ĐNO - Bằng sự tìm tòi, chăm chỉ, một nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) đã tạo nên 2 dòng sản phẩm chế phẩm sinh học chất lượng từ… phân chim cút và được các chuyên gia đánh giá cao.
Các chế phẩm sinh học của MICWAY cùng các sản phẩm khác của sinh viên khoa Sinh - Môi trường tại SURF 2019. |
Các dòng sản phẩm gồm có chế phẩm sinh học BIO-MS và BIO-MS1. Trong đó, BIO-MS là chế phẩm sinh học đặc hiệu, xử lý mùi hôi chuồng trại, giảm thiểu dịch bệnh cho chim cút, từ đó hạn chế lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi. Ngoài ra, BIO-MS còn xử lý phân chim cút để tạo nên phân vi sinh hữu cơ BIO-MS1.
Những dòng sản phẩm nói trên nằm trong dự án MICWAY, với các thành viên chủ chốt hiện tại là Phan Phước Thanh Thuận, Nguyễn Châu Giang và Trần Thị Diễm Quỳnh. Theo Thanh Thuận, dự án được triển khai từ giai đoạn cuối năm 2017, với sự hỗ trợ từ các thầy cô trong khoa Sinh - Môi trường (Trường Đại học Sư phạm).
Ý tưởng ra đời dự án bắt nguồn từ ghi nhận và khảo sát của các bạn tại nhiều hộ nuôi chim cút ở miền Trung. Số hộ nuôi chim ngày một nhiều kéo theo lượng lớn phân chim thải trực tiếp ra môi trường. Điều này không tốt bởi trong phân chim cút có rất nhiều vi sinh vật gây hại cho cây cối, vật nuôi, đặc biệt có thể gây nên nhiều bệnh về hô hấp và tiêu hóa với con người. Chính vì thế, dự án ra đời nhằm khắc phục những vấn đề này bằng việc tập trung xử lý phân chim cút hợp lý bằng chế phẩm đặc hiệu.
Được sự hỗ trợ kinh phí, thiết bị từ nhà trường, từ khoa, Đoàn Thanh niên và những kiến thức tìm hiểu được, các bạn tiến hành thực nghiệm mô hình dự án. Sau một thời gian nỗ lực, các chế phẩm đã được ứng dụng tại nhiều hộ nuôi chim cút ở thôn Trà Kiểm (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang), tại Hợp tác xã dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) và một số điểm tại thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam).
“Thời gian triển khai ban đầu, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, bởi không phải hộ nông dân nào cũng đồng ý cho phép một nhóm sinh viên thử nghiệm chế phẩm vi sinh ngay trên ruộng vườn của họ, vẫn phải thuyết phục khéo léo, dần dần, sản phẩm cũng được ứng dụng…”, Châu Giang chia sẻ.
Trung bình, mỗi lít chế phẩm BIO-MS sẽ xử lý được khối lượng phân thải ra của 1.000 con chim cút trong vòng 2 tháng. Trong khi đó, sản phẩm phân hữu cơ vi sinh BIO-MS1 đã được kiểm nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 và đạt TCVN 7185:2002.
Sản phẩm BIO-MS1 được đánh giá có thành phần nguyên liệu mới lạ là… phân chim, có khả năng tiêu diệt các vi sinh vật gây hại, làm tơi xốp đất, góp phần vào chuỗi sản xuất nông sản hữu cơ. Đồng thời, việc phun chế phẩm ở chuồng trại sẽ giúp giảm dịch bệnh, tăng sức đề kháng cho vật nuôi, tăng năng suất chăn nuôi.
Thứ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ Trần Văn Tùng tham quan gian hàng của khoa Sinh - Môi trường tại SURF 2019. |
Với những ưu điểm đó, dự án đã giành được nhiều thành tích trong quá trình tìm kiếm cơ hội phát triển như: Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Giải nhất cuộc thi "Sáng tạo khởi nghiệp cụm Duyên hải Nam Trung bộ" 2018, lọt vào chung kết Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia 2019, giải ba cuộc thi khởi nghiệp "Đà Nẵng Startup Runway" 2019, giải nhì cuộc thi "Startup weekend" của Global Shapers Đà Nẵng...
Mới đây, các thành viên dự án hết sức vui mừng khi MICWAY đã được Vườn ươm Doanh nghiệp thành phố (DNES) mời tham dự vào khóa ươm tạo mới, hứa hẹn trở thành dự án khởi nghiệp trẻ, giàu tiềm năng của thành phố. Tại Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo Đà Nẵng - SURF 2019 do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp và DNES tổ chức vào đầu tháng 11, MICWAY thu hút sự chú ý của nhiều chuyên gia và khách tham quan.
Đồng hành với MICWAY trong chặng đường đưa ra sản phẩm ra thị trường là TS Đoàn Thị Vân, giảng viên khoa Sinh - Môi trường. Những ngày cuối tháng 10, chị đang có mặt ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) để ứng dụng các chế phẩm của sinh viên lên cây tỏi đặc sản ở đây.
Theo Phan Phước Thanh Thuận, trong tương lai, các bạn mong muốn phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm riêng biệt cho từng loại cây, rau và hoa màu, nghiên cứu chế tạo nước rửa chén hữu cơ…
Bài và ảnh: TRƯỜNG KỲ