh cho người già” và Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) với dự án “Đồng hồ nước thông minh”.

Hai dự án này cũng đã lọt vào vòng chung kết toàn quốc cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp 2019” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào đầu tháng 10 trước đó.

Lê Đặng Thái Phong (SN 1999), sinh viên năm 3 khoa Điện - Điện tử, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật kể, lúc mới vào năm thứ nhất, Phong từng chứng kiến cảnh người thầy của mình vừa làm việc ở văn phòng, vừa theo dõi mẹ già ở nhà qua iPad (kết nối camera).

Phong bảo: “Thầy nói rằng mẹ đã lớn tuổi, lúc nào thầy ra ngoài cũng phải để mắt, lỡ cụ ngã hay có bất kỳ vấn đề gì là thầy có thể chạy ngay về. Lúc đó, em bắt đầu nghĩ đến việc tạo một giải pháp có thể giúp thầy yên tâm hơn, không phải thường xuyên theo dõi qua iPad nữa”.

Là thành viên câu lạc bộ sinh viên nghiên cứu khoa học của trường, Phong rủ thêm 4 người bạn là Nguyễn Trọng Nhiên, Lê Như Thiên Sao, Lê Thị Hưởng và Huỳnh Đình Sâm cùng nghiên cứu ý tưởng. Sau cuộc khảo sát nhỏ, các bạn quyết định làm chiếc gậy thông minh, có khả năng báo động khi người sử dụng gậy bị ngã.

Phong cho biết, bình thường chiếc gậy được đặt theo phương thẳng đứng. Nếu người cầm gậy bị ngã khiến gậy ngã theo, cảm biến được gắn trên gậy sẽ ghi nhận và phát ra cảnh báo.

Hệ thống nhanh chóng định vị qua GPS được tích hợp sẵn, tự động gọi điện thoại, nhắn tin đến lần lượt các số điện thoại cài đặt trong ứng dụng đi kèm trên điện thoại, gửi vị trí định vị, đồng thời phát loa ngay tại chiếc gậy để những người xung quanh biết.

Ngoài ra, phần tay cầm của chiếc gậy cũng tích hợp sẵn các nút bấm. Nếu người già cảm thấy sức khỏe không ổn định, cần sự trợ giúp thì chỉ cần nhấn nút, các cuộc điện thoại, tin nhắn và cảnh báo sẽ được tự động gửi đi.

Phong kể, ban đầu nhóm nghiên cứu gắn hộp đựng thiết bị kèm bên cạnh cây gậy. Song nhận thấy như vậy quá cồng kềnh, các bạn đã tìm cách cải tiến và tích hợp vào phần tay cầm của gậy.

“Nhóm làm dự án này hơn 2 năm, có lúc bận rộn chuyện học hành ở trường nhưng chưa bao giờ nản. Đối với nhóm, dự án này không chỉ đơn thuần là một sản phẩm công nghệ mà còn là một món quà muốn gửi đến thầy giáo, bố mẹ, ông bà...”

Trong khi đó, dự án của Nguyễn Huy Dũng và Nguyễn Văn Kiên (Trường ĐH Bách khoa) tập trung vào một vấn đề mà gần như tất cả các gia đình đều đang đối mặt, đó là việc quản lý sử dụng nước.

Tại SURF 2019, Dũng cho biết, hiện nay việc đọc và ghi chỉ số nước thủ công mất nhiều thời gian, công sức, chi phí, lại dễ sai sót trong tổng hợp và xử lý số liệu. Bên cạnh đó, còn có tình trạng rò rỉ, thất thoát nước mà các gia đình không kiểm soát được nên Dũng và Kiên đã nghiên cứu sản phẩm “đồng hồ nước thông minh”.

Chiếc đồng hồ này có thể tự đọc dữ liệu, cập nhật và gửi dữ liệu theo thời gian thực về hệ thống. Từ đó, hệ thống tự tổng hợp số liệu, tính toán giá thành (hóa đơn sử dụng nước) rồi gửi về khách hàng.

Hệ thống kết nối với từng điện thoại của người sử dụng để gửi thông tin hằng ngày, hằng giờ theo nhu cầu. Theo Dũng, đối với đồng hồ cơ, cần đến 5 nhân viên để đọc được 1.000 đồng hồ nước trong ngày. Trong khi đó, nếu dùng đồng hồ nước thông minh, trong ngày làm việc, mỗi nhân viên có thể đọc hơn 3.000 địa chỉ khách hàng.

Dự án “đồng hồ nước thông minh” đang được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ để bảo vệ bản quyền và triển khai thí điểm ra thị trường. Ông Trần Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, trong thời gian tới, sở sẽ tập trung hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, các tổ chức, cá nhân có dự án khởi nghiệp..., đặc biệt ở giai đoạn đầu hình thành phát triển.

Trong đó, sở ưu tiên cho các dự án khởi nghiệp có khả năng tăng trường nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ và mô hình kinh doanh mới; các dự án phục vụ trực tiếp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, có lợi thế cạnh tranh cao và các dự án đoạt giải tại các cuộc thi khởi nghiệp của thành phố cũng như cuộc thi cấp vùng, cấp quốc gia.

Bài và ảnh: PHONG LAN

;
;
.
.
.
.
.