Là thành phố du lịch, Đà Nẵng có hàng ngàn cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, ăn uống. Tuy nhiên, hiện nay mới có ít cơ sở kinh doanh dịch vụ đăng ký công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch được gắn biển hiệu logo “Cơ sở du lịch đạt chuẩn”.
Với phong cách đậm chất dân gian và trang nhã, lịch sự, Ẩm thực Xèo là một trong 24 cơ sở đạt chuẩn được Sở Du lịch thành phố cấp logo và thu hút khá đông du khách. Trong ảnh: Các đầu bếp quốc tế đến dự Lễ hội Ẩm thực Đà Nẵng tháng 6-2019 đang thưởng thức các món ăn đặc trưng của Ẩm thực Xèo. Ảnh: Thu Hà |
Tiêu chí xét chọn còn chung chung
Từ ngày 1-1-2018, Luật Du lịch 2017 chính thức có hiệu lực, quy định cụ thể 5 loại hình cơ sở phục vụ du lịch đạt chuẩn, bao gồm: cơ sở dịch vụ ăn uống, mua sắm, chăm sóc sức khỏe, thể thao, vui chơi giải trí và các cơ sở dịch vụ khác. Từ cơ sở đó, Sở Du lịch thành phố đã gửi hồ sơ, vận động các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tham gia xét chọn.
Bà Lê Thị Ái Diệp, Trưởng phòng Quản lý cơ sở lưu trú (Sở Du lịch) cho biết, việc vận động các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tham gia xét chọn nhằm phát triển thương hiệu “Cơ sở phục vụ du lịch đạt chuẩn” thành một thương hiệu uy tín và nâng cao chất lượng, hỗ trợ quảng bá rộng rãi các sản phẩm, dịch vụ du lịch tại thành phố. Việc tham gia xét chọn cơ sở đạt chuẩn hiện đang là hoạt động tự nguyện nên đơn vị đang vận động các cơ sở, doanh nghiệp tham gia.
Vì tiêu chí xét chọn hiện còn khá chung chung, mới chỉ ở các tiêu chuẩn cơ bản như: có đăng ký kinh doanh và bảo đảm đầy đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật (giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm với cơ sở ăn uống; giấy phép hoạt động dịch vụ thể thao hoặc spa, massage với cơ sở chăm sóc sức khỏe…); thông tin rõ ràng về nguồn gốc và chất lượng hàng hóa; niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết và nhận thanh toán bằng thẻ do ngân hàng phát hành; nhân viên có thái độ phục vụ văn minh, lịch sự…
Trước mắt, đợt này mới có 24 cơ sở dịch vụ đạt chuẩn và đây là những đơn vị đạt các tiêu chí theo quy định. Đó là con số quá ít so với hàng ngàn cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, ăn uống trên địa bàn thành phố.
Lý giải việc hiện nay mới có ít cơ sở kinh doanh dịch vụ đạt chuẩn, bà Lê Thị Ái Diệp cho hay: “Đa số các cơ sở dịch vụ ăn uống và mua sắm đạt chuẩn bảo đảm đầy đủ các điều kiện để công nhận về cơ sở đạt chuẩn du lịch theo quy định.
Tuy nhiên số lượng các đơn vị tham gia việc công nhận cơ sở dịch vụ đạt chuẩn còn hạn chế do quy định về công nhận cơ sở đạt chuẩn mới có hiệu lực gần 1 năm và việc tham gia chủ yếu mang tính chất tự nguyện; nguồn nhân sự lao động tại các cơ sở dịch vụ chủ yếu làm theo thời vụ, không lâu dài, nghiệp vụ còn hạn chế nên chất lượng phục vụ chưa cao.
Đồng thời tiêu chuẩn quy định hiện nay còn khá chung chung nên Sở Du lịch ưu tiên lựa chọn các cơ sở có phong cách riêng, chất lượng dịch vụ cao so với mặt bằng chung để xét chọn và quảng bá. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu nâng cao các tiêu chuẩn này để doanh nghiệp thấy được sự cần thiết khi tham gia”.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền
Ông Lê Trí Vũ, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Tấn Thịnh, chủ thương hiệu “Đặc sản Hoàng Tín” rất đồng tình với việc xét chọn và công nhận các cơ sở kinh doanh đạt chuẩn phục vụ du lịch như thế này. Ông Vũ cũng cho rằng hiện nay các đơn vị kinh doanh dịch vụ đạt chuẩn đều đang được cấp chung một logo đạt chuẩn của Sở Du lịch.
Nếu được thì nên có dấu hiệu nhận biết riêng từng ngành như về dịch vụ ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí, thể thao… Khi đã có logo rồi thì cần truyền thông rộng rãi để giới thiệu tới các khách hàng cả trong nước và du khách quốc tế bằng cách thông qua các đơn vị lữ hành, các khách sạn, nhà xe.
“Bản thân cơ sở dịch vụ muốn giới thiệu dịch vụ của mình tới khách hàng còn các đơn vị lữ hành cũng muốn tìm kiếm những cơ sở dịch vụ uy tín, chất lượng bảo đảm. Việc kết nối hợp tác những cơ sở đạt chuẩn tới khách hàng sẽ mang lại cái dịch vụ tốt cho khách hàng và các bên liên quan”, ông Vũ gợi ý.
Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Vân Thảo, Giám đốc Công ty TNHH & DVTM Fam An, chủ thương hiệu “Namas Seafood Restaurant” cho rằng, nên nâng chuẩn các cơ sở doanh nghiệp, dịch vụ thêm để xét chọn được những đơn vị thực sự xứng đáng. Bên cạnh đó nên phân cấp các cơ sở đạt chuẩn giống như việc phân cấp xếp hạng sao cho hệ thống khách sạn hiện nay.
Điều này sẽ thuận lợi hơn để du khách lựa chọn. Đồng thời trong các chương trình xúc tiến, quảng bá trong và ngoài nước, thành phố nên giới thiệu những cơ sở đạt chuẩn đã được cấp logo với các đối tác, khách hàng để họ biết và đưa khách tới.
Các cơ sở đạt chuẩn được Sở Du lịch thành phố trao logo chứng nhận đạt chuẩn để du khách dễ nhận biết. |
Một số doanh nghiệp khác thì cho rằng, việc được cấp logo là cách khẳng định chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp, cơ sở, nhưng sau khi đạt chuẩn rồi cũng cần phải có chế tài nhất định kèm theo để các cơ sở luôn nỗ lực khẳng định chất lượng chứ không phải được chứng nhận rồi thì thôi. Như thế sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp khác và logo chứng nhận không có giá trị.
Bà Lê Thị Ái Diệp cho hay, hiện Sở Du lịch đang làm theo lộ trình, từng bước một, các cơ sở đã được chứng nhận khi làm tốt sẽ lan tỏa được chất lượng, hình ảnh của cơ sở mình tới khách hàng. Các cơ sở đạt chuẩn được hỗ trợ tập huấn; ưu tiên mời tham dự vào các sự kiện hoạt động của Hiệp hội Du lịch, Hội lữ hành…; được quảng bá rộng rãi qua nhiều kênh thông tin… Hiện Sở Du lịch cũng đang làm các video về các cơ sở đã được chứng nhận đạt chuẩn để quảng bá, giới thiệu tới du khách.
Trong tương lai sẽ thành lập câu lạc bộ nhà hàng; xây dựng bản đồ công nghệ về sản phẩm du lịch ẩm thực… Năm 2020, sẽ nghiên cứu, thẩm định và vận động 10 – 20 cơ sở mới để khuyến khích phát triển thương hiệu. Từ hiệu quả của những cơ sở đã được chứng nhận, các đơn vị khách thấy giá trị của việc đạt chuẩn mang lại thì họ sẽ tìm đến tham gia xét chọn chất lượng dịch vụ nhiều hơn.
Từ đầu năm đến nay, Sở Du lịch đã thẩm định và công nhận, gắn biển hiệu, logo “Cơ sở du lịch đạt chuẩn” cho 24 đơn vị: 16 cơ sở ăn uống phục vụ du lịch đạt chuẩn: Nhà hàng Cơm niêu Trúc Lâm Viên; Nhà hàng Madame Lân; Nhà hàng-Cà phê Không gian xưa; Café & Restaurane Trúc Lâm Viên; Nhà hàng Phố Biển (2 cơ sở); Ẩm Thực Xèo (2 cơ sở); Đặc sản Hoàng Tín; Retro Kitchen & Bar; Namas Seafood & Restaurant; The Lob Seafood.Bar; Nhà hàng Mỹ Hạnh; Nhà hàng For You Beach; Hoa Lúa chay; Nhà hàng chay Tâm Châu. 8 cơ sở mua sắm, chăm sóc sắc đẹp phục vụ du lịch đạt chuẩn: Tranh thêu tay XQ Đà Nẵng; Cửa hàng giày dép BQ; Trung tâm thời trang BQ; Cửa hàng đặc sản miền Trung; Cửa hàng đặc sản quà Miền Trung 2; Trung tâm thương mại Vincom Ngô Quyền; Công ty TNHH MTV Kiss Latex; Nhà hàng Cham Spa & Massage. |
Quy trình thẩm định cơ sở đạt chuẩn du lịch Cơ sở kinh doanh dịch vụ có nhu cầu đăng ký công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch gửi một bộ hồ sơ đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Du lịch và đoàn thẩm định đến thẩm định. Sau khi đoàn thẩm định tham mưu kết quả thẩm định trình lãnh đạo sở. Sau đó, trường hợp cơ sở đủ điều kiện, tham mưu trình lãnh đạo sở quyết định công nhận cơ sở dịch vụ đạt chuẩn; trường hợp cơ sở không đủ điều kiện, tham mưu trình lãnh đạo sở gửi công văn thông báo kết quả thẩm định cho đơn vị. Hồ sơ sau khi được gửi đến tham dự thẩm định là 14 ngày làm việc kể từ khi nhận đầy đủ thành phần hồ sơ hợp lệ. |
Bài và ảnh: THU HÀ