Kinh tế thành phố trong 10 tháng đầu năm có những chuyển biến tích cực với nhiều chỉ tiêu quan trọng về thu ngân sách, du lịch-dịch vụ-thương mại… dự báo sớm vượt kế hoạch đề ra.
Các lĩnh vực công nghiệp-xây dựng, xuất khẩu dần phục hồi, GRDP tăng trưởng khá. Trong khi đó, dự báo đến cuối năm, còn 4 chỉ tiêu khó đạt được kết quả như mục tiêu đề ra mặc dù đã có những nỗ lực cải thiện đáng ghi nhận.
Ngư nghiệp là một trong những khu vực kinh tế ước đạt kế hoạch đề ra. Trong ảnh: Tàu cá chuẩn bị vươn khơi ở Âu thuyền Thọ Quang. |
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 10 tháng qua, tiếp tục ghi nhận sự tăng tốc ở các ngành, lĩnh vực là động lực cho phát triển kinh tế thành phố như du lịch-dịch vụ, thương mại và công nghệ thông tin.
Theo đó, tổng doanh thu xã hội từ du lịch 10 tháng qua ước đạt hơn 19.936 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ 2018, dự kiến cuối năm đạt 30.973 tỷ đồng, tăng 16,7% (kế hoạch tăng 8,1%).
Lạm phát được giữ mức ổn định khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng đầu năm 2019 tăng 2,48%, thấp hơn mức tăng bình quân của cùng kỳ năm trước (3,37%).
Sản lượng khai thác hải sản năm 2019 ước đạt 37.636 tấn, đạt 100,4% kế hoạch, tăng 3,8% so với năm 2018. Kết quả thu hút đầu tư trong và ngoài nước tăng trưởng mạnh. Theo đó, tính đến 31-10, thành phố đã thu hút được 8.638,56 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và 658,176 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài.
Đáng lưu ý, ngành công nghệ thông tin tiếp tục đà bứt phá ấn tượng khi tổng doanh thu toàn ngành năm 2019 ước đạt 29.949 tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch, tăng 18,8% so với năm 2018; kim ngạch xuất khẩu phần mềm đến cuối năm ước đạt 89 triệu USD, đạt 111% kế hoạch, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dòng vốn tín dụng phục vụ cho đời sống kinh tế-xã hội tiếp tục lưu chuyển mạnh, dự kiến đến cuối năm tổng nguồn vốn huy động ước đạt 129.300 tỷ đồng, tăng 2,9% so với cuối năm 2018; tổng dư nợ cho vay các thành phần kinh tế ước đạt 175.500 tỷ đồng, tăng 17%.
Công tác thu ngân sách tiếp tục bảo đảm tiến độ, tính đến 31-10, tổng thu nội địa trên địa bàn thành phố là 20.537 tỷ đồng, đạt 87,5% dự toán và bằng 106,6% cùng kỳ. Đáng lưu ý, kết quả thu ngân sách tiếp tục ghi nhận sự đóng góp lớn nhất của khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh với tỷ lệ 24,6%, tiếp đó là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 19,7%.
Phân tích sâu về kết quả này, ông Nguyễn Đình Ân, Cục trưởng Cục Thuế thành phố cho biết, kinh tế có nhiều khởi sắc, hoạt động thu hút đầu tư tăng trưởng mạnh, khối kinh doanh trong nước đã tăng tốc trở lại, qua đó góp phần đem lại nguồn thu khá cho thành phố.
Còn 2 tháng nữa mới hết năm 2019, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, với những tín hiệu tăng trưởng tích cực như vậy, dự kiến đến cuối năm sẽ có 7/11 chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra, trong đó có các chỉ tiêu kinh tế quan trọng như tăng trưởng khu vực dịch vụ ước đạt 8% (kế hoạch 8-9%); khu vực nông, lâm nghiệp-thủy sản ước tăng 3% (kế hoạch 3-4%); tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng 5,3% so dự toán HĐND giao…
Bên cạnh các chỉ tiêu kinh tế, từ đầu năm đến nay, thành phố triển khai thi công và hoàn thành nhiều công trình quan trọng như công trình bãi đỗ xe tại số 255 Phan Châu Trinh giai đoạn 1 và mở 2 lối xuống biển…
Đồng thời, tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình động lực, trọng điểm đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, tiếp tục đồng bộ hạ tầng trên toàn thành phố như: Khu Công nghệ cao; Khu phụ trợ phục vụ dự án Khu công nghệ cao; hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Cẩm Lệ; tuyến đường liên xã Hòa Phú - Hòa Ninh; nâng cấp cải tạo Trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư, chuẩn bị khởi công dự án Cải thiện hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng - OFID (đường và cầu qua sông Cổ Cò, đường vành đai phía tây 2); cải thiện môi trường nước phía đông quận Sơn Trà; nâng cấp, cải tạo một số hạng mục tại bãi rác Khánh Sơn; Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đà Nẵng (giai đoạn 2); hoàn thành thủ tục, trình phê duyệt chủ trương đầu tư tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Thành Điện Hải (giai đoạn 2); xúc tiến các dự án quy mô lớn nhiều năm không được triển khai thực hiện như di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị; khu đô thị Đại học Đà Nẵng…
Nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng dự đoán vượt kế hoạch đề ra. (Ảnh chụp tại Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Dana Plywood.) |
Theo nhận định của PGS-TS Phạm Phú Bình, Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, bức tranh toàn cảnh về kinh tế của thành phố trong 10 tháng qua cũng như dự báo đến cuối năm có nhiều điểm sáng tích cực khi dòng vốn thu hút đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục tăng mạnh.
Các dự án thu hút đầu tư, dự án tăng vốn, góp vốn trong 2 năm 2018 và 2019 đi vào sản xuất sẽ bắt đầu đem lại giá trị kinh tế cho thành phố. Đáng chú ý, trong 10 tháng qua, ghi nhận sự bứt tốc của khối kinh tế tư nhân khi tỷ lệ đóng góp cho nền kinh tế thành phố ngày càng cao.
Các nỗ lực của thành phố trong thời gian qua về triển khai đẩy mạnh thủ tục đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… đã bắt đầu đem lại hiệu quả. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để góp phần hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp trong và ngoài nước ổn định, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Để tiếp tục đà tăng trưởng cũng như hướng đến đạt mục tiêu hoàn thành các nhiệm vụ phát triển địa phương từ nay đến cuối năm, tạo sức bật cho năm 2020 và giai đoạn phát triển quan trọng 2020-2030, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư đi kèm với triển khai hiệu quả hơn các cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn phát triển; thúc đẩy công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ phát triển; nỗ lực khơi thông các điểm nghẽn liên quan các công trình trọng điểm; tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư của thành phố; đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng CNTT liên quan đến thực hiện thủ tục đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp....
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, dự báo đến cuối năm, 4 chỉ tiêu quan trọng khó đạt được kết quả như mục tiêu đề ra mặc dù đã có những nỗ lực cải thiện đáng ghi nhận, đó là: tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) ước tăng 7,4% (kế hoạch 8-9%); giá trị gia tăng khu vực công nghiệp-xây dựng ước tăng 6,7% (kế hoạch 7-7,5%); kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tăng 6,8% (kế hoạch 12-13%); tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn (giá hiện hành) ước tăng 2,3% (kế hoạch 5-6%); giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản ước chỉ đạt 95% kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chỉ tiêu về tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) dự kiến không đạt kế hoạch đề ra do giá trị gia tăng khu vực công nghiệp không đạt mức tăng trưởng 7-7,5%; trong khi đó, lĩnh vực du lịch tuy lượng khách tăng cao nhưng doanh thu lưu trú thấp nên giá trị tăng thêm không cao; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa dự báo chỉ tăng 3,9% trong khi kế hoạch đặt ra tăng 12-13% dẫn tới nguồn thu thuế tăng không như kỳ vọng; tổng vốn đầu tư phát triển không đạt, chỉ tăng 2,3%, đáng lưu ý, vốn đầu tư của khu vực tư nhân giảm. Liên quan đến nguyên nhân ngành công nghiệp tiếp tục dự báo không đạt mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch đề ra, bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố cho rằng, bên cạnh những ảnh hưởng của tình hình chính trị trên thế giới như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung; ngành công nghiệp thành phố chịu tác động lớn do tình trạng cắt giảm mạnh quy mô, hoạt động sản xuất kinh doanh của 3 phân ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn gồm sản xuất sắt, thép, điện tử, sản xuất xe có động cơ. |
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA